Cuộc sống hiện đại tạo cơ hội cho những người vợ tập trung nhiều thời gian hơn cho công việc. Gánh nặng công việc gia đình được sẻ chia với người chồng.
Hạnh phúc vì chồng đảm
Sau một thời gian sinh và chăm con, chị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) được tuyển dụng vào làm tín dụng tại một ngân hàng thương mại ở quận Hoàn Kiếm. Do yêu cầu của công việc, chị phải dậy sớm từ 6 giờ sáng để đi làm và chỉ trở về nhà sau 8 giờ tối.
Thời gian dành cho công việc cơ quan của chị khá dài. Đồng thời, sức ép trên cơ quan cũng rất nặng nề khiến chị Huyền phải tập trung nhiều sức lực để hoàn thành tốt công việc của mình.
Anh Dũng, chồng chị làm freelance về thiết kế. Cũng muốn tạo điều kiện cho vợ phát triển, anh quyết định dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Công việc không bị gò bó vào thời gian cố định khiến anh thoải mái với việc chăm lo cho đứa con nhỏ hơn một tuổi và làm các công việc lặt vặt trong gia đình.
Mỗi sáng, anh đều cố gắng dậy sớm hơn vợ để đi chợ cho cả ngày, nấu ăn sáng cho vợ đi làm sớm, rồi chuẩn bị cháo loãng cho thằng Bi. Mọi việc như: cho con ăn, thay tã, giặt giũ đồ cho cả nhà, anh đều phải tự tay làm. Giờ đây, anh đóng vai trò vừa là người cha vừa là mẹ để chăm sóc cho con.
Anh nói: “Cũng vì muốn có kinh tế mà vợ phải làm công việc vất vả. Vợ đi làm đã đủ mệt nên tôi cố gắng hoàn thành đầy đủ các việc nhà để cô ấy về đỡ phải mó tay vào”.
Công việc nội trợ của anh ngày nào cũng giống ngày nào. Khi con ngủ, anh mới có thời gian mó tay làm việc của mình.
Cũng có lúc, bạn bè khích bác chuyện anh làm chồng kiêm ôsin trong nhà. Những lúc ấy, anh khá buồn. Sau rồi, anh nói với họ: “Nếu vợ các cậu có được công việc thu nhập đủ để lo cho tương lai của các con thì các cậu sẽ phải suy nghĩ lại. Thêm vào đó, các cậu chỉ nghĩ cho bản thân. Họ là phụ nữ, đẻ xong nếu chẳng ai tạo điều kiện sẽ suốt ngày loanh quanh ở trong bếp, các cậu có thích không?”.
Trước lời nói đó, bạn bè không còn châm chọc anh nữa.
Chị Huyền càng ngày càng thấy hạnh phúc vì lấy được người chồng vừa đảm đang vừa tâm lý. Mỗi lúc bị stress do sức ép của công việc, chị bước chân về nhà, trông thấy hai bố con, mọi mệt mỏi của chị dường như tan biến.
Lên kế hoạch “luyện chồng”
Từ ngày lấy chồng, được ở riêng, Thanh luôn tất tả bận rộn đi làm rồi lo việc nhà. Chiều nào tan sở, chị cũng sấp ngửa phóng xe về rồi bận bịu với cơm dẻo, canh nóng và chỉ mong chồng đi làm về đúng giờ.
Nhưng hôm nào cũng vậy, anh Quang đều ở lại cơ quan để chơi game, xem bóng đá trên mạng, có khi thì làm vài séc cầu lông, nốc vài cốc bia…
Đến khi bầu bí rồi có con mọn, chồng chị vẫn thế, chẳng giúp gì gia đình vì được vợ chăm chút quen rồi, ngại động tay động chân làm việc nhà. Chị nhờ trông con một lát để lên tầng 3 cất quần áo thì ở dưới, chồng đã í ới: “Vợ ơi, vợ ời”.
Có hôm chị vừa đi tới chợ thì điện thoại của chồng đã réo rắt gọi vì: “Con khóc rồi, về thay quần cho con đi em”…
Quyết tâm giao việc cho chồng nên ban đầu, chị dùng chiêu “giả ốm”. Thấy vợ ốm, anh Quang cũng “biết điều” lắm. Ăn xong, anh chủ động bưng mâm, rửa bát.
Sau đó còn lấy hoa quả cho vợ ăn rồi lau bàn, đổ rác, dỗ con ngủ… Chị cảm động và biết chồng không phải lười biếng, vô trách nhiệm, chẳng qua được vợ làm cho hết nên sinh lười. Hoa giả ốm được ít ngày thì chồng lại trở về “trạng thái” ngại việc như cũ.
Rồi chị lần lượt tung các chiêu. Nhiều việc có thể làm được và biết cách làm nhưng chị vẫn vờ như kém “chuyên môn”. Mục đích là để chồng được thể hiện rồi dần dần đưa vào… lao động cho quen.
Anh làm gì, chị cũng nức nở khen. Anh Quang sướng rung rinh và liên tiếp thực hành cho vợ “biết mặt”.
Thanh bảo nhờ “kế” này mà chồng chị sướng nên chủ động làm vài việc như cắm cơm, lau nhà, ấn nút máy giặt… Bình thường, nếu chị phân công rạch ròi, bảo chồng phải làm cái này, cái kia thì thể nào chồng cũng: “Biết rồi, cứ để đấy” rồi tảng lờ luôn mà chẳng bao giờ thèm làm.