Chị ngồi sụp xuống, chết lặng. Trong tấm gương, một người phụ nữ già nua đang nhìn chị thất thần, đôi dép bà già, bộ áo quần xoàng xĩnh, những cuốn sách trong đôi tay đã nhăn nheo khô khẳng có vẻ lạc lõng đến lạ kỳ… Chị khóc.
Chị là giáo viên dạy văn, anh cũng vậy. Họ lấy nhau thuở còn nghèo. Chị ngưỡng mộ anh bởi sự sâu sắc, thông minh, nhạy cảm và tình yêu văn chương hết mình. Vì vậy, khi anh đậu cao học, dù biết chồng phải lên thành phố học tới ba năm, dù biết tính anh lãng đãng, dù biết mình phải vất vả với hai đứa con gái một bốn tuổi một hai tuổi, chị vẫn bằng lòng để chồng đi học.
Nói “bằng lòng” vì năm ấy, chị cũng thi đậu cao học chứ không chỉ mình anh. Hai vợ chồng cùng đi thi. Anh đèn sách chỉn chu, chị tất bật cơm nước, đón con, dạy chính dạy kèm kiếm thêm tiền chợ. Chị nghĩ, ừ thi thì thi, cho thỏa ước vọng, nên cứ đến phòng thi, có gì trong đầu thì viết đó. Vậy mà chị cũng đậu, còn cao hơn điểm anh! Thi xong, biết kết quả rồi, chị nói với chồng “Thôi hai vợ chồng chỉ một người đi học. Em ở nhà chăm con. Anh cứ yên tâm mà học…”.
Cũng từ đó, chị lơi lỏng dần sinh hoạt chuyên môn ở trường. Hai đứa bé nay đau mai ốm, lúc nào chị cũng tất bật chuyện con cái, thuốc men. Không có chồng bên cạnh, chị chẳng buồn chăm sóc bản thân. Mấy cái áo dài rộng thình, cũ kỹ, có khi sứt nút. Một đôi dép vừa đứng trên bục giảng vừa đi chợ cũng xong. Chiếc xe gắn máy có ghế chở trẻ con đằng trước, đứa ngồi sau nhằng nhẵng vòng tay ôm lưng mẹ, đứa đằng trước trùm kín cả mặt mũi những ngày mưa lạnh, ba mẹ con cứ thế “hành quân” ngày này sang ngày khác. Chị vắng họp thường xuyên vì con ốm, đến nỗi mỗi lần điểm danh đến tên chị, mọi người đều cười cảm thông.
Anh học xuất sắc, những bài báo của anh, những buổi trình bày của anh gây tiếng vang. Ai cũng thấy anh còn khả năng phát triển hơn nữa. Xong ba năm cao học, một trường đại học mời anh về giảng dạy và thực hiện tiếp đề tài tiến sĩ. Đứa con gái bé bắt đầu vào lớp 1. Chị lại bảo, thôi anh học tiếp đi, học cho cả phần em. Chuyển về thành phố cũng được, anh tìm chỗ nào đó, chật cũng không sao, mẹ con em sẽ chuyển theo.
Trong buổi liên hoan chia tay đồng nghiệp ở trường cũ, nhiều người bảo chị về thành phố, bắt đầu lại mọi thứ, sẽ vất vả lắm. Mấy ông tiến sĩ văn chương có ông nào nuôi nổi vợ con đâu. Chị cười, cái nhìn lo lắng nhưng vẫn ánh lên vẻ tự hào. “Trong hai người, em tự nguyện tắt mình đi để anh ấy được phát triển hết khả năng. Em sẽ xoay xở lo được việc nhà để anh yên tâm học hành nghiên cứu. Gái có công, chồng chẳng phụ mà…”.
Chỉ có mỗi cái bằng đại học, trầy trật lắm chị mới xin được về một trường cấp II. Nhà thuê, rồi nhà chung cư nhỏ nhỏ, rồi nhà riêng… Thấm thoắt hai mươi mấy năm, chị đến tuổi về hưu. Anh từ lâu đã được phong hàm phó giáo sư, rồi giáo sư, vẫn tiếp tục làm việc ở trường đại học. Con cái đã lớn, ra riêng cả, chị loanh quanh ở nhà, trong khi anh vẫn mải miết với những công trình nghiên cứu, hướng dẫn luận văn luận án, báo cáo khoa học đó đây.
Chị yên tâm hoàn toàn về anh. Chị tin, niềm đam mê khoa học trong anh lớn đến mức chiếm hết tất cả những không gian còn lại. Anh là của sách vở và của chị, của các con. Cái dáng lãng đãng khói sương, mái tóc muối tiêu, nụ cười ngơ ngác làm nên vẻ đẹp rất trí tuệ của anh bây giờ là kết tinh từ những hy sinh lặng thầm suốt những năm tháng qua của mẹ con chị, làm sao mà khác được.
Hôm qua, lâu lắm rồi, chị mới cùng con bước vào nhà sách. Cô con gái sắp theo chồng ra nước ngoài, muốn mang theo một ít sách. Cũng trùng hợp anh nhắn chiều nay không về nhà ăn cơm, nên chị mới rảnh rang mà đi cùng con. Nhà sách ở trung tâm, xa nhà chị, lại trái đường, hai mẹ con trầy trật mãi mới tới nơi. Chị ngợp mình trong sách.
Cầm trong tay cuốn Đêm trắng mà ngày xưa chị từng căng mắt đọc trên giấy nâu, chữ nhòe nhoẹt, định gọi con nói sách bây giờ in đẹp biết bao nhiêu, chị quay ngang tìm và bất chợt thấy anh, cách một dãy kệ sách, đang nói điều gì đó rất thân mật với một người phụ nữ trẻ thon thả, mặc chiếc váy có in những bông hoa nhỏ màu tím nhạt. Một lọn tóc của người phụ nữ trẻ rơi vương trên bìa sách, anh đưa tay đỡ lấy, nâng niu đặt lọn tóc lên vai.
Họ nhìn nhau cười. Cái nhìn của chị găm thẳng vào anh, hình như quá thảng thốt, quá mạnh, đến mức anh sực nhìn lên, thấy vợ mình đang đứng như hóa đá bên quầy sách trước mặt.
Cả hai đều choáng váng. Chị là người đầu tiên bình tĩnh lại. Chị mỉm cười chào cô gái lạ, nghe anh giới thiệu là một nghiên cứu sinh, nghe cô gái líu nhíu chào về, và nghe anh nói đưa cô ấy về rồi sẽ về nhà. Họ đi ra cùng nhau, bỏ lại hai mẹ con chị.
Chị ngồi sụp xuống, chết lặng. Trong tấm gương, một người phụ nữ già nua đang nhìn chị thất thần, đôi dép bà già, bộ áo quần xoàng xĩnh, những cuốn sách trong đôi tay đã nhăn nheo khô khẳng có vẻ lạc lõng đến lạ kỳ… Chị khóc. Một ý nghĩ đau đớn đến chói gắt bật lên từ một góc nào đó sâu thẳm trong chị, rằng cô không biết làm gì ngoài khóc lóc ư? Cô không đủ can đảm để chạy theo ông ấy, để níu lấy ông ấy, hay chợ búa hơn, để tát vào mặt người đàn bà kia một cái ư?
Trong chuỗi ngày an phận dài đến mức trở thành quán tính, chị bất chợt nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều. Sức sống của ngọn đèn là ánh lửa, dẫu có lúc tắt đi, nhưng đó là khoảnh khắc chờ lại được thắp sáng. Thế mà, ngọn đèn của chị đã tự tắt hẳn, suốt cả một đời người…