Chị gằn từng tiếng: “Hạnh phúc gớm nhỉ? Nếu cô muốn ‘mượn’ chồng tôi thì lên tiếng một câu. Còn anh, anh muốn thay chồng cô ta thì về kí đơn đi, tôi cho đi thoải mái!” rồi bỏ đi.
Dạo này chị Nga thấy chồng có nhiều biểu hiện lạ. Anh liên tục nhận điện thoại và tin nhắn khi đi làm về. Nhất là mỗi lúc ấy, anh Quang – chồng chị, lại vội chạy ra 1 góc nói chuyện, không cho ai biết.
Chị canh 1 hôm chồng ngủ, lấy điện thoại của anh ra xem. Tin nhắn trống trơn nhưng nhật kí cuộc gọi thì chi chít những cuộc gọi đến, gọi đi với 1 số không lưu tên.
Chị điên tiết lôi ngay chồng dậy, hỏi cho ra nhẽ. Chồng chị thấy vợ nổi nóng vội vàng thanh minh: “Đây là con bé làm cùng công ty anh trước đây. Đợt trước cô ấy theo chồng về quê, không sống được lại bế con vào, chồng thì chưa vào được. Cô ấy chưa có việc, con thì đau ốm mà chả quen ai, nên nhờ anh giúp đỡ. Không có gì đâu!”.
Nghe chồng thành khẩn khai báo, chị đỡ bực, nghĩ chắc cũng không có chuyện gì. Một thân 1 mình chị kia với đứa con, nhờ vả người quen cũ cũng là chuyện thường tình. Chị nghiêm mặt hỏi: “Cô ấy nhờ anh cái gì?”. “Ừ, thì cô ấy vay ít tiền” – Chồng chị thành thật trả lời.
Ra là thế! Giúp đỡ người khác lúc khó khăn hoạn nạn cũng là việc tốt. Với lại, chị Nga cũng biết tính chồng. Anh rất tốt bụng, xởi lởi, hay giúp đỡ người khác song anh vẫn luôn làm tròn trách nhiệm với vợ con nên chị không nghĩ là anh “mèo mỡ” bên ngoài.
Nhưng sau đó chị vẫn thấy anh thậm thụt điện đóm, tin nhắn khi về nhà. Chị căn vặn thì anh đáp: “Con cô ấy đang nằm viện nên anh hỏi han chút thôi. Bạn bè đồng nghiệp cũ với nhau mà!”.
“Ừ, nghe cũng có lí” – chị Nga nghĩ bụng. Với lại chồng vẫn đi về đúng giờ, vẫn chu toàn với gia đình nên chị lại cho qua.
Nhưng rồi chục ngày, nửa tháng sau vẫn thấy chồng ôm điện thoại mỗi khi về nhà. Có khi vào nhà tắm, nhà vệ sinh, anh cũng mang theo. Chị lén xem thì thấy tin nhắn đã được xóa hết, nhật kí cuộc gọi thì vẫn dày đặc số của cô ả kia. Chị cáu tiết tra hỏi chồng:
“Con cô ta chưa khỏi ốm à?”
“Rồi mà!”
“Thế anh có chuyện gì với cô ta mà điện đóm cho nhau nhiều thế?”
“Cô ấy chưa có tiền trả nên xin khất anh!”
“Cô ta vay anh bao nhiêu?”
“Dăm triệu”
“Em tưởng 50 triệu chứ 5 triệu thì anh bảo là cô ấy không phải lo, khi nào có trả cũng được. Hai người đừng có kiếm cớ mà mèo mỡ với nhau. Em bắt được thì đừng trách!”
“Sao em lại nặng lời thế? Trước giờ anh là người thế nào em phải biết chứ!”
“Em cứ nói trước như vậy!”
Tưởng thế là xong, không ngờ sau đó 2 kẻ ấy vẫn lén lút liên lạc với nhau. Chị Nga sôi máu, ra tối hậu thư với chồng: “Một là lần tới cô ta gọi điện anh đưa em nghe. Hai là anh chuyển ngay tới mà ở với cô ta!”.
