Hỏi: Cháu 14 tuổi học lớp 8, lúc trước cháu học bài thuộc rất nhanh và nhớ rất lâu nhưng gần đây cháu học không còn nhanh như trước nữa mà đầu óc thì lúc nào cũng cảm thấy trống không và có lúc thì lại rất nặng, cháu phải làm sao bây giờ gần đến ngày thi rồi! Hãy giúp cháu với! Cháu xin cảm ơn!
Trả lời: Trước hết Bác sĩ xin cảm ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi những khó khăn của mình, và chúng tôi cũng hy vọng có thể cùng bạn vượt qua những vấn đề của lứa tuổi dậy thì.
Tâm lý của tuổi dậy thì là một tâm trạng không lấy gì làm dễ chịu. Các bạn trẻ lúc này thường lơ đễnh, thiếu tập trung, kết quả học tập nhiều lúc giảm đi. Tâm trạng khá thất thường: Đang nóng nảy, phóng túng bỗng trở nên nhút nhát, ủy mị. Tính khí cũng đa dạng: Lòng tự tin rất cao, thích làm mọi người ngạc nhiên, nhưng cũng rất dễ buồn vì những lý do ít ai hiểu nổi. Họ bướng bỉnh ở nhà cũng như ở trường, tỏ ra rất khó dạy dỗ.
Để giúp cho việc học tập đạt kết quả tốt, bạn có bao giờ nghĩ đến việc tạo cho mình một không gian riêng để học tập? Một môi trường học thoải mái sẽ đem lại cho bạn sự hứng thú, khả năng tư duy, sáng tạo và tưởng tượng cao hơn hẳn một không gian bừa bãi, tối tăm và ngột ngạt đó bạn.
Đối với các bạn, dù có đang học ở phổ thông hay đại học thì cũng đều phải tạo cho mình một không gian hay nói khác đi là một môi trường thoải mái để bạn có thể học tập một cách tốt nhất. Còn môi trường đó thế nào thì do bản thân mỗi người.
Khu vực học tập thoải mái
Hãy sắp xếp một góc học tập thật “ấn tượng” để bạn có thể dễ dàng tìm kiếm công cụ học tập cho mình. Khu cửa sổ luôn được chọn là mảnh đất tốt cho chiếc bàn học. Ở đây có đầy đủ ánh sáng, khí trời – tự nhiên hơn hẳn thứ ánh sáng của chiếc đèn bàn cùng những luồng gió phát ra từ chiếc quạt điện. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi thì có thể thơ thẩn qua ô cửa sổ, điều đó cũng sẽ giúp bạn thư giãn, xả hơi nhanh và hiệu quả lắm đó.
Không cần quá gọn gàng nhưng cũng không quá bừa bộn với “địa hạt” của mình. Điều này tùy thuộc vào thói quen của mỗi người. Các bạn cứ làm thế nào cho thoải mái, tiện lợi với mình nhất là được.
Bạn cũng đừng quên sắm cho mình một chiếc đèn bàn nhé. Ánh sáng của chiếc đèn sẽ giúp bạn tập trung nhiều lắm đấy. Theo kinh nghiệm của nhiều người, những đồ vật dễ thương với màu sắc bạn ưa thích cũng làm cho không gian thêm sinh động hơn, cuốn hút bạn hơn và giúp bạn có sáng tạo, tưởng tưởng tốt hơn. Còn chờ gì mà không làm ngay?
Và cách học của bạn
Không phải cứ học nhiều là tốt. Không phải cứ lăm lăm cầm trên tay cuốn sách là sẽ thuộc bài, sẽ học giỏi. Cách học mới là điều quyết định cho bạn. Các bạn nên tập trung khi học bài, học theo chiều sâu, có ghi chép, kiểm tra trong lúc học. Tạo cho mình thói quen trả lời câu hỏi, ghi lại những nội dung chính mình vừa học để có thể nhớ ngay và nhớ lâu.
