Thực phẩm ngoại không còn là điều mới mẻ với nhiều bà nội trợ một phần vì muốn thử “hàng ngoại”, một phần muốn thay đổi, làm đa dạng của bữa ăn. Thế nhưng với các mặt hàng ngoại đó cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ mà không phải ai cũng biết.
1. Lo ngại sửa hạn dùng
Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một doanh nghiệp ở Bình Dương “phù phép” cho sản phẩm chân và sườn lợn nhập khẩu thêm hạn sử dụng một năm bằng cách sửa date. Vianfood, một nhãn hàng có uy tín trên thị trường thực phẩm cũng bị phát hiện đang tồn kho một số thực phẩm đùi lợn, xúc xích, sườn cốt lết… quá hạn sử dụng. Công ty này đã sửa hạn dùng 17 tấn thịt lợn. Đây chỉ là phần nhỏ trong những vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện liên quan đến thực phẩm nhập ngoại quá hạn sử dụng.
Trong khi đó, chỉ riêng ở thành phố HCM, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã tiêu thụ hàng trăm tấn thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò nhập ngoại. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc nhập ngoại, vốn được coi là “hàng xịn” là rất lớn. Hiện, để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm này, cơ quan chức năng đã bàn hành một số quy định, trong đó có việc nghiêm cấm sử dụng phương pháp “làm sạch” bằng chiếu ion đối với thực phẩm đã nhiễm khuẩn. Quy định này sẽ bắt buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải coi trọng việc bảo quản hàng hóa. Cục thú y vừa qua đã cấm nhập khẩu pín dê và đang xem xét cấm nhập khẩu một số loại nội tạng động vật, bởi đây là những sản phẩm khó bảo quản.
Tháng 6 vừa qua, đội quản lý thị trường số 26 Hà Nội phối hợp với cảnh sát môi trường cũng đã phát hiện một số lò hàng bánh kẹo ngoại vận chuyển lên Hòa Bình có dấu hiệu sửa hạn sử dụng. Tại kho của công ty nhập khẩu ở Thanh Xuân, Hà Nội, cơ quan quản lý thị trường và công an đã phải mất nhiều giờ đồng hồ kiểm đếm một kho lớn chứa đến 8 tấn bánh kẹo đều đã cận hạn hoặc hết hạn dùng, đã được tẩy hạn cũ và dập hạn dùng mới sang đến 2013. Giá trị hàng hóa lớn thời gian vận chuyển kéo dài trong khi tình hình luân chuyển hàng hóa không phải lúc nào cũng thuận lợi, khiến cho nhà nhập khẩu đã nghĩ ra “chiêu” này để kiếm lời.
2. Xem hạn dùng thế nào?
Mặc dù đã có quy định các đơn vị nhập khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm thực hiện việc ghi hạn sử dụng bằng tiếng Việt khi phân phối, kinh doanh hàng hóa tại thị trường trong nước, nhưng trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm túc. Để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, người tiêu dùng cần tìm hiểu cách ghi hạn sử dụng một số sản phẩm thông dụng bởi mỗi quốc gia có cách ghi hạn sử dụng khác nhau. Chẳng hạn như hàng hóa từ Hàn Quốc đều ghi han sử dụng theo ngày, tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng cụ thể cho từng ngành hàng. Các sản phẩm đến từ Trung Quốc thường ghi thời hạn sản xuất và ghi thời hạn sử dụng bao nhiêu lâu kể từ ngày sản xuất. Hàng hóa nhập khẩu từ châu Mỹ có hai cách ghi hạn sử dụng là tháng, năm và tháng, ngày, năm. Đối với hàng hóa ghi cụ thể ngày sản xuất thì phải nên rõ ngày sử dụng tốt nhất. Hàng nhập khẩu từ châu Âu thường ghi thời hạn sản xuất và hạn sử dụng theo thứ tự năm, tháng, ngày và cũng ghi thêm thời hạn sử dụng tốt nhất.
Thông thường, hạn sử dụng được in trên bao bì thực phẩm đông lạnh có thể bảo quản 3 tháng ở nhiệt độ -18 độ C. Tuy vậy, hạn sử dụng trên bao bì 3 tháng không có nghĩa là thực phẩm được bảo đảm chất lượng trong vòng 3 tháng. Khi chọn mua thực phẩm đông lạnh, cần xem rõ ngày sản xuất và thời hạn bảo quản, nên chọn mua sản phẩm có ngày sản xuất gần nhất, tốt nhất là trong vòng một tháng trở lại. Đối với bánh kẹo nhập khẩu, hạn sử dụng thực phẩm dài hơn (1-2 năm). Còn với thực phẩm đóng hộp: Về nguyên tác, thực phẩm đóng hộp chưa mở thì hạn dùng từ 3-4 năm. Tuy nhiên, đa số lưu giữ trong điều kiện nhiệt độ phòng (21-240C). Có nhiều loại có thể có tuổi thọ dài hơn, nhưng thường thì không chắc chắn.
Đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật, thì hạn sử dụng an toàn nhất buộc phải ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày”. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “Tốt nhất trước ngày”. Đối với thực phẩm ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này. Đối với thực phẩm ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán ra thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được nó an toàn đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong 2 hình thức “Hạn sử dụng” hoặc “sử dụng đến ngày”.