Sau một quá trình mang bầu và sinh đẻ, sản phụ bị tiêu hao sức khoẻ và năng lượng rất lớn, vì vậy rất cần thiết một sự chăm sóc sức khỏe và duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt cho họ.
Thêm nữa là việc tích mỡ bụng trong quá trình mang thai có thể khiến bạn mất hàng năm để đánh tan chúng đi. Chính vì thế, một chế độ ăn uống hợp lý, vừa giúp tăng lượng sữa cho con, vừa làm giảm mỡ bụng luôn là mối quan tâm của các bà mẹ trẻ.
1. Chuối sứ
Ít các bà mẹ biết rằng chuối sứ rất tốt cho sữa mẹ. Đây là loại chuối quả to, da hơi nhám. Thịt chuối nhiều hơn so với các loại chuối khác. Đặc biệt, lớp men của loại quả này rất tốt, sản phụ nếu ăn chuối thường xuyên sẽ giúp tăng lượng sữa mà không sợ tăng cân.
Hoa chuối lá hoặc chuối tiêu thái nhỏ, luộc chín ăn hoặc trộn nộm với lạc, vừng rang, ăn 2-3 bữa liền giúp thông sữa rất tốt.
2. Cháo thịt nạc tôm tươi
Đây là món ăn rất đơn giản và gần gũi nhưng lại rất lợi sữa với các sản phụ. Món này nên ăn liên tục trong vòng 5 ngày, mỗi ngày một bát sẽ giúp ích khí, bổ thận, thông sữa, dùng cho những sản phụ bị tắc sữa sau khi sinh.
3. Khoai lang và rau khoai lang
Khoai lang là thực phẩm gần gũi, khá rẻ tiền nhưng lại rất có lợi cho sức khỏe. Với lượng vitamin A, B, C, E và protein, tinh bột, các axit amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết như: canxi, magie, sắt, kẽm…khoai lang là một thực phẩm vô cùng quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
Ăn 100g khoai lang, tương đương với giá trị dinh dưỡng của nửa bát cơm gạo trắng hoặc 2 lát bánh mì nướng. Nếu bạn muốn giảm cân thì nên ăn khoai lang thay cơm trong bữa cơm chính với một số cách chế biến nhằm hạn chế tăng độ đường của khoai như: hấp, nướng, xay nhuyễn với nước…Luộc hoặc xào rau khoai lang ăn hàng ngày vừa giúp nhuận tràng lại vừa lợi sữa đấy nhé.
4. Cháo mè đen
Trong đông y, mè đen được sự dụng như một vị thuốc quý. Hạt vừng đen có tác dụng chữa nhiều bệnh và có tác dụng tăng cường dinh dưỡng. Mè đen 50g, giã nát, cho vào một nắm nếp trắng rồi nấu cháo, ăn trong 7-10 ngày. Món này giúp lợi sữa, nhuận tràng, thích hợp với những sản phụ sau đẻ huyết hư, táo bón, ít sữa.
5. Đu đủ xanh
Đu đủ chứa nhiều protein, chất béo và các vitamin. Đu đủ xanh nấu cháo cùng móng giò từ lâu đã được biết đến như một món ăn giúp lợi sữa, thông sữa hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Mặt khác món này cũng giúp trị chứng ít sữa hoặc sữa quá loãng. Tuy nhiên nhiều sản phụ lại không ăn được móng giò hoặc sợ béo. Bạn có thể thay móng giò bằng cá chép hoặc cá quả cũng sẽ đem lại hiệu quả tương tự mà còn giúp giảm mỡ bụng.
6. Táo đỏ (táo tàu)
Táo đỏ có hàm lượng vitamin C cao, và lượng lớn chất glucozơ và protein. Trung y quan niệm táo đỏ là loại thuốc tốt nhất trong các loại quả, có tác dụng giải độc, bổ tì hoạt vị, điều hoà huyết mạch… đặc biệt thích hợp cho sản phụ để bổ sung khí huyết, chữa hiện tượng tì vị suy nhược sau sinh. Táo đỏ có hương vị thơm ngọt, nhiều cách ăn, có thể ăn sống hoặc ninh cháo ăn nóng.
