Các loại nước rửa bát hiện đang được bày bán tại vỉa hè một số con phố rất được nhiều nhà hàng ăn uống ưa thích sử dụng vì giá rất rẻ, nhưng ẩn sau đó là sự độc hại khôn lường.
Đầy rẫy nước rửa bát “3 không”
Trong vai người muốn mua hàng để chuẩn bị mở quán ăn, phóng viên đã tiếp cận với một cửa hàng chuyên bỏ mối nước rửa bát cho các nhà hàng, quán xá trên phố Hàng Gà, Hà Nội.
Trong cửa hàng, nước rửa bát không xuất xứ, nhãn mác, có màu xanh, vàng đóng trong những loại can lớn nhỏ được bày bán la liệt. Người bán hàng ở đây cho biết loại nước rửa bát này đều có giá 7.000 đồng/lít. Khi được hỏi về chất lượng của chúng, bán hàng này nhanh nhảu đáp: “Em yên tâm, đây là hàng công ty (?!). Em không mua được ở nơi khác với giá vừa rẻ vừa đảm bảo chất lượng như ở đây đâu. Nếu em lấy nhiều, chỉ cần gọi điện, cửa hàng chị sẽ mang đến tận nơi”. So với nước rửa bát bán trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa được bán với giá khoảng 28.000 đồng/750ml thì cái giá rẻ hơn gần 5 lần kia thực sự khiến người mua đặt dấu hỏi chấm về chất lượng sản phẩm.
Bàn về nước rửa bát dởm, PGS. TS Phạm Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nước rửa bát thực chất là chất tẩy rửa. Hiện nay, chất tẩy rửa chủ yếu được chia làm hai loại, một loại làm từ chất hữu cơ, loại còn lại được làm từ chất hóa học.
Các loại nước rửa bát có thương hiệu uy tín, được Bộ Y tế chấp nhận thường là nước rửa bát làm từ chất hữu cơ. Còn loại nước rửa bát không rõ nguồn gốc xuất xứ thường làm từ chất hóa học mà công thức pha chế của nó rất đơn giản, chỉ cần trộn chất hoạt động bề mặt có tính kiềm cực mạnh (NaOH, Na2SO3, Na3SO4), chất tạo đặc, chất tạo mùi và phẩm màu công nghiệp là đã có thể pha thành nước rửa bát dễ dàng. Những loại hóa chất này đều chưa qua kiểm định, lại dễ mua nên ai cũng có thể pha chế để bán với giá rẻ.
Nước rửa bát dởm khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cụ thể là nếu ăn phải thức ăn đựng trong bát đĩa rửa chưa sạch, chất Natri hiđroxit sẽ tác động xấu đến dạ dày, ăn mòn miệng, làm chức năng của hệ men tiêu hóa của bạn bị suy giảm. Nếu để da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong nước rửa bát thì sẽ khiến da mỏng đi, dễ bị bào mòn, viêm da.
Trường hợp dùng lâu ngày sẽ dễ bị ung thư da do tế bào da bị phá huỷ. Nếu ai hít quá nhiều và thường xuyên chất tạo mùi có trong nước rửa bát sẽ bị ảnh hưởng không tốt đến phổi, hệ hô hấp và hệ thần kinh, lâu ngày có thể bị đau đầu, khó thở, thở gấp.
Ngoài ra, nước rửa bát trôi nổi thường dùng toàn phẩm màu công nghiệp không có nguồn gốc rõ ràng, rất dễ gây ngộ độc nếu không được rửa thật kỹ với nước sạch.
“Xịn” cũng vẫn độc
TS Phạm Duy Thịnh cho hay, thông thường, các sản phẩm nước rửa bát an toàn, đảm bảo chất lượng thường ghi rõ thành phần, hàm lượng hóa chất, được pha chế cẩn thận và có chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, được Bộ Y tế chấp nhận cho lưu hành. Tuy nhiên, dù là nước rửa bát “xịn” nhưng chúng vẫn gây hại cho cơ thể nếu người sử dụng không biết dùng đúng cách.
Ngoài ra, không loại trừ một số hãng có thương hiệu cụ thể vẫn cho thêm hóa chất tẩy rửa mạnh vào nước rửa bát để khiến người tiêu dùng hài lòng hơn vì những chất này giúp đánh bay dầu mỡ một cách dễ dàng. Mặc dù chỉ có hàm lượng nhỏ nhưng chúng vẫn có hại cho cơ thể.
Không những thế, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng cũng được bày bán rất nhiều, nếu người tiêu dùng không cẩn thận thì cũng có thể mua phải hàng kém chất lượng. Do vậy, những bà nội trợ khi mua nước rửa bát nếu thấy da tay bị nhăn nheo, vàng da hay da bị khô ráp, thậm chí bị bong da, trên bề mặt da có những vẩy nhỏ sau khi tiếp xúc thì nên bỏ đi ngay.
Làm thế nào để hạn chế độc hại?
Dầu mỡ, tinh bột sau khi ăn thường bám chặt vào bát, đũa… nên chúng ta không thể chỉ dùng nước thường được mà phải dùng nước rửa bát. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, PGS. TS Phạm Duy Thịnh khuyên các bà nội trợ tuyệt đối không mua nước rửa chén hàng rẻ tiền, hàng không nhãn mác mà nên mua nước rửa bát có thương hiệu nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn quốc tế ở những cửa hàng uy tín, và dù là sản phẩm xịn hay dởm thì trong quá trình rửa bát nên đi găng tay cao su mỏng để bảo vệ da tay.
Không ít người sau khi rửa qua nước rửa bát thường ngâm bát đĩa, đồ dùng trong chậu nước. Điều này khiến dầu mỡ, mùi thức ăn, chất tẩy rửa sẽ không trôi hết được mà bám lại một phần trên bề mặt đồ dùng đã rửa. Do đó, người nội trợ sau khi đã tẩy chất bẩn phải tráng bát đĩa nhiều lần dưới vòi nước chảy, sau đó để bát đĩa thật khô rồi mới đem ra sử dụng.
Đối với những người phải làm công việc rửa bát thuê ngoài hàng quán, ngoài việc đeo găng tay thì nên đeo thêm khẩu trang để hạn chế tiếp xúc lâu dài với mùi bay ra từ nước rửa bát. Đặc biệt, người dân cũng nên hạn chế ăn ngoài ngoài hàng quán, vỉa hè để tránh mang bệnh vào người từ các loại nước rửa bát dỏm.