Lời nói dối là điều không ai mong muốn, nhưng không hẳn là xấu bởi đôi khi nói dối lại mang lại hạnh phúc, có thể ngắn, có thể dài, có thể làm tốt đẹp hơn hoặc đơn giản là giảm căng thẳng trong 1 tình cảnh không mong muốn.
Nói dối không hẳn đã phải thành lời, có những sự im lặng cũng bao hàm sự nói dối. Chẳng hạn, người mẹ đi khám bệnh về mặt buồn rười rượi, chồng và con lo lắng quan tâm sán đến hỏi “Em làm sao thế?” hay “Mẹ có chuyện gì à?”
– Không sao cả! Không có chuyện gì! – Người mẹ trả lời, thậm chí còn cố quay đi lau những giọt nước mắt. Đó có phải nói dối không?
Đúng ra thì người mẹ đang cố gắng che dấu một sự thật (như vậy có phải nói dối?). Sự thật rằng: Bà mắc trọng bệnh có thể ra đi bất cứ lúc nào, bà liền che giấu sự thật đó để chồng và con không phải lo lắng buồn phiền. Sự che giấu đó không phải là tìm cách che giấu một tội lỗi, hay một sự làm chứng về sự việc xấu xa nào đó, mà nó mang một thiện ý tốt lành, rằng không muốn làm cho người khác phải đau khổ.
Ở đời có rất nhiều người đôi khi cực chẳng đã phải nói dối để cho sự việc êm trôi hơn. Chẳng hạn, anh chồng trên đường đi về nhà gặp cô bạn học cũ, họ liền mời nhau vào quán cà phê hàn huyên câu chuyện học trò dĩ vãng. Anh về muộn, vợ liền hỏi:
– Anh đi đâu mà về muộn vậy? Không cần suy nghĩ, anh chồng liền bảo: – Ừ, anh đi uống vài cốc bia với mấy anh bạn.
– Uống bia, mọi khi người anh sặc mùi bia, sao hôm nay không thấy? Anh chồng ngấp ngứ một lát, liền bảo: – À, nhưng hôm nay quán bia bán bia cũ, đắng quá, mọi người liền kéo nhau đi uống cà phê…
Việc nói dối trên có nghĩa gì? Anh chồng thấy mình chẳng làm việc gì sai cả, nhưng nói “Anh đi uống cà phê với bạn gái”, khi cô vợ sẽ liên tưởng này nọ, mới đầu là lời thủ thỉ tiếng oanh, tiếng vàng, chỉ cần nổi máu ghen lên một tẹo thôi thì đã thấy ngay một “sư tử Hà Đông” gào thảm thiết. Anh chồng liền tặc lưỡi, nói dối đi, cho việc qua mau lẹ.
Người Việt vẫn phân biệt sự nói dối có thiện chí, và sự nói dối xấu xa. Có cả: Sự nói thật thô lỗ và độc ác. Chẳng hạn qua phương ngôn: “Nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư”. Nhanh nhẹn, sốt sắng ở đời bao giờ cũng tốt, còn “Lừ đừ như ông từ vào đền”, nghĩa là ông chẳng còn việc gì quan trọng để làm, ông gác đền thời gian vô tận, nhúc nhắc đi vào đi ra, nào có việc gì mà phải vội. Vì thế, người ta luôn luôn thích người nhanh nhẹn. Nhưng nhanh mà nhanh nhẩu đoảng, làm gì cũng buông rơi bỏ vãi thì nhanh làm gì? Ở thời đại sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật này, nhiều khi chỉ cẩu thả một chút là dẫn đến kết cục khôn lường ngay.
Vậy thì, thật thà hư là gì? Đến nhà người ta, cháu mới sinh, vừa bế cháu lên đã bảo: Sao cái cằm nó lẹm thế, sao cái tai nó giống tai dơi thế… có thể đó là những câu nói đúng sự thật, nhưng đó là sự thật thô lỗ không được phép. Đến thăm cháu bé, có thể cháu mắc chứng này tật kia, nhưng người ta không nên nói thẳng, vì như vậy tâm hồn ta sẽ thiếu bao dung độ lượng, làm cho cha mẹ đứa trẻ buồn lòng… Như vậy, lời nói thật lại được bắt nguồn từ một trái tim hẹp hòi, cố chấp, thậm chí cố tình chì chiết vào chỗ khổ, chỗ mặc cảm của người khác.
Các triết gia có đưa ra một thuật ngữ, đó là: “Lời nói thật bỉ ổi”. Chẳng hạn, ai đó bước vào chợ hỏi: “Các vị có thấy Napoleon ở đây không?” Xét trên câu nói, không có chỗ nào tục, bậy, xấu hay giả dối cả, nhưng mà trong đó lại hàm chứa sự gian dối, tháu cáy, bỉ ổi. Tại sao? Bởi vì hiển nhiên Napoleon đã chết lâu rồi, không thể có ở đó. Và câu hỏi nghe có vẻ thật lại hàm chứa trong nó sự dối trá.
