Nhìn anh u uất, hờn dỗi, chị thấy mình như có tội và thế là chị phải làm cuộc cách mạng: hỏi han, âu yếm, dỗ dành đến khi anh cười mới thôi.
Nhìn thấy mấy anh chàng hóm hỉnh, phơi phới ở cơ quan mà chị Hạ (Đống Đa, Hà Nội) nát lòng khi nghĩ đến anh chồng hay dỗi của mình. Với chị, anh Phước hờn dỗi chẳng kém gì chị em.
Anh hơn chị Hạ 7 tuổi. Ngày chị giới thiệu anh với gia đình, bạn bè, ai cũng khen anh đẹp trai, đàn ông, chững chạc.
Thời yêu nhau, anh rất chiều chuộng và chu đáo với người yêu. Nhìn chung, tính anh nhẹ nhàng, hiền lành, chịu khó, biết lắng nghe trong khi chị là người khá mạnh mẽ, quyết đoán.
Tuy nhiên, nếu như chị không có tính giận hờn của con gái thì anh lại ngược lại. Anh rất hay giận vì những điều nhỏ nhặt mà nếu chị vô ý mắc phải, dù đó chỉ là một câu nói bâng quơ, một cử chỉ vô tình không để ý thì ngay lập tức anh sẽ quy chụp, làm loạn lên hoặc ”im thin thít”… dỗi luôn.
Nếu chị có ra sức gặng hỏi, anh vẫn quyết im lặng tới cả chục ngày để rồi sau đó anh nói tính chị khô khan như đàn ông, thiếu nhạy cảm, thiếu quan tâm đến anh.
Có lần, trong bữa ăn cùng bố mẹ chồng, chị gắp thức ăn mời bố mẹ, không gắp cho anh, anh cũng phụng phịu buông đũa… dỗi không ăn.
Ban đầu nhìn anh giận, chị không nhịn được cười, lúc đó chị thấy anh đáng yêu vô cùng nhưng càng ngày, anh càng làm chị thấy hoang mang tự hỏi chồng mình là đàn ông hay đàn bà? Cách anh hờn giận, chị vừa thấy thương thương, vừa buồn cười, lại có chút bực mình.
Nhìn anh u uất, hờn dỗi, chị thấy mình như có tội và thế là chị phải làm cuộc cách mạng: hỏi han, âu yếm, dỗ dành đến khi anh cười mới thôi.
Một ngày, anh gọi điện nhưng chị bận họp không để ý. Đến khi sờ tới máy điện thoại đã thấy hơn 10 cuộc gọi lỡ của anh. Gọi điện lại, anh không nghe, tối đó 11 giờ anh mới về nhà trong bộ dạng say khướt. Chị lo lắng đứng ngồi không yên.
Gặng hỏi thì anh nói chị hờ hững, không chung thủy. Anh nói: “Em là người đàn bà vô tâm, em có biết rằng cuộc sống và tâm trí của anh luôn xoay quanh mình em?”
Chị bực quá, nói lớn: “Sao anh trẻ con và hay dỗi vặt vậy chứ? Em bận họp chứ em có đi chơi đâu?”
Hậu quả: lần đó anh giận chị hai tuần lễ.
Chị mếu máo tâm sự với người bạn thân, cô nàng cười phá lên: “Bà không biết bọn đàn ông đôi khi như trẻ nhỏ, vợ không chỉ là bạn, là vợ, mà có lúc còn là mẹ nữa đấy”.
Chị hét ầm lên: “Trời đất ơi!”. Chị ấm ức, lẽ ra người được quyền dỗi phải là chị mới phải. Nói nhẹ nhàng, khuyên nhủ, anh vẫn không chịu nghe. Chán nản, chị cũng dỗi lại anh. Kết quả là anh cuống quýt năn nỉ, nhưng khi chị hết giận là anh lại quay ra phụng phịu.
Anh còn tuyên bố tuyệt thực. Chị xót xa ra mặt rồi đành xuống nước dỗ dành, thế là anh lại vui hơn Tết. Chị chép miệng: “Chán chồng thật! Biết thế trước đây mình cũng dỗi cho lão sợ. Giờ dỗi không ăn thua”.
Anh Trung, 34 tuổi (Khâm Thiên, Hà Nội) cũng mắc bệnh “hay dỗi”. Hơi một tí anh lại giận vợ. Cũng bởi lý do, chị Tú – vợ anh cũng ít nhiều chiều chồng nên khi đức lang quân giở “miếng võ” này ra, chị thường “vẫy cờ trắng” cho yên ấm nhà cửa. Tuy nhiên, “con giun xéo mãi cũng quằn”, chịu đựng anh mãi chị cũng chán, chị tìm cách trị lại.
Chị quyết định phớt lờ khi anh dỗi. Trước, mỗi khi anh giận, chị lại ra sức cưng nựng, dỗ dành, anh càng được thể làm tới. Gần đây, mỗi lần như thế, chị mặc kệ, chị cố tình bật tivi hoặc cười khúc khích thật to mỗi khi “tám chuyện” điện thoại với bạn.
Sau mấy ngày, anh không chịu nổi thái độ “vênh vang” của vợ, anh đành thỏ thẻ bắt chuyện trước. Từ hôm đó, anh ít diễn bài “ôm gối ra phòng khác ngủ” hơn.
thuong đã bình luận
chán hẳn với chồng hay dỗi hay nghi ngờ ,ghen tuông,rồi nay thế này mai thế khác ,dỗ dành hơn dỗ con. tôi mệt mỏi vô cùng với công việc ,học hành của 2 con,với một chồng hay dỗi và còn cáu bẳn ,tức bực vô lối,dỗi đến bữa con gọi ,vợ gọi không dậy ăn cơm,nhưng khi mẹ con ăn cơm xong xuống bếp ăn vụng một mình,ăn xong lên nằm dỗi tiếp cao điểm 5 ngày liền như thế , ăn một mình nằm một mình.tôi không xuống nước dỗ dành mãi được,bó tay.
Hà Ngọc đã bình luận
Chồng ơi là chồng, làm chồng cho đáng làm chồng chứ suốt ngày giận rỗi thà chẳng chồng còn hơn.