Cô ả gọi, anh cực chẳng đã phải đưa cho vợ nghe. Chị Nga lạnh lùng nói: “Chị là vợ anh Quang. Nghe nói em là đồng nghiệp cũ của chồng chị. Chị cũng nghe anh Quang kể về hoàn cảnh của em rồi. Thế này em nhé, số tiền em vay của chồng chị khi nào có trả cũng được, không phải bận tâm. Chị em mình đều là phụ nữ, em có gì khó thì cứ gọi thẳng cho chị, chị giúp, không phải gọi cho anh Quang nữa”.
Cô ả vâng vâng, dạ dạ liên tục. Bẵng đi 1 tháng không thấy dấu hiệu gì khả nghi, chị Nga chắc mẩm là yên chuyện rồi.
Ai dè hôm chồng liên hoan công ty, uống say túy lúy về, thấy điện thoại chồng báo tin nhắn, chị mở ra xem: “Anh về chưa? Có say lắm không?”. “Giời ạ, hóa ra anh và ả vẫn lén lút liên lạc với nhau trong giờ hành chính” – chị Nga bừng bừng lửa giận, mở hết tin nhắn ra xem. Một lô 1 lốc tin nhắn chưa kịp xóa.
Ả thì nhắn: “Em buồn lắm anh ạ, chán tất cả. Chắc em bỏ chồng thôi!”. Rồi: “Em khổ tâm lắm, chỉ biết tâm sự với anh. Ngoài anh ra, em chẳng có ai nữa cả”. Ả còn tỉ tê thế này nữa: “Em làm anh khó xử lắm phải không? Em xin lỗi đã làm phiền anh nhiều như vậy”.
Anh thì trả lời: “Cố lên, có gì cứ bảo anh, anh sẽ giúp em đến khi nào chồng em vào. Anh đang nhậu, tí về nói chuyện sau”.
“Còn muốn thay chồng cô ta nữa đấy!” – chị Nga tức lắm rồi nhưng không thể cãi nhau với người say. Sáng hôm sau, chị lạnh lùng hỏi chồng:
“Bây giờ anh muốn gia đình này hay muốn cô ta nào?”
“Sao em lại hỏi như vậy?”
“Sao 2 người vẫn liên lạc với nhau, còn nhắn tin tình cảm thắm thiết nữa” – Chị phán thẳng.
“Em đọc trộm tin nhắn của anh à?” – anh tức giận hỏi.
“Không thì sao biết được chuyện hay của anh?”
“Em là một người phụ nữ hạnh phúc, gia đình đủ đầy làm sao em hiểu nỗi khổ của cô ấy. Cô ấy tội lắm, anh thương!” – Chồng chị lạnh nhạt nói.
Chị Nga chết đứng, không ngờ chồng lại nói vậy. Nếu cô ta đúng là đáng thương thật thì anh giúp đỡ cũng phải. Nhưng chị vẫn thấy ức lắm, chả nhẽ phải thương cô ta bằng cách để chồng ngày đêm đi an ủi cô ta sao?
Hôm sau, đợi mãi không thấy chồng về ăn cơm, gọi thì không nghe máy. Chị tức mình gọi cho chị bạn làm cùng công ty chồng, hỏi chị ấy có biết chỗ ở của cô ả kia không.
Sau khi lấy được địa chỉ nhà cô ta, chị phi xe đến tận nơi. Đến nơi, chị thấy ngay cảnh chồng mình đang ngồi bên mâm cơm chơi với con cô ta. Còn cô ta thì ngồi cạnh tay thì xới cơm nhưng mắt lại nhìn chồng chị đắm đuối…
Chị gằn từng tiếng: “Hạnh phúc gớm nhỉ? Nếu cô muốn ‘mượn’ chồng tôi thì lên tiếng một câu. Còn anh, anh muốn thay chồng cô ta thì về kí đơn đi, tôi cho đi thoải mái!” rồi bỏ đi.
Chồng chị vội vã chạy về theo và hứa hẹn thề thốt. Không biết chồng có ý đồ mèo mỡ gì không nhưng đối phó với kiểu cả nể, thương người quá đáng như chồng chị và cô ả cầm tinh “hồ ly” kia thì không rắn không xong, để thêm nữa chắc “nên chuyện” rồi.