Chị Bình kể xấu chồng. “Lúc nào cũng than không biết nhà người ta đối xử với con mình ra sao, có bẻ hành bẻ tỏi nó không, có bắt nó làm lụng, hầu hạ nhiều không. Con Ngọc đi lấy chồng được mấy hôm thì ông ấy ốm, vì nhớ nó và lo cho nó quá”.
Lo ngay ngáy khi “con gái rượu” đi lấy chồng
“Thế nào, ông Tảo nhà bà đã đỡ ốm vì nhớ con gái chưa?”, các bà bạn trong hội aerobic háo hức hỏi chị Bình. Mỗi lần được hỏi tương tự là chị lại có khối chuyện để kể về ông chồng yêu con gái quá đỗi của mình.
Vợ chồng họ có 3 đứa con, 2 đứa đầu là trai. Ngọc, cô con út, là do “vỡ kế hoạch” mà có, ấy thế mà lại được bố quý hóa nhất. Hai thằng anh hễ có lỗi gì thì không ăn đòn cũng ăn mắng, còn cô con út thì chẳng thấy anh Tảo bắt lỗi bao giờ, thậm chí hễ thấy vợ mắng “cục vàng” của mình là anh bênh chằm chặp.
Hồi Ngọc còn bé, anh tự tay mua cho con từng cái kẹp tóc, từng cái nơ bướm. Ngọc lớn lên, anh chẳng ngại mua váy áo cho con, thậm chí tháp tùng con đi sắm, góp ý từng bộ đồ với nụ cười say mê xen lẫn tự hào khi cô bé xoay mình ngắm nghía trước gương. “Ông ấy chiều vậy mà chẳng hiểu sao con bé không hư”, chị Bình nói.
Khi bé Ngọc đến tuổi có các chàng trai theo đuổi cũng là lúc Tảo “khó ở”. Anh gằm ghè, lồng lộn, cứ như đàn ông con trai trên đời toàn bọn đểu giả nhăm nhe làm hại con gái anh. Chàng nào đến chơi cũng bị anh “soi bằng kính hiển vi” đến từng chân tơ kẽ tóc, ai anh cũng thấy chẳng xứng với con mình, và không đủ độ tin cậy để đưa Ngọc đi chơi. Thế nhưng trước ánh mắt giận dữ của cô con gái, Tảo đành chịu thua.
Anh nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa mỗi buổi tối Ngọc hẹn hò, hỏi vợ đủ thứ về “cái thằng nhãi chết tiệt” và cằn nhằn chị không để mắt đến con gái, rằng “con bé về đây tôi sẽ cho một trận”. Để rồi khi Ngọc về, ông bố lại cười xun xoe hỏi “có vui không con”, và kiếm cách thăm dò, nhưng thường thì cô con gái chỉ cười bí ẩn, thơm bố một cái rồi chui tọt vào phòng. Và muốn biết về các cuộc tình của con, anh đành phải tìm hiểu qua vợ.
Thế rồi Ngọc cũng lên xe hoa. Tiễn con gái về nhà chồng xong, anh Tảo trở nên ngơ ngẩn như người mất hồn, đến bữa ăn thì chống đũa, vươn cổ nuốt như mắc nghẹn, đêm thì trở hết bên này đến bên kia, thở dài thườn thượt, làm vợ phát cáu. “Ông ấy làm như con Ngọc đi vào hang cọp và sắp bị cọp ăn thịt vậy”, chị Bình kể xấu chồng. “Lúc nào cũng than không biết nhà người ta đối xử với con mình ra sao, có bẻ hành bẻ tỏi nó không, có bắt nó làm lụng, hầu hạ nhiều không. Con Ngọc đi lấy chồng được mấy hôm thì ông ấy ốm, vì nhớ nó và lo cho nó quá”.
Ngoài nỗi khổ làm dâu, anh Tảo còn lo lắng về chuyện chàng rể thân hình cao lớn lực lưỡng, trong khi con anh liễu yếu đào tơ. Chị Bình kể khiến các bà bạn cười ngất: “Thấy ông ấy lo lắng vớ vẩn, tôi gạt đi thì ông ấy bảo, bà đừng có mà chủ quan, cái thằng ấy đã to con lại còn nặng tay nặng chân, hôm nọ nó uống say, nó thân mật vỗ tôi một cái mà tôi muốn sụm cả lưng; mỏng manh như con gái mình chịu làm sao nổi kiểu âu yếm của nó”.
Câu chuyện chị Bình “cập nhật” sáng chủ nhật vừa rồi khiến “hội bà tám” cười vỡ bụng: Thấy Ngọc sút cân một chút sau vài tháng lấy chồng, anh Tảo âm thầm “điều tra” xem con gái có bị ngược đãi không, và khi biết “ở bên đó”, cô được đối xử tử tế, ăn tốt ngủ tốt, anh kết luận ngay cớ sự đều tại cái “máu dê” của thằng rể.
Nhân khi các con về chơi, anh kéo tuột rể vào phòng dặn dò kiểu “đáng cả làm nửa, đáng mười làm năm” để giữ gìn sức khỏe cho Ngọc, vì “tao thấy con bé gầy rộc đi rồi đấy, tội quá”. Chỉ mấy hôm sau, con gái điên tiết “tố cáo” với mẹ, bảo “mẹ mà không xử lý bố thì con không về chơi nữa đâu”.
