Khi ở nhà hay lúc trẻ ra ngoài, phụ huynh cần cố gắng để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Khác với khi ở nhà – một nơi rất quen thuộc, khi ra ngoài sẽ có nhiều nguy cơ khó lường trước được hết. Phụ huynh hãy tham khảo một vài thông tin sau để trẻ ra ngoài được an toàn hơn nhé.
An toàn dưới ánh mặt trời
Mặc dù trẻ rất cần được phơi nắng và hít thở không khí trong lành, nhưng bạn không nên cho trẻ phơi nắng quá nhiều, vì có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm, như: say nắng, phỏng da, đau đầu, thậm chí làm gia tăng nguy cơ bị ung thư da về sau. Trẻ càng trắng, nguy cơ ung thư da càng cao.
Khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần chú ý một số điểm:
– Không cho trẻ ra ngoài trời lúc nắng gắt từ 11h trưa đến 3h chiều. Nên thoa kem chống nắng với chỉ số bảo vệ (SPF) nhỏ nhất là 15o để bảo vệ làn da của trẻ và khoảng 5- 6 tiếng bôi một lần, đặc biệt là sau khi bơi (dùng kem chống nắng không tan trong nước).
– Khuyến khích trẻ chơi trong bóng râm, tránh xa nhưng nơi có ánh nắng phản chiếu như: mặt nước, mặt cát, tuyết, gương, kính…
– Trẻ cũng có thể bị cháy nắng vào những ngày mây mù, do đó vào mùa hè cũng nên thoa kem chống nắng cho trẻ, nếu đi ra ngoài. Nên cho trẻ đeo loại kính bảo vệ mắt chống tia tử ngoại.
Nếu trẻ bị cháy nắng: Hãy làm dịu bằng cách, cho trẻ tắm nước ấm, đắp khăn uớt, thoa dung dịch có chất Calamine hay kem dưỡng da để làm dịu các vết phỏng. Không nên chọc vỡ các vết phỏng giộp. Cho trẻ uống nhiều nước, vì có thể trẻ bị mất nước. Giữ trẻ trong nhà cho đến khi lành bệnh. Nếu trẻ bị cháy nắng nghiêm trọng, có biểu hiện rùng mình, sốt hoặc ói mửa hãy đưa trẻ đến bác sỹ ngay.
An toàn trên đường đi
Khi dẫn trẻ đi dạo ở ngoài đường, hãy nắm chặt tay trẻ để luôn giữ trẻ ở bênh cạnh mình. Nếu trẻ ngồi xe đẩy, hãy thắt dây an toàn. Khi trẻ đã đủ hiểu biết, dạy cho trẻ cách đi đường sao cho an toàn, như chỉ nên đi trên phần đường dành cho người đi bộ, tại sao bạn phải quan sát kỹ xe cộ trước khi băng qua đường. Tuyệt đối không để trẻ chơi, hay băng qua đường một mình.
An toàn khi đi ô tô
Khi cho trẻ đi ô tô, bạn phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn an toàn về ghế ngồi cho trẻ và gắn ghế trên xe. Phải bảo đảm, gắn ghế theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Vị trí đặt ghế và thắt dây an toàn cho trẻ cũng rất quan trọng. Khả năng bị trấn thương do tai nạn xe cộ có thể giảm được đến 2/3, nếu như trẻ được gắn vững chắc và thích hợp trong một chiếc ghế với chế độ của trẻ.
Không bao giờ để trẻ ngồi một mình trong xe, dù chỉ trong vài phút. Trẻ có thể bị nóng nực và cảm thấy căng thẳng.
An toàn trong sân chơi
Trẻ cần được tạo điều kiện chơi đùa trong công viên hay ở sân chơi, vì đó là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, bạn lưu ý đến những mối nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ chơi ngoài trời – như sân chơi không an toàn, cỏ dại, ao hồ, phân súc vật, mặt đường có nhiều đá sỏi… Hãy cho trẻ vui chơi trong khu vực được rào chắn cẩn thận và kiểm tra kỹ sự an toàn của các thiết bị đồ chơi. Dặn trẻ không được đến các khu vực cấm, hoặc ăn trái cây lạ.
An toàn trong vườn
Trẻ nhỏ có thể thám hiểm khắp vườn suốt cả ngày mà không biết chán. Được giúp bạn làm vườn cũng khiến trẻ rất thích thú, do đó bạn cần thực hiện một số nguyên tắc an toàn để bảo đảm trẻ không gặp bất chắc gì.
Không cho trẻ lại gần đống lửa khi bạn đốt lá khô, hoặc chỗ đặt lò nướng khi có tiệc ngoài trời. Nên dọn sạch phân chó mèo, đậy kỹ nắp thùng rác để trẻ không lục lọi. Cất kỹ thang sau khi sử dụng để trẻ không dựa vào nó, trèo cao và bị ngã.
Ngăn ngừa trẻ bị côn trùng đốt:
– Không dùng nước hoa (để trẻ có mùi như hoa).
– Không mặc cho trẻ quần áo sặc sỡ (trông giống như hoa).
– Không cho trẻ đi chân đất.
– Không cho trẻ đi vào khu vực có những loài hoa mà ong thích như: hoa nhài, lộc vừng.
– Bạn nên mang theo thuốc xịt, thuốc chống côn trùng khi cho trẻ đi chơi (đặc biệt đối với trẻ dễ kích ứng).
– Khi cho trẻ đi picnic, bạn nên cho trẻ mặc áo dài, tất, quần áo có màu sáng.
Phòng ngừa chó cắn cho trẻ
Tạo cho trẻ thói quen xin phép trước khi tiếp xúc với một con chó/mèo bất kỳ. Người chủ sẽ cho bạn biết, con chó của họ có thân thiện với trẻ nhỏ hay không. Khi được người chủ vật nuôi đồng ý, hãy thật bình tĩnh và chậm rãi tiến tới để chú chó hít ngửi tay bạn, rồi hãy chạm vào nó.
Hãy dạy trẻ rằng, mỗi chú chó đều “hết lòng” với chủ, hay những đồ vật gần gũi với chúng, vì thế đừng chạm vào người/vật mà chú chó tỏ thái độ không thích. Không tiến lại gần, nếu con chó đó đang ăn, bị xích hay đang ngồi trong xe của chủ.
Chó rất ghét người lạ, vì thế hãy dạy trẻ biết rằng, quan sát dáng điệu của con vật sẽ giúp trẻ hiểu con vật đang muốn gì, chúng đang giận giữ hay hoảng sợ và tốt nhất là nên tránh xa. Những dấu hiệu của con chó đang tức giận gồm: tai, lông và đuôi dựng đứng. Còn một con chó đang hoảng sợ: tai và đuôi cụp lại.
Hãy chỉ cho trẻ cách đối phó trong một số tình huống xấu như: Nếu con chó gầm gừ hay đuổi theo, hãy đứng im và 2 tay bắt chéo trước ngực (hình cái cây). Nếu nằm trên một mặt phẳng, hãy co đầu gối về phía bụng và lấy 2 tay che tai và tránh để mắt bị tấn công. Đừng đùa quá trớn với những con chó. Khi chơi các trò có tính chất tranh giành, chó có thể sẽ cắn trẻ bất ngờ.