Ở đời, đôi khi chúng ta vẫn buộc phải nói dối, nhưng nếu đó chỉ là lời nói dối làm sự việc trôi qua nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến ai cả, thì là điều tốt đẹp. Nhưng có không ít những người trưởng thành lại nghĩ rằng: Nói dối mới là trình độ cao cấp của con người, vì thế họ nói dối và nói dối liên tục, nói dối như một chuyên gia! Và còn nói dối như một niềm tự hào.
Tại sao vậy? Vì khi mới lớn, người ta phát hiện ra: Nói dối là đặc quyền của người lớn. Trẻ con thì sống vô tư, hồn nhiên, chúng chưa biết nói dối. Còn người lớn thì dùng lời nói dối để đánh bóng mình có khi vọt lớn gấp ngàn vạn lần. Nhiều vụ lừa đảo cho thấy, các nạn nhân tưởng kẻ lừa đảo là những ông nọ bà kia có tầm vóc rất lớn ở trong nước và quốc tế, thế là người ta sẵn sàng thế chấp tài sản của mình vào trong tay kẻ lừa đảo.
Nhưng xót xa và đằng đẵng hơn tất cả chính là sự nói dối của những tình nhân với nhau. Tại sao? Bởi vì nói dối luôn đồng nghĩa với việc che đậy và biện hộ cho dục vọng. Mà dục vọng ái tình lại là dục vọng mãnh liệt nhất của con người. Có lời bài hát rằng:
Người mình bao năm chăn gối
Bây giờ còn dối gian nhau
Tình yêu thật là một nghịch lý xót xa. Nó đáng dâng hiến hy sinh nhất, nhưng cũng đáng bị đem dối trá ra sử dụng nhiều nhất. Càng yêu thì càng ghen tuông. Những lời “Anh đi với ai?” “Em về cùng ai?” thường xuyên vang lên. Chẳng lẽ sau màn tra vấn đó thì sự việc ngừng lại? Không! Đó mới chỉ là màn bắt đầu, sau khi tìm ra những thủ phạm “đi cùng”, “về cùng”, thì khúc tra tấn cả thể xác lẫn tâm hồn mới thực sự bắt đầu. Nào giường chiếu sóng gió, lạnh lẽo, nào xoong nồi lên cơn câm nín, nào lời lẽ bắt đầu tăng tốc, nào vũ lực chuẩn bị lên ngôi, nào tâm lý thiêu đốt những kịch bản cãi cọ khốc liệt nhất… Vậy thì chỉ cần một lời nói dối nhẹ tựa lông hồng, tại sao lại không thực hiện?!
Đó mới chỉ là sự nói dối khởi hành thôi. Nhưng tình yêu và hôn nhân còn chứa đựng dục vọng lớn hơn nhiều, đó chính là dục vọng háo của lạ, thèm dư dả sự hưởng thụ, hay đổi mới thói quen hành lạc… Người Việt có nói: Tội – Tình. Đó là trong tình yêu chất chứa bao nhiêu tội lỗi. Thử tưởng tượng, chàng nói dối để chiếm đoạt nàng, được rồi khi nàng có thai, chàng bỏ chạy mất tăm, nàng bơ vơ liền vứt thai nhi đi, rồi thủ một lọ acid đi tìm chàng để báo thù. Hoặc đang sống với nhau, bỗng chàng công bố mình có một đứa con khác, hoặc chàng muốn cưới thêm một cô vợ mới…
Cưới thêm một cô vợ mới hoặc có đứa con mới (dù lớn tuổi nhất) ư? Đó chính là thứ nói dối được che đậy lâu ngày giờ mới bị bục ra.
Hôn nhân là tổ ấm trông cậy nhất của con người, nhưng nghịch lý thay nhiều khi đó là chỗ người ta che đậy nhất, nói dối nhất. Tại sao? Vì ở đó chứa dục vọng cao nhất, cũng như ham muốn bảo tồn hạnh phúc, danh dự, và đạo hạnh lớn nhất của con người.
Ở đời, đôi khi chúng ta có thể nói dối vài câu, nhưng đó chỉ là sự nói dối thoảng qua, nó phải được đặt bên trên tấm lòng thành thật và thiện tín.
Ở đời, con người chỉ có thể hạnh phúc đích thực bền lâu, như người ta bảo, là phải xây dựng giá trị cuộc đời trên “Chân – Thiện – Mỹ”. Chỉ có nhờ sự chân thật mà nhà trường mới có: Dạy thật – Học thật, gia đình mới có: Chồng hiền – Vợ thảo, Cha từ – Con hiếu. Nói và làm thật mới giúp con người xây dựng lòng thiện tín để cùng chung vai xây đắp và củng cố tổ ấm hạnh phúc gia đình.