Trong khi học, các bạn đừng quá căng thẳng, đừng chỉ tập trung vào học không thôi, nó sẽ làm cho bạn mệt mỏi, tiếp thu không được nhiều. Khi học, bạn có thể nghe nhạc nhẹ nhàng, đi lại hay làm một việc gì đó tương tự để đầu óc thoải mái, biết đâu học sẽ nhanh hơn nhiều.
Bạn cũng không nhất thiết cứ ngồi trong “góc” học tập của mình. Bất cứ chỗ nào bạn cho là mình có thể học tốt hơn thì đừng ngần ngại lựa chọn. Thay đổi chỗ ngồi trong chốc lát cũng là một cách tránh sự nhàm chán và tạo ra được sự thích thú đối với bản thân. Trong những không gian lý tưởng, các bạn vừa có thể học vừa có thể thư giãn thì cũng đừng nên bỏ qua nhé.
Môi trường học có quyết định không nhỏ đối với cách học và tiếp thu bài của các bạn. Mỗi người đều có một thói quen riêng góp phần hình thành môi trường cho riêng mình. Hơn bất cứ ai, chính các bạn mới là người biết rõ điều gì và môi trường như thế nào là phù hợp với bản thân mình để có những cách sắp xếp và điều chỉnh sao cho hợp lý. Ngoài ra, khi các bạn có một môi trường học lý tưởng thì cũng đừng quên sưu tầm cho mình những phương pháp học sao cho thật hiệu quả nhất. Các phương pháp làm việc tập trung, cách ghi nhớ bài học hay cách nào đó của riêng các bạn sẽ là những điều cần thiết cho khởi đầu của sự thành công. Các bạn hãy có những sáng tạo mới mẻ và thú vị cho không gian riêng của mình để có một môi trường học hiểu quả nhé.
Tránh những cơn stress
– Thế nào là stress?
Các dấu hiệu của stress bao gồm những bất bình thường về thể chất, thần kinh và quan hệ xã hội. Cụ thể là sự kiệt sức, tự dưng thèm ăn hoặc bỏ ăn, đau đầu, khóc, mất ngủ hoặc là ngủ quên. Ngoài ra, tìm đến rượu, thuốc, hoặc những biểu hiện khó chịu khác cũng là những dấu hiệu của stress. Stress còn đi kèm với cảm giác bất an, giận dữ, hoặc sợ hãi.
– Nếu cảm thấy stress ảnh hưởng đến học tập của bạn thì hãy tìm cách giải tỏa nó:
Nghỉ ngơi, thư giãn, tặng cho bản thân một thời gian nghỉ ngắn mỗi ngày.
Đừng để tâm đến những việc lặt vặt: Việc nào thật sự quan trọng thì làm trước, và gạt những việc linh tinh sang một bên.
Thử thay đối cách bạn thường phản ứng nhưng hãy thay đổi từ từ, và có chọn lọc, từng bước một. Tập trung giải quyết một khó khăn nào đó và thử thay đổi cách bạn phản ứng trước khó khăn đó.
Tránh những phản ứng thái quá
- Tại sao lại phải “Ghét” khi mà “Một chút xíu không thích” là ổn rồi?
- Tại sao lại phải “lo cuống lên” khi mà “hơi lo một tẹo” là được?
- Tại sao phải “Giận sôi người” khi mà “hơi giận một chút” đã đủ độ?
- Tại sao phải “đau khổ tột cùng khi mà bạn chỉ cần “buồn một tẹo”?
- Hãy làm điều gì đó cho những người khác để giúp đầu óc bạn nghỉ ngơi một lát, không phải nghĩ liên tục về những phiền muộn của mình.
- Học cách thư giãn: Xoa bóp và những bài tập thở thư giãn rất hữu dụng để kiếm soát stress. Những thư giãn như vậy giúp xoa bớt ưu phiền khỏi tâm trí của bạn.
Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ phần nào giúp bạn tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để tập trung học tập tốt”.
Chúc bạn có những kỳ thi đạt kết quả tốt!