“Nên cho trẻ tự do, vui chơi nhiều hơn hay cần ép học? Câu hỏi này cũng tương tự như ‘xây nhà thì cái gì cần thiết hơn, xây tường hay làm trần”, giáo sư David Pikus đặt vấn đề về phương pháp dạy con của “Mẹ Hổ” Amy Chua.
“Các bạn cứ đọc, cứ nghe nhưng không có nghĩa là phải làm theo cách mà mẹ Hổ dạy con, bởi cách đó có thể chỉ đúng với bản thân cô ấy, các con cô ấy. Bạn hãy xem nó có gì có thể áp dụng, phù hợp với môi trường mình đang sống, với các con của mình”, giáo sư Pickus, từ Đại học Barret Honnors, Mỹ, trao đổi với các phụ huynh quanh cuốn sách “Khúc chiến ca của hổ mẹ”, cũng như phương pháp dạy con phù hợp, nhân dịp bản dịch cuốn sách ra mắt tại Việt Nam cuối tuần qua.
Chúng tôi ghi lại cuộc trao đổi với giáo sư Pickus về vấn đề này:
– Ông đánh giá thế nào về mặt mạnh và mặt yếu về cách dạy con của Amy Chua trong cuốn “Khúc chiến ca của mẹ Hổ”?
– Tôi cho rằng đây là một cuốn sách có giá trị. Chua xứng đáng nhận lời khen ngợi cho việc khơi dậy sự quan tâm với vấn đề muôn thủa là nuôi nấng và dạy bảo con cái, dẫu rằng tôi chưa hẳn đồng ý với những điều nêu trong đó.
“Khúc chiến ca của hổ mẹ” (Battle Hymn of the Tiger Mother) là cuốn hồi ký của Amy Chua – 49 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, hiện là giáo sư trường Luật Yale (Mỹ). Bằng cách dạy con hà khắc, Amy Chua đã “đào tạo” cô con lớn thành một thần đồng piano, còn cô em thành nghệ sĩ violin tài năng.
Cách giáo dục con của Chua rõ ràng khá khắc nghiệt, nhưng cũng hữu ích. Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về nguồn gốc Chua chọn cách giáo dục này cho các con.
Amy Chua là một người Mỹ gốc Trung Quốc, và là dân nhập cư, cũng giống như tôi. Những người nhập cư thường sẽ phải phấn đấu rất nhiều, nhiều gấp đôi những người dân bản địa để có địa vị, kinh tế và cuộc sống tốt hơn, vươn tới tầng lớp thượng lưu. Chua lo lắng những đứa trẻ thế hệ thứ 3 – con cái cô được sống trong nhung lụa, với thói quen hưởng thụ sẽ trở nên hư hỏng và lười biếng. Và cô ấy phải dùng biện pháp “rắn”.
Thực tế, với phương pháp dạy con như vậy thì chắc chắn hai cô con gái của mẹ Hổ phải chịu rất nhiều khổ cực để luyện tập. Tôi cho rằng, điều tích cực là Chua đã dạy con cách phải làm việc chăm chỉ để đạt được thành quả trong cuộc sống. Nhưng cách giáo dục ấy đồng thời cũng phản ánh sự lo lắng thái quá của bà về địa vị của người nhập cư, dễ làm con cái nhầm lẫn giữa thành công với địa vị, tên tuổi của mình được biết đến trong xã hội.
– Những gì các con của Amy Chua đạt được cho thấy cách giáo dục có phần hà khắc của cô ấy có vẻ rất hiệu quả. Ông cho rằng rèn luyện trẻ nhỏ theo khuôn phép luôn là yếu tố giúp trẻ thành công?
– Thế nào là một đứa trẻ thành công, là một khái niệm không dễ trả lời. Hơn nữa, việc dạy dỗ con không phải là một sự thử nghiệm, và chỉ có thể biết được kết quả khi đến cuối chặng đường. Điều quan trọng không phải việc cha mẹ nên dễ dàng hay khắt khe, mà giúp trẻ học được những điều cần cho chúng. Đó là: những gì có giá trị đều khó khăn để đạt được, và biết sống độc lập, không sợ hãi, có sự kiêu hãnh về chính mình. Điều thứ nhất có thể mẹ Hổ đã làm được nhưng điều thứ hai thì tôi cho là cô ấy chưa thành công.
