Khi đi du lịch tới Hạ Long, Sầm Sơn (Thanh Hóa) hay Vũng Tàu… hoặc những địa danh du lịch nổi tiếng “chặt chém” khác, mỗi du khách cần nằm lòng những điều cần lưu ý sau:
Đừng chứng tỏ mình là khách du lịch
Có thể bạn đã nghe thấy lời khuyên này trước đây: Đừng tỏ vẻ mình là khách du lịch. Điều này khiến bạn dễ bị chú ý một cách không mong muốn và trở thành nạn nhân bị chặt chém.
Một người bạn của tôi đã chỉ cho tôi cách mua hoa quả rẻ tại các nơi mà mình không quen biết, hay các cổng trường, bệnh viên,… Bạn tôi nói: Những người bán hàng rong thường sử dụng “cân điêu” nhưng có một cách đơn giản, khá dễ dàng mà bạn có thể áp dụng trong bất cứ trường hợp nào. Ví dụ, người mua chỉ cần răn đe, giả vờ nói: “Nhà tôi ở bên đường, anh/chị cân cho đúng, tôi mang về cân lại nếu thiếu tôi đem trả”. Như vậy, ngay lập tức người bán có thể sẽ trừ đi 2 lạng hiển thị trên cân cho khách hàng, ví dụ thay vì 8 lạng thì bạn chỉ phải trả tiền 6 lạng.
Do đó, bạn hãy tỏ vẻ bạn biết rõ nơi này, hoặc thể hiện như định đến thăm ai đó ở nơi bạn cần đến. Đặc biệt, bạn không nên tiết lộ thông tin cá nhân để tránh bị lợi dụng. Bạn có thể chụp ảnh nhà hàng đó, biển số xe đó, ảnh người đó… để đề phòng trường hợp bị lừa.
Tìm hiểu kĩ thông tin, tránh “điểm đen” du lịch
Trên một diễn đàn trực tuyến, anh Nguyễn Hùng (ở Hà Nội) kể về nỗi khốn khổ của cả gia đình khi đi du lịch ở “bãi chém” Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Tại đây, gia đình anh rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì những chiêu trò “chặt chém” và móc túi du khách của người dân địa phương.
Anh Hùng kể: Khi gia đình được một người dân chào mời sử dụng dịch vụ cưỡi ngựa với giá 200 ngàn đồng/tiếng, vì các con thích quá nên anh đã đồng ý. Khi cưỡi xong, cậu dắt ngựa trở mặt cho biết lúc đầu thì tính theo giờ nhưng cưỡi xong lại tính theo bước chân! Và giá mỗi bước chân ngựa là 10 ngàn đồng, tuy nhiên không phải thế là xong chuyện. Cậu này đòi nhân lên 4 lần cho mỗi lần ngựa bước bởi ngựa có… 4 chân!
“Kết cục, chúng tôi phải trả 500 ngàn đồng”, anh Hùng hậm hực kể lại.
Vì thế, cảnh báo tốt nhất cho các gia đình nếu đi du lịch thì nên tìm hiểu thật kĩ thông tin, xin kinh nghiệm để né tránh những chiêu đưa khách vào tròng một cách bài bản, chuyên nghiệp của người dân các khu du lịch.
Biết cách trả giá rõ ràng
Có rất nhiều trường hợp, khách hàng đã ý thức được việc phải trả giá trước nhưng vẫn bị “há miệng mắc quai”.
Như gia đình chị Trần Tuyết Hoa (ở Hà Nội) trong chuyến đi du lịch Vũng Tàu, khi gọi một nồi lẩu cá được báo giá 150 ngàn đồng nhưng cuối cùng chị phải trả 500 ngàn đồng vì nhân viên nhà hàng giải thích 150 ngàn đồng là nước lẩu, còn cá và rau là 350 ngàn đồng!
Trên một diễn đàn online, một thành viên đưa ra tình huống “khó tin” đã từng gặp phải ở Sầm Sơn (Thanh Hóa): “Tôi mua dừa và hỏi giá thì người bán nói là 100.000 đồng/quả. Để chắc chắn, tôi mặc cả 30.000 đồng vì đó là giá chung. Họ đồng ý nên tôi dùng 2 quả. Khi thanh toán họ thản nhiên bảo tôi phải trả 130.000 đồng. Tôi thắc mắc thì họ giải thích do tôi chỉ mặc cả quả đầu tiên”.
Một thành viên khác chia sẻ: “Mình đi ăn đồ hải sản, đã mặc cả rõ ràng nhưng đến lúc thanh toán họ đòi thêm mấy trăm ngàn tiền tương ớt, gia vị… ”, thậm chí có thành viên còn bị đòi thêm tiền dọn rác với giá “trên trời” sau khi ăn uống tại một nhà hàng.
