Những bệnh lý của hệ sinh dục thường gặp ở bé trai là: vùi dương vật, hẹp bao quy đầu, tinh hoàn ẩn. Tuy vậy, không phải bậc cha mẹ nào cũng có phát hiện và nhờ đến sự can thiệp sớm của các bác sĩ.
Chính vì thế viêc phát hiện chậm hoặc không có biện pháp điều trị kịp thời bất thường “của quý” sẽ ảnh hưởng đến “khả năng đàn ông” của bé trai khi trưởng thành.
1. Vùi dương vật
Vùi dương vật là dị dạng bẩm sinh của bộ phận sinh dục ngoài. Trong dị vật này, thân dương vật và quy đầu bị vùi trong lớp da quy đầu liên tục với bìu và/hoặc thành bụng, nên không nhô lên khỏi lớp da trước xương mu, gây khó khăn khi tiểu tiện. Nếu không được điều trị, dị tật này sẽ gây ra những ảnh hưởng về tiết niệu như nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm quy đầu xơ và tắc.
Ngay sau khi chào đời, nếu được bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm thăm khám, sẽ phát hiện được ngay bất thường của dương vật với đặc trưng là ống dương vật rất ngắn hay không có. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp được phát hiện rất muộn, có lẽ do lầm lẫn với biểu hiện của hẹp bao quy đầu và do thiếu sự quan tâm của cha mẹ.
Vì vậy, nếu không thấy dương vật hoặc ấn ngón tay vào gốc dương vật để kéo da dương vật và bao quy đầu thì thấy thân dương vật bình thường, nhưng khi buông tay lại thấy dương vật ‘biến mất’ vào ngấn da thì cha mẹ nên đưa ngay bé đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có biện pháp điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời.
2. Hẹp bao quy đầu
Chít hẹp bao qui đầu là tình trạng vòng bao qui đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao qui đầu. Đa số chít hẹp bao qui đầu là do bẩm sinh. Trẻ có dấu hiệu tiểu khó và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ trong khi bao qui đầu chứa đầy nước tiểu căng phồng lên, vuốt nhẹ da bao qui đầu ra phía sau không nhìn thấy lỗ đái.
Thường khi bé vài ba tháng tuổi thì chưa cần quan tâm nhiều đến vấn đề này nhưng bé từ 5 – 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ cần lưu ý. Bạn có thể phát hiện bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao (nếu tia nước nhỏ như cái kim, bé khó tiểu, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì chắc chắn bé bị bệnh này).
Hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm.
Cách khắc phục nếu bị bệnh: Khi bé 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, cứ thế mỗi lần một chút có thể khiến bao quy đầu rộng dần và trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà tình hình không cải thiện hoặc do lỗ quá hẹp thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
3. Tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn là nơi sản xuất chất nội tiết sinh dục và tinh trùng cho bé trai. Trước khi đứa bé ra đời, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu sự di chuyển này gặp “sự cố”, tinh hoàn sẽ nằm đâu đó trên đường đi của nó.
Đây là bệnh dễ phát hiện, vì chỉ cần sờ bìu của trẻ là có thể biết. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ dù biết bệnh của con phải mổ nhưng cũng không đưa đến viện sớm. Lý do là vì sợ trẻ còn nhỏ, động dao kéo vào thì không tốt nên cố đợi con lớn mới đến viện.
Thực tế, ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, trước 1 tuổi, tinh hoàn có thể tự di chuyển dần xuống bìu. Nhưng sau 1 tuổi, khả năng này là rất thấp. Vì thế các bác sĩ thường khuyên cha mẹ đưa trẻ đi mổ lúc 15-18 tháng tuổi.
Bé bị tinh hoàn ẩn không quá nguy hiểm, điều quan trọng là phải phát hiện sớm và mổ kịp thời để tránh những biến chứng như teo nhỏ hoặc xoắn tinh hoàn.