Vừa nghe cháu dâu nói, ông nội chồng đã đứng phắt dậy, quay lưng đi ra cửa: “Tôi không thể nào chấp nhận được một gia đình mà vợ chửi chồng là thằng điên như thế này”.
Cả hai vợ chồng Nam – Nguyệt (Bình Thạnh, TP HCM) đều là những người sống tình cảm. Họ đến với nhau từ mối tình đầu ngọt ngào. Thế nên dù đã 5 năm chung sống, vợ chồng này vẫn dành cho nhau những lời mặn nồng tới mức… “siêu sến”.
“Anh, em”, “ông xã, bà xã”… là những từ quá xa lạ dưới mái nhà hạnh phúc của họ. Ngược lại, vợ chồng Nam – Nguyệt thường gọi nhau bằng những danh từ quá ư xì tin như “cưng yêu”. Lúc thì Nguyệt bảo “Cưng yêu, lấy cho em cái túi”. Nam cũng chẳng kém cạnh khi thường xuyên nói “Mình đi thôi cưng yêu”.
Nếu họ chỉ gọi nhau như vậy ở chốn riêng tư thì chẳng có gì đáng nói. Đằng này, trước mặt các con, bạn bè, từ “cưng yêu” vẫn được thốt ra dù cả hai đã cố kìm nén.
Ở thái cực ngược lại, anh Khánh, chị Thảo (Hàng Hành, Hà Nội) lại thể hiện tình cảm theo cách nói kiểu “bạo lực”. Vì chơi thân với nhau từ bé nên cách đối xử theo kiểu “đồng vai phải lứa” của anh chị cũng đủ gây sốc, chứ chưa nói gì đến cách xưng hô.
Có lẽ người giỏi tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ anh gọi chị là “con rồ”. Còn chị thản nhiên gọi chồng là “thằng điên”. Mà lạ một cái, phải gọi như thế, anh chị mới thấy tình cảm, đáng yêu.
Chị Thảo thổ lộ: “Cứ mỗi lần chồng gọi anh em ngọt xớt là tôi lại bức bối. Cứ ‘con rồ’, ‘thằng điên’ mà réo tôi mới thấy tình cảm gần gũi, thân mật. Có thể bạn thấy ngạc nhiên nhưng chúng tôi xưng hô với nhau như vậy từ bé nên quen rồi”.
Anh Khánh cũng đồng quan điểm với vợ khi khẳng định: Đến cuối đời cả hai vợ chồng tôi vẫn giữ cách xưng hô như vậy dù cho đôi lúc người ngoài nghe có thấy chướng tai.
Chồng vừa nhắc tới từ “chướng tai”, chị Thảo đã quay sang lườm: “Chướng là chướng là thế nào. Hay tán được em nào ngọt ngào rồi nên muốn thay đổi cách xưng hô cho quen miệng đây”.
Có vẻ như dự định vẫn giữ cách xưng hô trên “đến cuối đời” của gia đình anh Khánh, chị Thảo sớm phá sản. Khi còn bé xíu, Dũng – con trai anh chị, không để ý bố mẹ gọi nhau thế nào. Nhưng khi học lớp một, cu cậu bỗng trở thành “kẻ lắm điều”. Con luôn áp dụng những gì cô giáo dạy đúng nơi, đúng chỗ.
Nghe bố mẹ xưng hô “tình cảm” với nhau, cu cậu nhíu mày: “Bố mẹ nói nhau như thế là hư lắm. Cô giáo bảo không ai được gọi bạn là thằng điên hay con rồ. Bố mẹ hư, con mách cô đấy”.
Nghe con trai nói, chị Thảo đã thấy chờn chợn nhưng anh chị vẫn chưa… chừa. Cho đến một lần, sau khi mua được hàng giảm giá, chị vội chạy về thông báo với chồng.
Vừa mới phát ngôn được câu “Thằng điên của em ơi”, chị bỗng phát hiện ra trong nhà có thêm hai người. Oái oăm thay, đó lại là ông nội và bố của chồng lên chơi.
Vừa nghe cháu dâu nói, ông nội chồng đã đứng phắt dậy, quay lưng đi ra cửa: “Tôi không thể nào chấp nhận được một gia đình mà vợ chửi chồng là thằng điên như thế này”.
Bố chồng chị dù đã nghe vợ chồng chị gọi nhau là “thằng điên, con rồ” từ bé nhưng ông không thể tưởng tượng được cách xưng hô này vẫn còn duy trì cho tới tận hôm nay khi đã là vợ chồng và khi đã có con.
Hai anh chị thộn mặt ra nhìn nhau không biết xoay xở thế nào. Chị thở dài: “Có lẽ phải thay đổi cách xưng hô thôi”.
Không rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở như anh Khánh, chị Thảo nhưng vợ chồng Nam – Nguyệt cũng bị một phen xấu hổ gần chết.
Một lần đang họp kiểm điểm ở cơ quan Nguyệt. Trong lúc Nguyệt ngồi im re nghe sếp nhận xét về công việc năm vừa rồi và kế hoạch năm tiếp theo thì chồng Nguyệt gọi điện.
Luống cuống thế nào Nguyệt ấn nhầm vào nút bật loa ngoài. Thế là giữa không khí căng thẳng của cuộc họp, giọng tình cảm của Nam oang oang vang lên: “Cưng yêu có mệt không? Cưng yêu cố lên, có gì tối về anh bù cho”.
Khi thấy tất cả mọi người quay sang nhìn mình, Nguyệt mới phát hiện ra vấn đề. Chẳng biết làm gì, Nguyệt vội chạy ra khỏi phòng họp và ước có cái hố để mà chui xuống.