Không ít người cho rằng, phép lịch sự là để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng sống với nhau cả đời thì cần gì phải lịch sự nữa. Từ quan niệm như vậy, không ít cặp vợ chồng đã cư xử với nhau thô thiển, suồng sã và từ từ đưa tình yêu đến tan vỡ.
Đã là vợ chồng không cần phải ý tứ?
Trên một số diễn đàn đã có không ít ý kiến than phiền của các bà vợ khi chồng dành quá ít thời gian để tâm sự với mình. Một chị phàn nàn, không có cuộc sống nào buồn tẻ hơn là sống với chồng chị. Đi làm về là anh ấy cứ ngồi im như “bụt mọc”. Chỉ khi nào chị gợi chuyện hỏi thì anh mới cất giọng trả lời. Trong khi, mỗi lần đi chơi với bạn, anh ấy trò chuyện rất rôm rả, chỉ khi về nhà là không nói gì. Dù biết rằng có thể vợ chồng ở với nhau hết năm này sang năm khác thì lấy đâu ra chuyện để nói nhưng cái ý nghĩ rằng anh ấy coi thường mình cứ lớn dần trong chị.
Có chị lại phàn nàn, chồng chị hễ mở miệng là chê bai gia đình vợ một cách tùy tiện và thiếu căn cứ. Chị giận, chị nói lại thì anh bảo: “Anh chỉ vui miệng nói vậy thôi mà, em cứ làm to chuyện”. Nhưng sao mà không to chuyện được bởi sống cùng với nhau trong một nhà, ra đụng vào chạm.
Với vợ chồng chị Ngọc, những cuộc trò chuyện lại đều là những câu móc máy nhau. Tính anh Tuấn rộng rãi, bạn bè vay mượn gì anh đều cho cả, chị không bao giờ tỏ thái độ trực tiếp về việc đó bằng những cuộc nói chuyện thẳng thắn với anh. Thi thoảng có dịp ngồi với nhau chị lại nói bâng quơ với con: “Con lớn lên phải biết khôn ra một chút, chứ đừng có khôn nhà dại chợ, mang của nhà đi biếu người khác”. Nghe câu đó anh cũng móc lại một câu: “Ừ, con cũng nên khôn ra một chút để tránh lấy phải bà vợ lắm mắt, nhiều mồm”… Nói chuyện bâng quơ một hồi, anh hầm hầm bỏ đi, chị cũng sập cửa đùng đùng.
Mặt khác, có không ít ông chồng phàn nàn các bà vợ cư xử không khéo léo trong lời ăn tiếng nói với gia đình bên chồng, dần làm mất đi tình yêu của chồng. Và cũng đã có không ít cặp tan vỡ chỉ vì lý do tế nhị này.
“Lời nói chẳng mất tiền mua”
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, đừng nghĩ đã là vợ chồng thì nói sao cũng được. Trước khi bắt đầu câu chuyện nên nghĩ: nói chuyện gì, có hợp với hoàn cảnh, địa điểm nói hay không, người đối diện mình có quan tâm đến vấn đề ấy hay không. Khi cùng nhau bàn bạc một vấn đề quan trọng hay thậm chí chỉ là những câu tầm phào về đồng nghiệp cơ quan hay chỉ là chuyện qua đường… cũng không bao giờ được quên đặt câu hỏi: “Mình nói chuyện này để làm gì?”. Nếu không, đôi lúc những cuộc trò chuyện lại vô tình làm hai người cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Nhiều cặp vợ chồng cãi vã, mâu thuẫn chỉ vì những câu chuyện không đâu, không cần thiết cho cuộc sống của họ. Và đặc biệt là đừng để thói quen “vui miệng” làm hại tình cảm gia đình.