Theo những người từng trải, hãy suy nghĩ ít nhất hai lần trước khi có ý định “phơi bày” cuộc hôn nhân của mình.
Cả thế giới sẽ biết về chuyện gia đình bạn
“Trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắc người mà mình tâm sự chuyện gia đình không phải người ba hoa, khoác lác, còn không sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi cả thế giới đột nhiên biết rõ các vấn đề xảy ra giữa hai vợ chồng bạn.
Bất cứ ai sau khi tiết lộ trục trặc gặp phải trong hôn nhân nghĩa là họ đã đánh mất quyền kiểm soát thông tin, quyền giữ bí mật cho mình. Và xa xôi hơn, chuyện này sẽ trở thành rắc rối hàng đầu, vượt qua cả chuyện cãi vã giữa hai vợ chồng mà bạn vừa chia sẻ. Bởi lẽ, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu đi đâu cũng thấy chuyện của gia đình mình bị đem ra bàn tán, dị nghị.
Vì thế, đừng nên phơi những bộ quần áo bẩn của mình ở nơi thoáng gió. Với hôn nhân cũng vậy, một trong những lời khuyên bổ ích là không nên phơi bày chuyện nhà mình cho người ngoài biết” – Bảo Liên, 35 tuổi – nhân viên ngân hàng, chia sẻ.
Vợ/chồng bạn cảm thấy bị phản bội
“Khi bạn cảm thấy buộc phải tâm sự chuyện riêng tư với một người thứ 3, đối tác của bạn (vợ/chồng) sẽ nhanh chóng có cảm giác mình không được tin tưởng nữa, trầm trọng hơn họ sẽ nghĩ mình đã bị phản bội.
Mình từng đọc một cuốn sách tâm lý, trong đó có nói: Dù trong hoàn cảnh nào, hãy tìm đến người bạn đời của bạn trước tiên khi gặp bất cứ vấn đề gì. Trong đó có lý giải quan hệ vợ chồng chính là mối quan hệ thân thiết, gần gũi nhất với những người đã lập gia đình.
Khi bạn nói xấu người chung sống hàng ngày với mình nghĩa là bạn đang phản bội chính niềm tin của mình. Và khi đặt mình vào hoàn cảnh của nửa kia (ngồi trong phòng, nghe rõ những điều bạn đang nói xấu), người ấy sẽ nghĩ gì ngoài cảm giác mình đã không còn được tin tưởng, yêu thương như trước kia nữa?” – Nguyễn Thanh Tùng, 30 tuổi, huấn luyện viên gym, cho biết.
Một chuyện nhỏ nhặt có thể trở thành vấn đề cực lớn
“Một lần, tôi bốc đồng phàn nàn với chị dâu tôi về việc chồng khô khan, không biết thể hiện tình cảm. Ngay lập tức những lời phàn nàn này đã đến tai anh ấy và anh tỏ thái độ khó chịu khủng khiếp. Vợ chồng tôi đã mất một thời gian dài để vượt qua chuyện này.
Rõ ràng đó chỉ là chuyện rất nhỏ nhặt nhưng anh ấy nghĩ tôi đang không hài lòng về khả năng làm chồng của anh. Bài học tôi rút ra qua những năm làm vợ là khi tức giận với chồng, hãy tìm một thú vui gì đó như nghe nhạc, xem phim, mua sắm… để bình tĩnh và quên đi. Điều tối kị là than thở với người khác” – Phương Chi, 30 tuổi, Q1. TP Hồ Chí Minh, tâm sự.
Thái độ thông cảm của người ngoài không khách quan
“Chẳng hạn khi cãi nhau với chồng, bạn tìm đến một cô bạn thân để chia sẻ. Tất nhiên cô ta sẽ an ủi bạn thế này thế kia. Nhưng bạn ấy không hiểu rằng thực chất mối quan tâm của cô ấy là bạn chứ không phải cuộc hôn nhân của bạn. Vì vậy, cô ta sẽ không có cái nhìn khách quan về chuyện gia đình bạn đang gặp phải để gỡ rối cho đúng cách.