7. Hạt bí
Hạt bí dường như chỉ được biết đến như một món “ăn chơi, ăn vui” ngày Tết. Tuy nhiên, thật khó tin là nó lại giúp tăng sữa cho sản phụ. Thành phần chứa trong hạt bí ngô thấy có chủ yếu là chất cucurbitine, caroten, vitamin A, B1, B2, C, dầu béo, protid… Để giúp tăng sữa, sản phụ mỗi ngày uống hai lần 15 – 20g hạt bí ngô vào buổi sáng và tối. Cách làm rất đơn giản là bỏ vỏ hạt lấy nhân giã nát hòa với nước uống khi đói bụng. Cần uống liền 3 – 5 ngày sẽ hiệu quả. Cần lưu ý rằng uống hạt sống mới hiệu nghiệm.
8. Măng tây
Măng là một trong những thực phẩm rất được ưa thích và cũng giàu chất xơ vào bậc nhất. Chất cơ trong măng có thể kích thích dạ dày co bóp, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tạo ra cảm giác no bụng.
Măng thuộc họ thực vật cung cấp ít năng lượng, dù ăn nhiều cũng không lo bị béo, đặc biệt là béo bụng. Ngoài ra, măng còn có thể hấp thụ những chất béo dư thừa.
Trong tiết hè oi bức bạn nên chế biến măng thành những món nộm, nấu canh, ngâm giấm tỏi. Măng là thực phẩm dẫn dắt các thức ăn khác, với mùi vị đặc trưng, thú vị. Phụ nữ đang thời kỳ mang thai nên dùng măng tây thường xuyên vì chất acid folic trong măng tây rất tốt cho sự phát triển của bé. Khi bé đã chào đời, măng tây cũng giúp các bà mẹ có nguồn sữa dồi dào. Ngoài ra ở phụ nữ đang trong độ tuổi trưởng thành, măng tây giúp kinh nguyệt điều hòa, khí huyết lưu thông.
9. Quýt
Trong quýt có hàm lượng Vitamin C và Can-xi tương đối lớn. Vitamin C giúp tăng cường tính co giãn, đàn hồi của thành mạch máu, ngăn ngừa hiện tượng chảy máu. Sau khi sinh, lớp màng bên trong cổ tử cung sản phụ xuất hiện vết thương tương đối lớn, chảy nhiều máu. Nếu ăn một lượng quýt thích hợp, có thể ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu.
Can-xi là thành phần quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương và răng ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ ăn một lượng quýt thích hợp có thể thông qua sữa của mình cung cấp chất can-xi cho trẻ, như vậy không chỉ thúc đẩy quá trình tăng trưởng hệ thống xương và răng của trẻ, mà còn có thể ngăn ngừa bệnh còi xương cho bé.
Ngoài ra, hạt quýt, sơ quýt còn có tác dụng thông sữa. Khi tuyến sữa của người mẹ bị tắc, dẫn tới việc sữa bị ít đi, thậm chí gây ra bệnh viêm tuyến sữa cấp tính, ảnh hưởng đến việc nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ. Ăn quýt có thể tránh được các hiện tượng trên.
10. Lạc
Trong y học cổ truyền có bài thuốc từ lạc rất tốt cho thai phụ. Lạc nhân 50g, ngạnh mễ (gạo tẻ) 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Lạc nhân sau khi rửa sạch đem giã nhỏ, cùng gạo tẻ nấu cháo. Cháo chín cho thêm đường phèn vừa ăn. Lạc nhân là thức ăn dễ kiếm mà tác dụng lợi sữa rất tốt, có thể hầm cùng móng giò lợn.