“…nếu tận dụng mọi ngày để tặng quà, tặng không hợp lý, sẽ biến nghĩa cử này thành phản cảm, nhất là khi hành động đó làm ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ về việc này.”
Có cậu con trai vừa bước vào lớp một, ngay từ hôm 09/10, chị Xuân (Khâm Thiên, Hà Nội) đã chuẩn bị một chai nước hoa xịn và phong bì 500 nghìn để tặng cô chủ nhiệm.
Theo chị Xuân, đây chẳng phải là cách “hối lộ” mà chỉ đơn giản để thể hiện sự quan tâm của phụ huynh đến người hằng ngày chăm sóc, dạy dỗ con mình.
“Ai chẳng thích được nhận quà. Mà đúng ra, thời gian con ở với cô có khi còn nhiều hơn thời gian ở bên mẹ, các cô cũng vất vả nhiều. Với mình, số tiền đó chẳng đáng là bao, mà lại khiến các cô vui, quan tâm đến con mình hơn, thì chẳng có lý do gì mà không tặng”, chị Xuân giải thích.
Chị cho hay, cũng như chị, hầu như các phụ huynh khác ở lớp con chị đều có quà tặng cho cô vào dịp này. Con trai 5 tuổi đang học tại một trường mầm non ở Thanh Xuân, Hà Nội, chị Ngọc, 31 tuổi, cho biết, trong năm, vào tất cả các ngày lễ như Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày 8/3, Ngày nhà giáo 20/11, hay Tết tây, Tết ta… chị đều “gửi thư” cho các cô giáo của con.
“Mua quà thì biết cô thích gì mà tặng, mình lại mất công chọn, mua hoa thì các cô có vẻ không thích, thôi thì tiện nhất cứ cho tiền vào phong bì rồi đến gửi con sớm hơn một tí, tế nhị chúc mừng và gửi các cô luôn”, chị Ngọc kể.
Chị Nguyệt (Hà Đông, Hà Nội) mới gửi con đi học mẫu giáo chưa đầy ba tháng cũng sốt ruột khi nghe đồng nghiệp xôn xao bàn chuyện tặng quà cho cô giáo của con dịp 20/10.
“Mấy ngày trước mình chẳng hề để ý tới việc này, vì mới tháng vừa rồi đóng quỹ phụ huynh, trong đó có khoản tiền mua hoa, quà tặng các cô những dịp lễ, Tết. Hơn nữa, mình vẫn đinh ninh đến dịp 20/11 mới đi chọn quà cho các cô. Nhưng giờ thấy mấy chị em trong cơ quan kể đều đã chuẩn bị quà, phong bì tặng cô, mình bỗng thấy hoang mang”, chị Nguyệt thổ lộ.
Chị cho biết, hồi tháng 8 vừa rồi, chị phải nhờ người quen và mất vài triệu mới xin được cho cô con gái 3 tuổi vào một trường công ở Hà Đông. Thấy lớp con rất đông (hơn 60 cháu) chị cũng lo lắng không biết con có được chăm sóc chu đáo không và rất thương các cô vất vả.
“Thật ra, nếu so với học trường tư, thì số tiền đóng mỗi tháng cho con ở trường công thấp hơn nhiều, và thi thoảng, chẳng hạn như dịp này, mình biếu tiền các cô thì cũng chẳng khó khăn gì, nhưng cứ thấy làm sao ấy”, chị Nguyệt nói.
Chị Thoại (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện tại cả hai nhóc nhà chị đều học ở một trường mầm non công trong quận. Mỗi lớp của mỗi con có tới 4 cô chính và vài cô thực tập nên vào những ngày lễ chị thường rất lúng túng khi nghĩ tới việc tặng quà.
“Nếu cứ ngày lễ nào cũng phải lo tặng quà cô thìchục ngày chứ chẳng mệt lắm, một năm có gần chơi, mà có phải dễ đâu, đưa tiền thì không biết bao nhiêu cho vừa, lại thấy thô quá, mà chọn quà thì đâu dễ, mình thỉnh thoảng mới đưa đón con được, ít khi trò chuyện với cô, làm sao biết được cô thích gì, cần gì mà mua cho hợp”, chị Thoại băn khoăn.
Chị cho biết, vào những dịp như 20/10 thế này, chồng chị, vốn là một kỹ sư làm việc lâu năm ở Nhật, nhất định không cho vợ “đút lót” các cô giáo của con vì anh cho rằng như thế là làm hư cô và không cần thiết. “Bản thân mình thấy anh ấy nói cũng có lý, nhưng vẫn thấy áy náy nếu không tặng các cô thứ gì, khi thấy mẹ nào cũng có”, chị nói.
Gắn bó hơn 30 năm với nghề giáo, bà Đặng Thị Lệ Thủy (giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House – Hà Nội) cho biết, trào lưu tặng quà cho các giáo viên mới có khoảng chục năm nay và đến nay, trở thành một thói quen không tích cực, khi nhiều mẹ tặng quà theo tâm lý đám đông, chứ không hẳn xuất phát từ tấm lòng.
Theo bà, trước kia, với các nhà giáo, những món quà nhận được có thể chỉ là cân cam, gói kẹo, cái nón… vào ngày tôn vinh những người gieo chữ, rất ý nghĩa. Nó thường do chính tay các em học sinh chọn, mua và lúng túng, rụt rè chúc, tặng thầy cô, thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng của các em. Ngày nay, nhiều phụ huynh tận dụng tất cả các ngày lễ trong năm như 20/10, 8/3, Trung thu, Noel, Tết… để tặng.
“Tất nhiên, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu con, mong muốn cho con nhận được sự quan tâm tốt nhất ở trường của các vị phụ huynh… và một số, thể hiện sự biết ơn của họ với những người dạy dỗ, chăm nom con mình…. Nhưng nếu tận dụng mọi ngày để tặng quà, tặng không hợp lý, sẽ biến nghĩa cử này thành phản cảm, nhất là khi hành động đó làm ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ về việc này”, bà Thủy bộc bạch.
Bà cho rằng, vào ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam, việc tặng quà của các phụ huynh có thể sẽ hợp lý và ý nghĩa hơn. Còn những dịp như 20/10, 8/3, thường chính các cô sẽ hướng dẫn trẻ thể hiện sự quan tâm đến bà, đến mẹ và khơi gợi sự quan tâm của các bạn nam đến phái nữ. Nhóm phụ huynh trong lớp cũng có thể gửi tặng các cô bó hoa để chia sẻ niềm vui trong ngày phụ nữ.
“Các bậc phụ huynh đừng tận dụng mọi ngày lễ để tặng quà và đừng biến việc này thành một áp lực cho chính mình, khiến việc làm này mất đi ý nghĩa cao đẹp của nó”, nhà giáo chia sẻ.