Tết ở trong nước thì có thể hình dung và hiểu dễ dàng với một đứa trẻ Việt qua không khí, thông tin đại chúng xung quanh mình, thế nhưng là một câu hỏi xót xa cho cha mẹ tha hương.
Không đơn giản để giải thích dễ dàng cho một đứa trẻ Việt hay lai ở hải ngoại để hiểu rõ Tết quan trọng thế nào đối với cha mẹ chúng.
Nơi đây, “Tết Trung Hoa” theo Tây thì họ chỉ nghĩ đơn giản chúng tôi giống như những người Trung Hoa, vì phân biệt Việt Nam hay Trung Hoa không phải dễ đối với họ. Cũng như Pháp, Bỉ, Hà Lan hay Đức cũng không dễ để nhận ra đối với chúng ta. Họ không nghĩ rằng Tết rất quan trọng đối với người Việt Nam thế nào, chỉ có vài người Tây có người thân là người Việt Nam may ra còn hiểu đôi chút. Thành phố vẫn nhộn nhịp như những ngày bình thường khác, mọi người tất bật với công việc của mình.
Tôi cũng vậy, khi đi sắm sửa vài thứ cho dịp Tết, từ sau lưng có tiếng gọi “Thy, Chúc mừng năm mới”. Tôi giật mình quay lại, là một đồng nghiệp, nhưng cô nhớ đến “Tết Trung Hoa” thế là nghĩ giống như cái Tết của Việt Nam chúng ta. Sau vài lời thăm hỏi và giải thích về cái Tết Việt Nam, cô bạn đồng nghiệp của tôi hiểu ra, à nó quan trọng đến thế. Cũng như ngày Noel là ngày đoàn tụ, nên con cái phải trở về nhà cha mẹ như phong tục Tết của chúng ta.
Tôi chuẩn bị vài thứ trái cây thông thường mà mùa này có, đu đủ Brazil, xoài đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, bưởi Thái Lan, tôm càng Việt Nam, bánh chưng, bánh tét… Về đến nhà trưng bày trên bàn thờ nhỏ của nhà tôi, mâm ngũ quả của tôi đấy, dọn dẹp lau chùi sạch sẽ như thường lệ, rồi chuẩn bị nấu ăn cúng ba mươi Tết. Sau màn cúng, chúng tôi dọn ra bàn ăn, hôm nay đồ ăn nhiều hơn thường lệ, vì ngày thường làm việc, chúng tôi có rất ít thời gian chuẩn bị linh đình, may thay năm nay là năm đầu tiên được nghỉ hai ngày ăn Tết Ta, sau nhiều năm ăn Tết nhạt nhẽo.
May mắn vậy, vì là ngày biểu tình tăng lương, công đoàn yêu cầu mọi người nghỉ việc để chống đối, con gái tôi cũng bị nghỉ học do việc này. Trên bàn ăn tương đối thịnh soạn, và tôi kể lại cho ông xã những chuyện vui ngày Tết ở Việt Nam. Con tôi nghe tôi nói đến Tết và hỏi “Tết là gì hả mẹ?”. Sau khi giải thích cho con như cho đồng nghiệp của tôi, là quê hương là gia đình, đoàn tụ, sự giao hòa giữa cũ và mới… con tôi may ra hiểu đôi chút. Tôi bỗng chợt buồn man mác, giờ này ở tuổi của con tôi, tôi lại được tung tăng với quần áo mới rồi lại nhận những bao lì xì với tiền gấp nếp mới tinh.
Ngày mùng bốn Tết Ta nhưng theo dương lịch thì là ngày sáu tháng hai, chúng tôi lại được đoàn tụ gia đình nhỏ của anh tôi. Tuy xa hơn ba trăm cây số, hơn bốn giờ lái xe, chúng tôi gặp gỡ mọi người, những đứa cháu lai Tây thật xinh xắn, nhưng ăn mặc như thường lệ, vì chẳng có gì đặc biệt so với chúng những ngày này, chúng chờ ăn uống đơn giản và nhận lì xì. Lì xì hay chúc Tết thêm tuổi là gì? Chúng cũng chẳng hiểu hết, vì có tiền là được rồi, chúc thêm tuổi thì Tây họ không chúc thêm tuổi vào dịp Tết, chỉ vào sinh nhật mà thôi.