– Một vị giáo sư người Mỹ khác từng cho rằng bố mẹ nên nghỉ ngơi nhiều hơn, để con trẻ chơi, xem TV nhiều hơn và làm những gì chúng muốn. Như vậy họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, hạnh phúc hơn. Điều này tốt hơn nhiều so với việc quá khắt khe với trẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– Theo tôi, một đứa trẻ thành công là một đứa trẻ tự lập và có niềm kiêu hãnh về bản thân. Về quan điểm của vị giáo sư trên thì tôi cũng không rõ, nhưng tôi dám chắc nó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Amy Chua. Câu trả lời của tôi là cả hai trường hợp đều là tương đối. Đôi khi nên cho trẻ chơi nhiều hơn, xem TV nhiều hơn… bởi có thể chúng sẽ trở nên sáng tạo hơn, độc lập hơn… Nhưng đôi khi con trẻ xem TV vì chúng quá sợ cuộc sống bên ngoài. Như vậy chắc chắn chúng sẽ ít sáng tạo hơn, ít độc lập hơn…
Nhưng điều quan trọng nhất không phải là để con trẻ chơi nhiều, xem TV nhiều hơn hay dựa dẫm vào cha mẹ nhiều hơn, mà vấn đề là giúp chúng tin tưởng vào chính mình, chính năng lực và sức mạnh của bản thân để có thể đạt được thành công.
Thật ra, băn khoăn giữa việc nên cho trẻ chơi hay ép trẻ học chẳng khác nào tìm câu trả lời cho câu hỏi “Xây nhà thì điều gì quan trọng hơn, làm trần hay xây tường?”, bởi hai việc này không thể so sánh với nhau và không thể chọn một.
– Vậy theo ông, những trẻ lớn lên với sự dạy dỗ khắc nghiệt sẽ trưởng thành như thế nào?
– Trẻ con khác bông hoa. Bông hoa là thực vật và ta sẽ biết nó phát triển thế nào trong một điều kiện nhất định. Trẻ con không thế. Việc tiên đoán xem trẻ sẽ trở thành người ra sao khi thụ hưởng một cách giáo dục nào đó là vô cùng khó khăn. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, không ai giống ai.
Tuy nhiên, có một điều có thể biết trước là, nếu thông điệp mà bố mẹ gửi đến con cái là “địa vị xã hội mới quan trọng, còn những thứ khác chỉ vô nghĩa” thì sau này dù trẻ có thể trở nên giàu có và đầy quyền lực, chúng vẫn thấy không ổn khi đứng trước cha mẹ. Còn nếu nhận được thông điệp “hãy làm những việc thực sự có ý nghĩa và giá trị” từ bố mẹ, thì trẻ luôn luôn cố gắng để làm việc chăm chỉ hơn và chúng sẽ cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
– Tôi cũng sinh năm hổ, bằng tuổi Amy Chua. Tôi rất khâm phục cách dạy của mẹ Hổ nhưng không thể làm theo, bởi tôi không đủ năng lực, nghị lực theo đuổi việc đó, và tôi thấy đau lòng khi các con chống đối vì bị bắt làm những điều chúng không muốn. Nếu trong quá trình giáo dục con cái mà gặp phải sự phản kháng thì ông làm thế nào?
– Tôi cũng giống bạn, là không có khả năng thúc ép người khác. Với tôi thì trẻ cần được tự do để phát triển tốt nhất. Tôi chưa có con nên cũng không biết nếu bị các con chống đối thì phải làm thế nào. Nhưng khi bị học sinh phản đối ý kiến, tôi sẽ cố gắng giải thích cho các em hiểu rõ ý của tôi và vì sao tôi lại muốn như thế.
Thật ra, tôi không thể biết học trò hay con cái mình coi trọng điều gì hơn, và không thể bắt chúng phải nghe theo điều tôi nói. Đôi khi, các học trò cũng cố gắng thuyết phục tôi nghe theo chúng, nhưng tôi sẽ không thay đổi nếu thấy chúng không đúng.