Chị dặn chồng máy tính hay sạc điện thoại, khi không dùng nữa thì phải rút hết các phích cắm ra cho đỡ tốn điện nhưng lần nào, chồng chị cũng để nguyên, còn biện hộ: “Đáng mấy đồng mà em làm khổ mình khổ người thế!…”
Khổ sở mang tiếng ki
Thời vật giá leo thang, giá trị đồng lương cứ ngày càng “teo” lại khiến chị Yến cứ “bấn” lên vì lo lắng thâm hụt chi tiêu. Chị là tay hòm chìa khóa của gia đình. Dạo này, ngân sách gia đình thâm hụt thấy rõ.
“Hôm nay ăn gì? Tối nay ăn gì? Ăn gì để vừa đủ dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình mà chỉ cần bỏ ra ít tiền nhất?”… Các câu hỏi cứ loạn xạ trong đầu chị mọi lúc, mọi nơi.
Chị còn là thành viên “cứng” của topic “Hôm nay bạn ăn gì, bao nhiêu xiền” trên diễn đàn nọ. Sáng sớm nào chị cũng lọ mọ lên mạng học hỏi các chị em trên đó.
Cầm tiền đi chợ cho cả nhà, nhiều khi chị đứng nghệch giữa chợ không biết tính toán sao cho đủ. Chị than: “Đi chợ một tuần là phát điên luôn!”.
Rồi khi đọc báo thấy xăng tăng, chị lại âu sầu “rồi giá cả hàng hóa lại tăng thôi, đến khổ!”
Dạo này, ngày nào đến cơ quan tâm trạng chị buồn rũ rượi, chị thất thần lo lắng bữa cơm cho bố con nhà nó.
Lương của anh chị không phải là ít, tính ra cũng được gần hơn chục triệu nhưng nhoằng một cái, quyển sổ tiết kiệm của cu Gấu cũng “nằm im thin thít”, chẳng lên được một xu mẻ nào.
Chị loạn đầu nghĩ tới những khoản chi tiêu, nào tiền chợ búa hàng ngày, tiền gas, điện, điện thoại, mạng, tiền biếu bố mẹ hai bên hàng tháng,… Mà anh chị còn may chán là không mất tiền thuê nhà.
Chị nhớ, trước thời hoàng kim, cứ trưa là mấy cô đồng nghiệp lại í ới rủ nhau hết đi xem phim, đi mua sắm, làm đẹp, gội đầu, spa, ăn lẩu… Chị buồn bã: “Ngày ấy giờ còn đâu!”
Cắt giảm đó không thấy rõ ngay, nó thể hiện thầm lặng, từ từ, bằng việc chị khép mình lại, ít tung tăng hơn, ít la cà hơn, do đó, cũng ít nói cười vô tư lự hơn. Mỗi trưa chị lại ngồi gẩy từng hạt trong cặp lồng cơm mang đi.
Cắt giảm thấy rõ là những nỗi lo lắng khi tiền cạn trước kỳ, khi chị phải đối mặt với những khoản chi tiêu ngoài kế hoạch, khi anh Linh – chồng chị bỗng nhiên “em đưa anh ít tiền có việc…”.
Chị Yến ngồi buồn rười rượi nghĩ tới cảnh mấy tháng nữa bé Gấu đi học mẫu giáo, lại tốn lắm đây. Sự rạng ngời, long lanh trong mắt chị tắt dần, thay vào đó là ánh chờ đợi, lo âu, bực bội.
Gom chỗ này một ít, ngắt chỗ kia một ít, tiết kiệm cho chồng cho con, cái toan tính, lo âu trong mắt nhìn, trong dáng vẻ, trong suy nghĩ của người đàn bà làm chị già đi đáng kể.
Rồi mâu thuẫn trong nhà anh chị bùng nổ. Chị tích cóp cho chồng con nhưng anh cứ một mực nói chị ki bo. Giữa cơn thắt lưng buộc bụng đó, một chuyện gì nho nhỏ cũng có thể thổi bùng ngọn lửa lớn.
Anh chị trở thành đối nghịch: người thấy sao việc gì mình cũng phải tính toán, tiết kiệm, mà chồng con thì lại quá vô tư, hoang phí, chẳng hề biết đến bao nhiêu cố gắng của mình, người thì thấy “sống được mấy tí mà ki?”.
Thương cảm vợ “nhặt”
Giữa thời người khôn của khó, gia đình anh Tảo – chị Phúc cũng gặp trục trặc. Dạo này, sáng sáng, chị Phúc dậy sớm nhóm than tổ ong để ninh xương nấu cháo cho bé.
Trước nhà chị dùng gas nhưng sau tính đi tính lại, chị dùng than cho… tiết kiệm. Mùi khói than xộc lên phòng khiến chồng chị đang ngủ phải bật dậy quát vợ.
Chồng chị cũng biết vợ tiết kiệm, anh bảo “muốn làm gì thì làm nhưng muộn muộn hẵng ‘hun chuột’ chứ?”.
Chị thanh minh: “Chờ đến giờ anh dậy thì quá mất bữa của con rồi”. Có hôm, than vừa ửng hồng thì chồng chị vùng dậy, bực mình hắt cả xô nước vào bếp. Thế là chị khóc loạn nhà, dỗi chồng luôn.
“Mình chỉ muốn tiết kiệm trong thời kỳ giá cả leo thang thôi. Tích được đồng nào hay đồng đó, vậy mà anh không hiểu, cứ bảo mình bày trò”, chị nói.
Nhiều lúc đau đầu nghĩ tiết kiệm trong tình hình “siêu bão giá”, chị hay phàn nàn thói quen sinh hoạt hoang phí của chồng.
Chị dặn chồng máy tính hay sạc điện thoại, khi không dùng nữa thì phải rút hết các phích cắm ra cho đỡ tốn điện nhưng lần nào, chồng chị cũng để nguyên, còn biện hộ: “Đáng mấy đồng mà em làm khổ mình khổ người thế! Sợ nhất loại ky bo thế mà mình vớ đúng bà vừa nói nhiều vừa ky”.
Thế là không khí nhà anh chị cũng chẳng thuận buồm xuôi gió chút nào…
luyến đã bình luận
mình cũng lo lắm không biết làm thế nào bây giờ, may ở với bố mẹ