Thỉnh thoảng, Vân trêu chồng: “Anh sắp trở thành ông bố hoàn hảo rồi, vì đã kiếm cho con mình được bà vợ vừa ngoan, vừa giỏi”. Chồng Vân “méo mặt” đáp: “Chẳng biết đến bao giờ mới hoàn hảo mà hết kiếp bị ‘cấm vận’ đây”.
Hoàng Hạnh – nghiên cứu sinh khối xã hội ở Hà Nội kể: “Suốt bốn năm học làm nghiên cứu sinh, nhàn hạ có lúc, chỉ căng thẳng khi thi cử. Đến nay đã đi đến cuối chặng đường, muốn có được tấm bằng đẹp phải có sự cộng hưởng ‘của vợ, công chồng’”.
Tất bật trong việc sửa sang luận văn, chị Hạnh đã giao phần lớn việc nhà cho chồng làm. Tan sở, anh Huấn – chồng chị Hạnh, phải lao như bay về đón con, nấu nướng, giặt giũ – những công việc vốn lâu nay được coi là “đặc quyền” của vợ.
Thỉnh thoảng, trong mỗi bữa ăn, chị Hạnh lại không tiếc lời thốt lên: “Cơm ngon canh ngọt đúng là chồng em” để động viên chồng đã giúp chị làm việc gia đình.
Chị Hạnh chỉ đảm đương được việc đi chợ mua thức ăn mỗi tuần một lần. Chị đã từ bỏ thói quen đi chợ mỗi sáng để mua được đồ ăn tươi ngon và thay bằng việc mua cả đống thức ăn cất trong tủ lạnh đủ dùng dần trong tuần. “Thôi đành, sống theo lối phương Tây để hoàn thành nốt cái sự nghiệp học hành này vậy” – chị Hạnh bảo.
Chị Hạnh thường học đến quá nửa đêm. Nhiều lúc mệt lả thiếp đi, song lại trở dậy làm lạch cạch bên chiếc máy tính. Chị không muốn làm ảnh hưởng đến chồng và ngược lại. Và để dành sức khỏe và không bị phân tâm vào gia đình, chị yêu cầu anh Huấn sang phòng khác ngủ.
Thời gian đầu bị vợ “cấm vận”, anh Huấn gắt lên: “Đàn bà học lắm làm gì để coi chồng không bằng tờ giấy”. Song, thấy vợ thức đêm thức hôm đến rạc người, anh lại thương vợ. Thế là suốt hơn tháng nay, anh Huấn đã cắp gối sang phòng con trai ngủ nhờ.
Cậu con trai nhỏ đùa bố: “Bố hư nên bị mẹ phạt không cho nằm phòng đó ạ?” Anh Huấn động viên con: “Con phải nhìn mẹ học bài chăm chỉ mà gắng học cho tốt con nhé”. Dù rất khó chịu nhưng anh Huấn biết, chuyện “cấm vận” này chỉ trong ngày một ngày hai nên đành nén chịu.
Cùng chung hoàn cảnh đó, Vân – đang học cao học ở Thái Nguyên, cho biết: “Cặm cụi học hành mấy năm nay chỉ mong lấy được tấm bằng thạc sỹ. Cứ bảo bằng thạc sĩ không ghi xếp loại, nhưng điểm số rành rành ra đó, điểm cao vẫn vẻ vang hơn”.
Theo Vân thì học hành cũng có “thì”. Lúc trẻ dễ tiếp thu hơn về già nên đã dốc tâm học. Đến giờ thì không có lý gì không phấn đấu nốt để được cầm trong tay tấm bằng đẹp hơn cả.
Hiện tại vợ chồng Vân vẫn còn “son” nên khá thoải mái trong việc cân đối giữa công việc cơ quan, học hành và chuyện gia đình. Cũng nhờ đó mà nhiều bạn bè, hàng xóm xung quanh đã xếp cô vào hàng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Song, khi mùa thi tới, ngày tốt nghiệp cận kề, Vân lại đặc biệt ưu tiên cho chuyện học hành. Chín môn học cần nộp bài tiểu luận trong vòng hơn một tháng đã thúc ép cô làm ngày làm đêm để đạt điểm tốt.
Thế nên, trong mùa thi, dù chung giường chung chiếu, nhưng vợ chồng Vân thân ai người đó ngủ. Cô không thiết “động chạm” vào chồng. Thậm chí, đôi lúc dù chồng có “nhu cầu”, quàng tay sang í ới thì Vân vẫn nhất quyết đẩy anh ra bởi làm bài tập khuya đã thấm mệt.
Bị cự tuyệt, ban đầu chồng Vân giận dỗi. Sau vài lần thì anh phải tự biện minh: “Vì học hành, vì tương lai của vợ nên mình đành phải hy sinh vậy”.
Dẫu “thả” chồng, song Vân vẫn để tâm đến thái độ và hành vi của anh. Bởi trong thâm tâm, cô vô cùng lo sợ chồng sẽ “thiếu cơm, tìm phở”.
Cô đã âm thầm cài đặt chế độ định vị trên điện thoại để nắm được “đường đi nước bước” của chồng. Để rồi những lúc đang ở cơ quan hay đang trên lớp học, Vân lại tranh thủ vài phút mở điện thoại kiểm tra chồng,vừa hồi hộp, vừa lo sợ.
Thỉnh thoảng, Vân trêu chồng: “Anh sắp trở thành ông bố hoàn hảo rồi, vì đã kiếm cho con mình được bà vợ vừa ngoan, vừa giỏi”. Chồng Vân “méo mặt” đáp: “Chẳng biết đến bao giờ mới hoàn hảo mà hết kiếp bị ‘cấm vận’ đây”.