Còn không khí Tết làm gì có nơi đây, chúng tôi là bậc cha mẹ cũng cố gắng giải thích, để chúng hiểu rõ ràng, nhưng hưởng được cái ‘Tết’quê nhà thì không đơn giản, khi phải sống xa quê vạn dặm. Khi chúng tôi mở nhạc xuân nho nhỏ trong lúc nói chuyện, đủ cái bài hát về xuân, con tôi hỏi “Tiếng ồn gì vậy mẹ?” (C’est quoi du bruit?), vì chúng làm sao hiểu hết được lời hát diễn tả gì, vì xuân thì chưa đến theo chúng, bây giờ là cái đông lạnh buốt, Tết Tây thì qua rồi. Nỗi xót xa của bậc cha mẹ tha hương là thế, có giải thích thì cũng như là sự giáo dục bắt buộc khó khăn.
Sau đó, chúng tôi sang khu vực quận mười ba, khu vực của người châu Á nhưng phần đông là Trung Hoa, tôi sắm sửa ít đồ ăn Việt Nam mang về và đón phái đoàn Múa Lân Trung Hoa đến. Phải đến trước giờ biểu diễn hơn 3-4 tiếng may ra mới tìm được một góc quay hay chụp hình toàn cảnh, còn không thì đứng xa mà nhìn và nghe đốt pháo. Các cửa tiệm Trung Hoa đốt pháo nghe giòn tai, mùi pháo Tết lại gợi trong tôi những năm ở quê nhà, nhưng đoàn múa Lân Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện xứ Tây này. Đoàn người tấp nập, Tây, Ta gì cũng có, hai hàng cây dọc theo con đường treo vài tấm liễn lủng lẳng, xung quanh chợ mọi người sắp hàng để được phát bong bóng, các cửa hiệu bán thức ăn toàn người là người đứng sắp hàng để đến lượt mình, những nhà hàng thì chật ních không còn chỗ trống cho chúng tôi chen chân vào. Đến sáu giờ chiều thì mọi người tản ra về, thế là hết một cái tết Ta ở xứ Tây.
Chuẩn bị làm đẹp đến đâu, có pháo Tết, có gần như đầy đủ, nhưng cũng chỉ là cái Tết trái mùa, xung quanh toàn Tây là Tây. Con cháu Tây làm gì đón và hiểu trọn vẹn được cái Tết ta. Tết ta ở xứ Tây thì làm gì mà vui, vì mọi người tất bật cho cuộc sống, đi làm đón và dạy con, nấu nướng, việc nhà… Tết chỉ vỏn vẹn một ngày tượng trưng cho khỏa lấp cái nỗi nhớ quê, chứ làm gì mà hưởng Tết trọn vẹn được ở xứ người.
Có về Việt Nam ăn Tết, thì cũng không thể suốt cuộc đời những đứa trẻ tha hương này, vì chúng xem đây là nơi chôn nhau cắt rốn của chúng. Nếu về thăm quê ngoại hay nội cũng chỉ là có dịp thuận tiện mà thôi, có thể vài lần trong cuộc đời của chúng. Càng lớn chúng còn có những kỳ thi quan trọng vào tháng này và tháng sau và có đi tham gia “Tết” ở hội đoàn, cũng chỉ là ngày định sẵn cuối tuần, chớ làm gì biết tuần lễ Tết ở mọi nhà của chúng ta ở quê ta, rồi cháu chắt chúng ta sẽ giữ truyền thống này bao lâu?
Tết ở quê hương là Tết ở mọi nhà. Ai cũng chuẩn bị cho nhà mình đẹp đẽ và đầy đủ mọi thứ, trang hoàng, trưng bày cây mai với liễn đỏ vàng, với mấy bao lì xì treo lủng lẳng trông đẹp mắt. Ra đường thì mọi người ăn mặc đẹp, nhạc xuân thì rộn ràng ở các quán cà phê. Tụ điểm ca nhạc thì toàn nhạc xuân, kịch xuân vui nhộn, phim hay tư liệu trên truyền hình toàn nói về xuân, cải lương cũng thế… thì việc hiểu biết về “xuân ở quê nhà” phong phú cho mọi người ở trong nước chứ không riêng cho những đứa trẻ, còn nơi đây làm sao có được?
Thy Nguyen (Bruxelles)