Những thay đổi lớn lao về tâm sinh lý đối với lứa tuổi dậy thì sẽ mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của trẻ. Chúng ta cần nhận thức được các nguy cơ này để kịp thời điều chỉnh hành vi, giúp trẻ phát triển thuận lợi và toàn diện.
Nguy cơ từ gia đình
Khi trẻ em bước vào giai đoạn dậy thì, có quá nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý như đã được đề cập ở các bài trước. Những sự thay đổi đó đôi khi mang đến những thắc mắc, lo lắng ở các em.
Sau thời gian chăm bẵm trẻ từ sơ sinh đến khi trẻ ở vào giai đoạn quan trọng này, cả gia đình bắt đầu cảm thấy yên tâm vì con đã “lớn”, xao nhãng việc chăm sóc trẻ, thường ưu tiên cho việc làm ăn, học tập, công tác… Trẻ không còn có được những sự quan tâm chăm sóc cần thiết và có thể cảm thấy cô đơn lạc lõng trong chính căn nhà của mình.
Từ đó, tình cảm và mối quan hệ của cha mẹ với con cái bị “nới lỏng”, sự ảnh hưởng của cha mẹ đối với trẻ ít dần đi, trẻ bắt đầu độc lập trong suy nghĩ và hành động. Do nhận thức hạn chế và tâm lý bất ổn của tuổi dậy thì, sự độc lập đó đôi khi dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
Nguy cơ từ xã hội
Một vài năm sau khi bắt đầu dậy thì, cùng với sự phát triển của đặc trưng giới tính, tâm lý cũng có sự phát triển thêm một bước. Trẻ bắt đầu tự cho mình là người lớn, đòi độc lập, đòi người lớn (bao gồm cả cha mẹ chúng) phải tôn trọng, đòi được đối xử bình đẳng, được tự do kết bạn, được tự mình suy xét mọi vấn đề và muốn có một khoảng trời riêng của mình. Nhu cầu được kết bạn xuất hiện và nảy sinh tình cảm ái mộ đối với người khác giới, thậm chí dần dần sẽ nảy sinh tình yêu và những đòi hỏi về tình dục. Tuy nhiên, tâm lý của chúng vẫn chưa thực sự chín chắn, tình cảm vẫn rất bất ổn định, tính cách, khí chất, tư tưởng chưa được định hình, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu xã hội, bạn bè xung quanh hoặc các công cụ truyền bá như phim ảnh, truyền hình, tác phẩm văn học.
Do kinh nghiệm và bản lĩnh sống chưa có, thích tiếp cận với những điều mới lạ, trẻ rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng, dễ bị dẫn dắt, xô đẩy vào những hoạt động phi pháp.
Đối với những trẻ mắc chứng dậy thì sớm còn có nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại tình dục hoặc tham gia vào các hoạt động đó do sự làm chủ bản thân còn non nớt. Do đó, những trẻ em này cần được chăm sóc, theo dõi đặc biệt của phụ huynh và nhà trường.
Nguy cơ về sức khỏe
Nguy cơ trầm cảm do dậy thì sớm
Các nhà nghiên cứu ĐH Duke (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 1 nhóm đối tượng lớn gồm 630 bé gái từ 9-21 tuổi, trong đó có 115 trường hợp dậy thì sớm (tỉ lệ là 1/5). Kết quả cho thấy: Sự khác biệt giữa dậy thì sớm và đúng thời điểm chỉ là những hành vi nguy cơ sẽ giảm dần và nhóm dậy thì sớm có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 3 lần khi thành niên. Cụ thể, tỉ lệ trầm cảm ở nhóm dậy thì đúng tuổi là 5%, ở nhóm dậy thì sớm là 15%.
Nguy cơ béo phì và ung thư
Theo nghiên cứu mới nhất, những người mẹ dậy thì sớm trước 11 tuổi có nguy cơ béo phì cao gấp 5 lần so với các bà mẹ dậy thì sau 15 tuổi. Những đứa con do các bà mẹ này sinh ra có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao gấp 3 lần so với những đứa trẻ khác. Những chị em có kinh nguyệt sớm, trước tuổi 11 cũng có thể có nguy cơ cao bị ung thư vú.
Thủ dâm
Có thể do tự khám phá hoặc do ảnh hưởng từ người khác, từ phim ảnh, bạn trẻ sẽ phát hiện ra khả năng “tự” sinh dục của mình. Những cảm giác mới lạ đôi khi làm bạn trẻ mất nhiều thời gian, tâm trí và sức lực. Sự lạm dụng thủ dâm quá mức sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe nói chung và sức khỏe tình dục – sức khỏe sinh sản sau này.
Các bệnh ở hệ sinh dục
Nếu chưa quan hệ tình dục thì các bạn nữ dễ bị mắc các bệnh liên quan đến hệ sinh dục nhiều hơn các bạn nam. Đó là những trở ngại lớn cho việc học tập, sinh hoạt của các bạn nữ.
Thống kinh:
Là triệu chứng đau quặn thắt ở vùng bụng dưới (kèm thêm đau lưng, nhức đầu, tiêu chảy) khi hành kinh. Thống kinh không nguy hiểm, nhưng nó khiến các em thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin.
Rong kinh, rong huyết:
Rong kinh là hành kinh kéo dài hơn 1 tuần. Rong huyết là hiện tượng ra huyết ở bộ phận sinh dục không phải do kinh nguyệt, kéo dài hơn 1 tuần.
Bệnh phụ khoa
Ở lứa tuổi này cũng rất dễ bị viêm nhiễm âm đạo nếu không biết vệ sinh đúng cách. Viêm âm đạo ở lứa tuổi này rất khó điều trị quan niệm về trinh tiết và do đó không thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo nên dễ tái phát.
Trường hợp bị viêm nang lông, mụn mủ ngoài da vùng âm hộ cũng dễ làm viêm nhiễm âm đạo do Staphylococcus, Strepptococcus…
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất
– Mặc quần áo thoáng mát
– Luôn giữ khô ráo vùng kín: dùng khăn giấy lau khô sau khi đi vệ sinh, tắm rửa
– Uống thuốc tẩy giun nếu có nhiễm giun đường tiêu hóa
– Khi có mụn mủ, viêm nang lông vùng kín, cần đi khám và điều trị, không tự ý nặn cho mụn mủ vỡ ra
– Thay băng vệ sinh thường xuyên, không để ẩm ướt vì máu là môi trường thuận lợi cho vi trung phát triển.
– Dùng băng vệ sinh hàng ngày để vùng kín luôn sạch sẽ
Thiếu máu nhược sắc:
Khoảng 20% – 25% thiếu nữ bị thiếu máu nhược sắc, hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở thiếu nữ vào khoảng 2,4ml/ngày (gấp đôi bé trai). Tuy nhiên, do chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất, cộng với sự mất máu khi có kinh nguyệt, khiến các cô bé bị mất chất sắt. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Để phòng tránh chứng thiếu máu nhược sắc, các em gái cần tẩy giun theo định kỳ; điều trị tốt chứng thống kinh, rong kinh-rong huyết (nếu có và tốt nhất là theo chỉ dẫn của các bác sĩ). Đặc biệt, các em cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng như ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C (vì vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn) trong bữa ăn, nhất là ở giai đoạn có kinh nguyệt. Nên bổ sung thêm thuốc chứa chất sắt phối hợp với acid folic (rất cần cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này).