Cha mẹ không nên vội vàng hay cố ép buộc bé phải tự xúc bằng thìa khi bé chưa sẵn sàng. Tự xúc ăn là một mốc quan trọng trong sự phát triển của bé nhưng nên cần có thời gian và các bước chuẩn bị cần thiết.
Bé có thể ăn bằng thìa khi nào?
Tự ăn bằng thìa là một kỹ năng khó với bé. Tuy nhiên đến độ 1-2 tuổi (khi kỹ năng vận động hoàn thiện) thì bé có thể dễ dàng đưa thức ăn vào miệng bằng thìa.
Nên để cho bé làm quen với thìa thì ngay từ giai đoạn dưới 1 tuổi, bạn có thể dùng thìa nhựa như một món đồ chơi dành cho bé. Ở giai đoạn bé lẫm chẫm học đi, bạn có thể dùng thìa để chơi trò “trao đổi thìa” – xen kẽ một thìa cháo bạn bón cho con và cho phép bé bón lại cho mẹ một thìa cháo.
Trước đó, 9 tới 14 tháng, bé có thể tỏ ra quan tâm đến việc tự xúc thức ăn bằng thìa nhưng lúc này bé chưa đủ kỹ năng. Các xương cổ tay bé chưa đủ cứng cho đến khi bé được 18 tháng tuổi. Bé dưới độ tuổi này khó uốn cong cổ tay và đưa thìa chính xác vào miệng.
Trước khi bé tự xúc được, bé phải làm chủ “kỹ năng càng cua” (nhặt đồ chơi nhỏ và mẩu thức ăn với ngón tay cái và ngón tay trỏ của bé). Nếu bé không thể làm điều này thì rất khó khăn cho bé khi tự xúc bằng thìa. Nếu bé 13-15 tháng nhà bạn thích ăn bốc, không quan tâm đến dùng thìa thì bạn cứ để bé tiếp tục làm như vậy. Hãy cung cấp nhiều loại thức ăn để bé vui ăn bốc như thử luộc carrot rồi xắt thành khối hạt lựu, phô mai xắt nhỏ, chuối, lê mềm thái nhỏ… Không nên ép trẻ phải ăn bằng thìa, điều này sẽ khiến bé sợ hãi, chán nản, sinh cảm giác chán ăn, biếng ăn. Kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé.
Cần chuẩn bị gì khi cho bé tập ăn thìa?
Khi cho bé tập ăn bằng thìa, mẹ cần chuẩn bị một số thứ sau để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Cụ thể:
– Chuẩn bị thìa phù hợp: Chọn thìa có kích thước phù hợp với miệng và tay của bé. Thìa nên có đầu nhọn và cán dày để bé dễ dàng nắm và làm quen. Nên chọn thìa nhựa mềm mại để không làm đau răng lợi của bé. Hoặc bạn có thể chọn mua loại thìa thay đổi màu sắc để cảnh báo thức ăn của bé đang quá nóng.
– Bát đĩa: Nên sử dụng bát và đĩa nhỏ, chất liệu nhẹ, lòng bát không quá sâu để bé có thể xúc thức ăn một cách dễ dàng. Có thể chọn các loại bát đĩa có hình thú, màu sắc bắt mắt để thu hút sự chú ý của bé.
– Thức ăn mềm, nhuyễn: Hãy bắt đầu cho trẻ tập xúc thìa bằng các loại thức ăn mềm như cháo, súp, hoặc các loại thức ăn nghiền nhuyễn để bé dễ đưa vào miệng và dễ nuốt.
– Yếm bảo vệ: Để tránh việc thức ăn bắn tung khắp nơi và giữ cho bé sạch sẽ, bạn có thể sử dụng yếm ăn để bảo vệ quần áo của bé.
– Khăn ăn: Có sẵn khăn ăn để lau sạch miệng và mặt bé sau mỗi bữa ăn.
Hỗ trợ bé khi ăn bằng thìa
Để bé có thể ăn bằng thìa tốt hơn, các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ bé một số cách như sau:
- Cho bé tự cầm thìa: Khi bé đã có khả năng cầm vật, hãy cho bé tự cầm thìa để tạo sự tự tin và động lực cho bé tham gia vào quá trình ăn uống.
- Hướng dẫn cho bé dùng thìa: Bạn ngồi cạnh và hướng dẫn bé cách sử dụng thìa bằng cách đưa thìa vào miệng, mô phỏng việc xúc và đưa thức ăn lên miệng, như vậy bé sẽ học hỏi theo hành động của bạn.
- Giúp đỡ bé: Bạn có thể giúp đỡ bé kiểm soát cử động của tay và cổ để đưa thìa vào miệng dễ dàng hơn.
- Chọn thức ăn phù hợp: Nên bắt đầu với những loại thức ăn mềm, dễ xúc để giúp bé tập trung vào việc sử dụng thìa mà không phải vật lộn với thức ăn quá cứng.
- Khen ngợi: Khi bé làm tốt, hãy động viên tích cực và khen ngợi để khích lệ bé. Điều này sẽ tăng thêm hứng khởi và động lực, đồng thời tạo cảm giác thành công cho bé.
- Để trẻ tự ăn: Khi trẻ đã tự tin và thành thạo hơn trong việc sử dụng thìa, hãy cho bé tự ăn một cách độc lập. Bạn có thể giúp bé bằng cách chọn thức ăn dễ xúc và dễ nhai.
- Kiên nhẫn: Đừng áp đặt bé hoặc bị quá khích khi bé gặp khó khăn mà hãy kiên nhẫn, đồng hành cùng bé trong quá trình học tập và nâng cao kỹ năng ăn bằng thìa.
☛ Đọc thêm: Cầm đũa sớm có giúp trẻ thông minh hơn?
Trẻ ăn bằng thìa khi nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cha mẹ không nên quá ép buộc, bắt trẻ phải biết ăn bằng thìa sớm. Điều này có thể gây phản tác dụng, làm bé sợ hãi với những bữa ăn. Cứ để bé phát triển các kỹ năng một cách tự nhiên, cha mẹ chỉ nên hỗ trợ bé khi cần thiết.