Ngày tới phường xin đăng ký kết hôn lại, cô Tư pháp phường không khỏi ngạc nhiên, ánh mắt xoe tròn cùng nụ cười tươi tắn và câu chúc mừng của cô “Chúc cô chú hạnh phúc” khiến nụ cười anh bẽn lẽn, ngượng ngập giống như nụ cười ngày xưa.
Ngày em và anh ra tòa ly hôn, sự hiếu thắng trong lòng em còn hừng hực. Em muốn mọi việc kết thúc nhanh chóng để hả lòng hả dạ rời khỏi anh, rời khỏi một con người đã cùng em chung sống hơn ba mươi năm, gừng cay muối mặn sớt chia hơn nửa đời người. Bao niềm vui nỗi buồn, bao ấm lạnh của nhân tình thế thái mình đều từng chung tay gánh vác, sẻ chia.
Ly hôn xong, biết anh rất khổ tâm, không muốn gia đình ly tán vì thương con thương cháu, vì không muốn rời xa mái gia đình mà bấy lâu chúng mình bỏ hết tâm sức ra xây dựng, nên em càng hả dạ. Ngày ngày chúng mình vẫn còn ở bên nhau vì chưa chia tài sản được (ngôi nhà khá nhiều tiền, gặp lúc nhà đất đóng băng). Mỗi người một phòng, em vẫn nấu cơm cho anh và con cháu về ăn sau một ngày làm việc. Mâm cơm vẫn bốc khói nhưng tiếng cười đùa của đám trẻ không còn, anh vẫn chăm chút nhiều việc trong nhà như mọi khi, chỉ những chuyện gì có tính cách riêng tư của hai người thì không còn chung đụng nữa.
Tập thể dục buổi sáng em đi một đường, anh đi một nẻo. Phòng ai nấy ngủ, cơm ai nấy ăn, chúng mình ra ra vào vào như hai cái bóng. Thời gian đầu, em thấy tự do lắm nhưng những khi anh vắng nhà, không gọi điện về gia đình cũng không báo tin anh đi đâu, suốt đêm em nằm trằn trọc, không biết anh có việc gì không hay là đi theo bà nhân tình nhân ngãi nào. Nghĩ tới việc anh đang hạnh phúc với một người đàn bà nào đó, lòng em lại quặn đau (như những lần đã quặn đau vì nghi ngờ anh đang cặp bồ với người khác) rồi lại nghĩ, không biết ông ấy có gặp chuyện gì không may hay không? Bao lần em cầm điện thoại lên định gọi rồi lại thôi, lòng tự ái không cho phép.
Thật ra những bất đồng của chúng ta chưa đến nỗi phải đưa đến cảnh tan nát gia đình. Ngoài cái “tật” không biết “ga lăng” vợ, không chăm chút vợ chu đáo khi yếu đau; tướng tá bảnh bao, nói năng hay hóm hỉnh pha trò khiến nhiều phụ nữ quí mến, quyến rũ khiến anh vướng vào một vài mối tình vụn vặt bên đường nhưng anh đã thoát ra được, thì anh chẳng có “tội trạng” nặng nề gì.
Em biết mình cũng có nhiều nhược điểm, thiếu sự dịu dàng ngọt ngào với chồng, dù lúc nào em cũng chăm chút chồng con chu đáo tận tình, một đời cần kiệm chắt chiu cho mái ấm gia đình, nhiều khi em thiếu tế nhị trong cách ứng xử, kiến thức không bằng anh và có cố tật nói dai, nói dài… Em vẫn biết nhược điểm của mình nhưng những lúc nóng giận lại không kềm chế được bản thân. Bao nhiêu phiền phức của đời thường khiến em ước ao sớm thoát khỏi cảnh “gông cùm” chồng vợ.
Giờ đã thóat ra được rồi mà sao em vẫn thấy cuộc sống buồn bã đơn độc quá đỗi. Dù vẫn còn kề cận bên nhau nhưng em luôn nhớ tiếng nói giọng cười của anh ngày nào, nhớ những lúc vợ chồng cãi nhau về một việc gì đó rồi chúng ta lại làm lành, nhớ không khí vui tươi hồn nhiên của những buổi cơm chiều có đủ mặt con cháu, nhớ những buổi gia đình mình cùng nhau đi picnic ở ngoại ô… Tình cảm con người sao quá phức tạp, nhiêu khê. Ngày được ly hôn hả hê bao nhiêu, giờ tiếc nuối bấy nhiêu…
Bạn bè, gia đình hai bên (nhất là bà chị ruột thứ Hai của em cứ khóc hoài về chuyện chúng mình, vì hòan cảnh của chị ấy đang khổ sở cũng vì ly hôn) lúc nào cũng khuyên nhủ, tìm mọi cách hàn gắn chuyện chúng mình. Mọi người kể những câu chuyện gay go, phức tạp về cuộc đời chồng vợ của họ còn bi kịch hơn chúng ta nhiều nhưng họ vẫn lấy chữ “nhẫn”, chữ “hy sinh” để giữ vững ngọn lửa gia đình. Nói điều nầy ra chắc bọn trẻ sẽ trề môi, lắc đầu “Tội gì mà phải chịu đựng dữ vậy?”. Tuổi trẻ lúc nào cũng háo thắng, chỉ khi đến tuổi xế chiều, va vấp đường đời quá nhiều mới thấy hết điều quí giá của một đời người là hạnh phúc gia đình.
Sau những chiêm nghiệm chua cay của bản thân qua thời gian ly hôn, em và anh đều nhận ra một sự thật là từ trong sâu thẳm trái tim, chúng ta không thể sống thiếu nhau, gia đình mình không thể “tan đàn xẻ nghé|”. May mà trong thời gian ly hôn, anh chưa vướng víu vào mối tình nào nên những lời khuyên của bạn bè, họ hàng đã tác động mạnh mẽ tới chúng ta.
Ngày tới phường xin đăng ký kết hôn lại, cô Tư pháp phường không khỏi ngạc nhiên, ánh mắt xoe tròn cùng nụ cười tươi tắn và câu chúc mừng của cô “Chúc cô chú hạnh phúc” khiến nụ cười anh bẽn lẽn, ngượng ngập giống như nụ cười ngày xưa, cái ngày mình còn học chung trường, và anh đã nói câu đầu tiên khi nhìn vào mắt em “Em có chịu sống với anh suốt đời không?”