Trong đa số các tình huống gặp gỡ, chia tay, các ông bố và bà mẹ của con trẻ thường nhắc: “Con chào ông bà đi!”, “Con chào các cô, các chú đi con”… Có người còn nhắc một cách thô bạo hơn như: “Không chào ai à?”, “Mồm đâu?”…
Những lời nhắc nhở con trẻ biết chào hỏi mọi người là cần thiết bởi trẻ hay quên và ý thức tự giác chưa cao. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì thấy rằng hình như khi các bà mẹ trẻ nhắc nhở con mình chào thì cũng ngầm ủy quyền cho con lời chào của chính bản thân mình.
Một bà mẹ trẻ đi làm, đồng thời chở con đến trường. Khi con chuẩn bị lên xe, người mẹ bảo: “Chào ông bà đi con!” Con chào xong, người mẹ “nhảy” lên xe phóng vút đi. Như vậy là con đã đại điện luôn cho mẹ chào ông bà. Sẽ là quá khắt khe nếu đẩy sự việc không chào ông bà của người mẹ trẻ vào phạm trù đạo đức. Và thời đại này thì không bố mẹ chồng nào đi xét nét những hành vi như thế.
Tuy nhiên cái sự “nhân tiện”, “nhân thể” và chào “đại diện” kiểu ấy sẽ tác động không tốt tới con trẻ. Việc đó sẽ hình thành trong các con phản xạ cứ nhắc mới chào, không nhắc, không chào. Do đó, nếu chỉ có một mình, khi gặp người thân quen, con trẻ rất hay quên chào hỏi.
Chúng ta đều biết 6 cấp độ nhận thức được sắp xếp theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm: Nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Con trẻ độ tuổi lên 4 lên 5 thì chỉ ở cấp độ tư duy đầu tiên, tức là nhớ. Cái sự nhớ của trẻ ở giai đoạn này hình thành chủ yếu do bắt chước. Chúng bắt chước một cách máy móc và rập khuôn để nạp dữ liệu cho cấp độ tư duy đầu tiên này. Do đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu bố mẹ chào trước. Nếu con trẻ quên thì nhắc để con nhớ.
Nhưng tin chắc rằng, với công cụ tư duy ban đầu là bắt chước, thì chỉ sau lời chào của bố mẹ, con trẻ sẽ véo von chào ông bà như bố/mẹ chúng vừa chào. Có lẽ vì thế mà người ta nói rằng giáo dục con cái bằng tấm gương là một trong những cách giáo dục tốt nhất.
Người xưa cũng có câu “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, tức là đạo đức, hành vi của cha mẹ thế nào thì (nhìn chung) con cái sẽ xử sự hệt như vậy…