“Tôi phải mắng cho ông ấy một trận, rồi dọa là dở hơi vừa thôi kẻo con nó không nhìn mặt nữa, ông ấy mới sợ đấy, nhưng trông khổ não lắm”, chị Bình nín cười.
“Họ mà không tử tế thì con lại về đây ở với bố”
Khi nhà trai sang xin dâu, sau màn phát biểu của các quan viên hai họ, anh Học đứng lên nói vài câu gửi gắm con gái cho nhà thông gia. Đến câu: “Con gái tôi từ nay là con của anh chị, nhờ anh chị dạy dỗ, chăm sóc”, tự nhiên anh nghẹn lại, rồi nước mắt thi nhau rơi xuống. Sụt sịt mấy cái rõ to mà vẫn không thể phát biểu tiếp được, ông chú đành phải đỡ lời rồi để cho nhà trai rước dâu về.
Kể về bố mình hôm cưới, Thanh, con gái anh Học, nói: “Bố em tiễn em về nhà chồng, nhưng mặt cứ buồn như đưa đám, trong nhà trai có người không hiểu lại tỏ ý nghi ngờ, không hài lòng. Lúc ra về, bố cầm tay em, dặn nhỏ là nếu nhà họ mà đối xử không tử tế với con thì con lại về ở với bố, không sợ gì cả. Không may là chồng em lại nghe thấy, anh ấy không dám nói gì nhưng có vẻ cay mũi lắm. Sau đó em phải giải thích dài dòng về chuyện bố yêu em như thế nào, anh mới hiểu”.
Chả ai như anh Học, người ta có con gái đi lấy chồng thì dặn con lựa chiều mà ăn ở, chịu khó nhẫn nhịn, cốt ở yên bên ấy, còn anh thì cứ như mong nhà thông gia hay thằng rể có lỗi để lôi tuột con gái về. Thậm chí hôm được mời ăn giỗ ở nhà thông gia, không biết câu chuyện dẫn dắt thế nào mà anh tuyên bố: “Nói thật với anh chị, người ta có con gái bị nhà chồng hắt hủi mà bỏ về nhà mình thì thường sợ mang tiếng nên cứ bắt con về lại nhà chồng chịu khổ, chứ nhà tôi, nếu giả như anh chị không thương mà để nó thiệt thòi, nó về là vợ chồng tôi dang rộng vòng tay đón nó, chứ quyết không vì sĩ diện vớ vẩn mà xua đuổi con”.
Hôm đấy bố mẹ chồng Thanh vô cùng tự ái. Vì trước mặt khách khứa, lời của anh Học có thể khiến khách hiểu nhầm rằng họ đã đối xử không tốt với con dâu nên bị thông gia “dằn mặt”. Vợ chồng Thanh phải mất mấy hôm nói đỡ, nói khéo, ông bà mới nguôi nguôi, nhưng từ đó ngại ông thông gia lắm, đối xử với con dâu cũng phải cẩn thận, mất cả tự nhiên.
Hôm nào con gái về chơi, anh Học cũng ngắm nghía rất kỹ xem có gầy sút không, mắt có quầng không, tay có chai hay khô ráp không… Anh săm soi từng ánh mắt, lời nói, cử chỉ của con rể đối với con mình, và hễ “tóm” được cái gì là góp ý ngay lập tức, khiến chàng rể vô cùng ức chế.
Thanh tâm sự: “Thấy bố như vậy, em thương bố và tội cho bố lắm, nhưng có điều vì bố lo lắng quá nên em đâm ra lại mệt hơn. Vợ chồng trẻ, cãi vã, to tiếng là chuyện thường, mà nhiều lúc lỗi là do em. Ở với bố mẹ chồng, chuyện đôi khi bị mắng, bị hiểu nhầm hay xử ép một chút cũng không tránh khỏi, bỏ qua vẫn là hơn, còn nếu làm to chuyện thì lại càng tai hại. Tất cả những chuyện đó, em phải cố giấu không cho bố em biết, dặn hết người nọ đến người kia để bịt thông tin. Chuyện bị bố mẹ chồng mắng không làm em sợ bằng chuyện để bố biết điều đó”.
Con gái đã kết hôn nhiều khi có chuyện căng thẳng thì về nhà bố mẹ đẻ để thư giãn một chút, nhưng Thanh thì không thể làm thế. Vì bố cô quá “mẫn cảm” với những stress của con gái ở nhà chồng nên hễ về nhà là cô phải trưng ra bộ mặt hạnh phúc, mãn nguyện tuyệt đối, ca ngợi chồng và bố mẹ chồng lên tận mây xanh. Với cô, đó cũng là thêm một dạng stress.
Nói thì nói vậy, nhưng cảm xúc lớn nhất của Thanh khi nhắc đến bố mình vẫn là ngập tràn hạnh phúc và thương yêu. “Không gì sung sướng bằng khi chừng này tuổi vẫn được bé bỏng trong vòng tay bố mẹ, được chăm chút, quan tâm, và hiểu rằng dù cuộc đời có bạc đãi mình như thế nào vì vẫn còn một chốn để quay về, nơi có vòng tay luôn chờ đón để vỗ về mình”.