Thông thường người bạn thân đó sẽ bênh vực bạn, đứng về phía bạn để nói lên quan điểm của mình. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi rất nhiều trường hợp nguyên nhân gây ra rắc rối là từ phía bạn chứ không phải từ chồng. Như vậy, cô ấy sẽ chẳng giúp bạn giải quyết được vấn đề gì cả” – Thu Hoài, 29 tuổi, Ninh Bình, giãi bày.
Bạn có thể nhận được lời khuyên xấu
“Chính tôi đã gặp phải tình huống này. Khi tôi phát hiện chồng có để mắt tới một cô gái làm cùng, tôi đã kể ngay với một chị đồng nghiệp khá thân thiết. Chị này không có ý đồ gì xấu, nhưng chị ấy đã ly hôn vì chồng ngoại tình nên có cái nhìn khắt khe với đàn ông thì phải.
Ngay lập tức, chị ấy khuyên tôi nên ly hôn càng sớm càng tốt và quả quyết ‘Em càng kéo dài hôn nhân thì càng khổ. Đàn ông đã vướng vào chuyện này chắc chắn cả đời sẽ thế!’. Tôi hơi sốc vì nghĩ chuyện gia đình mình chưa tới mức đó.
May mà tôi bình tĩnh lại, tìm hiểu vấn đề thì biết chuyện cô gái kia chỉ xuất phát từ phía cô ấy. Chồng tôi không ‘xấu xa’ đến mức phải chia tay” – Lưu Hường, 28 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện, bày tỏ.
Thay đổi suy nghĩ của người ngoài về bạn đời của mình
“Khi bạn chia sẻ chuyện trục trặc trong gia đình mình khác nào việc bạn đang vẽ chân dung về người bạn đời một cách tiêu cực, xấu xí trong mắt người khác. Và chắc chắn, sau khi nghe những chuyện bạn kể, người thân, bạn bè của bạn sẽ nhìn anh ấy với một suy nghĩ khác.
Họ có thể đối xử lạnh nhạt, ghẻ lạnh, thậm chí ghét bỏ chồng bạn, kể cả khi chuyện gia đình bạn đã được giải quyết êm đẹp. Và đến lúc này, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề rắc rối hơn nhiều bởi mối quan hệ không thuận lợi giữa bạn – chồng và những người thân thiết của mình.
Tôi cho khi hôn nhân gặp rắc rối, nếu thực sự bạn bế tắc đến mức cần một nơi chia sẻ, tư vấn thì hãy tâm sự chuyện gia đình mình với một giọng trung lập, khách quan. Và nếu có sự chứng kiến của một, hai người khác nữa – người thân thiết với cả hai vợ chồng thì càng tốt” – Bùi Hồng Hạnh, 30 tuổi, An Dương Vương (Hà Nội), cho biết.
Lời nói của người khác có thể là trở ngại đối với cuộc hôn nhân của bạn
“Khi chồng tôi vướng vào một lỗi lầm khá lớn, tôi vô cùng đau khổ nên đã tìm đến với mẹ mình để tâm sự và tìm cách giải quyết. Mẹ tôi rất thương con gái nên đã khuyên nhủ tôi đủ điều để hòa giải với gia đình mình. Tuy nhiên, có một câu nhận xét của mẹ khiến tôi cứ bị ám ảnh mãi. Đó là: ‘Chồng con quá trẻ con và không đáng tin cậy’.
Sau này, khi tôi đã tha thứ cho chồng và vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau, mỗi lần bực tức chồng chuyện gì đó, tôi lại nhớ tới lời mẹ nói. Điều đó khiến tôi không thực sự hài lòng và tin tưởng chồng.
Tôi cảm thấy mệt mỏi nếu cứ kéo dài tình tạng này, nên đã chọn cách ‘bơ’ đi tất cả quá khứ. Tôi chỉ nhìn vào những gì hiện tại anh ấy làm vì vợ con, hy sinh vì gia đình… Có như thế mới khiến tôi tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn”. Đây là câu chuyện thật và cũng là bài học của chị Nguyên Hạnh – 34 tuổi, kế toán.