Đa số các bé ở lứa tuổi mầm non đều rất thích nghe người lớn đọc truyện, kể chuyện và trao đổi với người lớn về nội dung các câu chuyện. Kể chuyện cho con nghe là cách tốt nhất để cha mẹ dạy dỗ, uốn nắn, vun đắp tâm hồn của bé và đồng thời tạo mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ và con.
1. Vai trò của việc kể chuyện và đọc truyện cho bé
Những câu chuyện chứa chan những tình cảm yêu thương và được thể hiện qua giọng đọc trìu mến của cha mẹ có tác dụng giáo dục rất lớn với trẻ:
– Đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ: Mặc dù chưa hiểu được về nội dung của truyện, nhưng với những cuốn truyện tranh về con vật, nhiều màu sắc hấp dẫn, truyện có nhiều tranh ảnh phong phú…cũng giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức được màu sắc, thiên nhiên… kích thích trẻ nhận biết và quan sát đồ vật, tạo đà cho trẻ khám phá thế giới xung quanh. Khi bé lớn hơn, với hình thức vừa đọc truyện cho bé vừa đặt câu hỏi diễn biến tiếp theo của truyện giúp trẻ phát triển tư duy phán đoán và trí tưởng tượng phong phú. Việc khuyến khích trẻ kể lại truyện đã được nghe cũng giúp cho trẻ phát triển được trí nhớ tốt, những lời khen ngợi khi bé trả lời những câu hỏi đúng khi phán đoán đồ vật, nhận vật, kết quả…trong truyện sẽ động viên và khuyến khích được trẻ yêu thích được nghe và đọc sách sau này.
-Đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ: Lứa tuổi này đang bắt đầu hình thành và phát triển về ngôn ngữ, việc đọc truyện cho bé nghe có tác dụng tích cực cho trẻ phát triển ngôn ngữ qua ngữ điệu, kích thích việc đặt câu hỏi của trẻ khi có những tình tiết cần tư duy, sáng tạo, đồng thời tăng thêm vốn từ cho trẻ.
– Đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ: Việc kể chuyện cho bé có tác dụng rất lớn với việc giáo dục đạo đức cho bé, bởi vì trẻ rất thích bắt chước và học tập được đức tính tốt của các nhân vật trong truyện. Thông qua các câu chuyện, trẻ có thể phân biệt được người tốt – người xấu, đức tính tốt – đức tính xấu.
Bên cạnh đó, việc kể chuyện cho trẻ nghe là cách thức tốt nhất để cha mẹ gần gũi trẻ, hiểu trẻ và thể hiện tình cảm với trẻ.
2. Kể chuyện cho bé như thế nào?
– Lựa chọn truyện cho bé: Hiện nay, sách, truyện dành cho bé rất nhiều, cha mẹ nên tìm cho trẻ những truyện phù hợp với lứa tuổi và sự nhận thức, giới tính của trẻ. Hầu hết trẻ rất thích những sách, truyện có màu sắc sặc sỡ, hình ảnh minh hoạ sinh động. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bé khi chọn truyện cho bé.
– Thời gian kể chuyện cho bé: Việc bố trí thời gian để cha mẹ kể chuyện cho trẻ là rất quan trọng. Tốt nhất là cha mẹ nên dành thời gian kể chuyện và đọc truyện cho bé nghe trước khi bé đi ngủ, vì lúc này bé vừa chú tâm nghe lại vừa giúp bé yên tâm đi vào giấc ngủ một cách ngon lành.
– Cách thức kể và đọc truyện cho bé:
Khi đọc truyện và kể chuyện cho trẻ, cha mẹ cố gắng đọc thật truyền cảm, rõ ràng, dí dỏm để lôi kéo sự chú ý và hứng thú của trẻ.
Do đặc trưng của trẻ là tiếp nhận sự việc bằng động tác và hình ảnh nên khi kể chuyện bạn phải sử dụng những vật thực, hình ảnh thực. Khi kể chuyện, bạn phải chỉ lên các bức tranh màu sắc rực rỡ và diễn giải bằng các cấu từ thật đơn giản, tình tiết dễ hiểu để trẻ xem và hiểu. Ngoài ra, cha mẹ có thể mô phỏng các tiếng kêu của những con vật cho câu chuyện thêm sinh động và hấp dẫn.
Khi kể chuyện cho trẻ, cha mẹ nên đặt ra những câu hỏi để trẻ nhập tâm vào vào những câu chuyện, nhằm kích thích tư duy của trẻ, giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Ví dụ, bạn kể cho trẻ câu chuyện“Gà con tìm mẹ”, đến chỗ gà con đi tìm mẹ, bạn hãy dừng lại và mô tả tiếng kêu “chiếp chiếp” của chú gà con; đoạn sau đến chú vịt, cún con, mèo con kêu, bạn cũng để trẻ mô phỏng tiếng kêu của chúng. Như thế sẽ tăng thêm sự thích thú của trẻ về câu chuyện và làm phong phú vốn từ, tư duy của trẻ cũng từ đó được phát triển hơn.
Khi trẻ đặt những câu hỏi liên quan đến câu chuyện, cha mẹ cần giải thích cho trẻ một cách dễ hiểu nhất và khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Điều đó chứng tỏ trẻ rất hứng thú với câu chuyện.
Trong câu chuyện có những tình tiết, nội dung khó hiếu mà trẻ chưa nhận thức được, cha mẹ cần giải thích rõ ràng, dí dóm để trẻ có thể nắm bắt được nội dung đó.
Khi bé đã ghi nhớ nội dung câu chuyện, cha mẹ nên để bé tập kể lại nội dung câu chuyện đó, khuyến khích bé kể chuyện cho người khác nghe và khen ngợi trong lúc bé kể. Khi có thời gian, cha mẹ nên tổ chức cho trẻ những trò chơi đóng vai các nhân vật trong truyện, qua đó trẻ yêu thích câu chuyện hơn và học hỏi được nhiều điều từ nội dung các câu chuyện.