Chính vì việc không thể biết mình sẽ bị “móc hầu bao” kiểu gì nên một số du khách đành phải thực hiện phương kế vô cùng sòng phẳng là sau khi mặc cả thì bắt chủ quán viết ra giấy ký tên.
Không đi theo “cò”
Giúp sức để chủ quán “chặt chém” du khách là lực lượng “cò” mồi chài quán ăn rất đông đảo. Từ “cò” chạy xe máy đến “cò” chạy taxi dùng đủ mánh để chèo kéo khi các quán ăn sẵn sàng chơi đẹp bằng hoa hồng 20-30% số tiền móc túi khách cho “cò”.
Một số nguồn tin cho biết: Dọc đường Thùy Vân, Hoàng Hoa Thám (Vũng Tàu), lực lượng “cò” đi xe máy lên đến hàng chục người. Mỗi ngày một “cò” có thể kiếm được ít nhất 1 triệu đồng, có ngày lên tới 3 – 4 triệu đồng, những ngày nghỉ lễ, số tiền còn tăng hơn nữa.
“Cò” Liêm của quán Hưng Phát 2 cho biết công việc của các “cò” là cầm một xấp tờ rơi của quán ăn Hưng Phát 2, kèm theo giá cả các món ăn rồi dụ khách vào quán. Các món ăn trên tờ quảng cáo ghi giá khá mềm để khách không bị choáng. Khi khách chịu vào, nhân viên quán “gài” ăn những món sang như lẩu hải sản, lẩu cá, tôm…
Bà Hương, chủ quán Như Ý, cho biết sẵn sàng chi 20% cho “cò” chạy xe máy dẫn khách tới quán: “Nếu khách ăn 10 triệu đồng, cò sẽ được 2 triệu đồng”. Còn các “cò” chạy taxi giới thiệu được nhiều khách dễ tính nên hoa hồng được hưởng cao hơn.
Những chiếc “máy chém” này luôn làm hãi hùng khách du lịch, vì vậy, tốt nhất là bạn nên sử dụng các dịch vụ hợp pháp, đáng tin và có thương hiệu và khi đi du lịch, bạn nên hỏi thăm bạn bè hoặc tìm kiếm trên internet những địa điểm nổi tiếng, những quán ăn ngon được nhiều du khách yêu thích, bình chọn. Nếu không, khi tới khách sạn, nơi bạn lưu trú, bạn có thể hỏi thăm thông tin tại lễ tân khách sạn, nơi bạn ở, họ sẽ cung cấp những thông tin thiết thực nhất cho bạn.
Biết rõ nơi mình cần đến
Biết rõ nơi mình cần đến là cách tối ưu nhất để đối phó với nạn “chặt chém” khi đi taxi.
Bạn có thể mang theo một tấm bản đồ địa phương và theo sát tuyến đường bạn đang đi, đề phòng trường hợp gặp phải những taxi không trung thực.
Khi biết rõ hành trình, bạn sẽ tránh bị đưa đi lòng vòng hoặc bị hiểu nhầm. Bạn nên tỏ vẻ biết đường và những điểm mốc nổi bật trên suốt quãng đường.
Cần có số điện thoại làm “bùa hộ thân”
Khách du lịch thường là mục tiêu bị “chặt chém” hoặc áp thêm các mức phí vô lý. Ngoài ra, du khách cũng có nguy cơ bị cướp, bắt cóc hoặc quấy rối tình dục. Vì vậy, cần kiểm tra thông tin về tình hình an ninh từ lúc lên kế hoạch du lịch thông qua các sách hướng dẫn du lịch, trên mạng hay qua các cảnh báo của chính phủ, việc đề phòng nguy cơ rình rập sẽ giúp bạn tránh gặp rắc rối thực sự.
Những số điện thoại khẩn cấp là “bùa hộ thân” mà chúng ta luôn cần có bất kể đi du lịch tới nơi nào. Bạn có thể viết vào một mảnh giấy hoặc lưu vào di động của bạn những số điện thoại của: Cảnh sát khu vực; Dịch vụ hỗ trợ khách du lịch (nếu có); Khách sạn nơi bạn trọ….
1001 cách đối phó với nạn “chặt chém”
Đối phó với nạn “chặt chém” của nhà nghỉ ở Vũng Tàu, nhiều du khách chọn giải pháp thuê dù, ghế bố ngủ qua đêm ở những khu đất trống.
Nhiều gia đình mang theo cả đồ ăn, thức uống hoặc mua hải sản tại vựa rồi thuê chế biến tại chỗ. “Mua hải sản tại vựa và thuê chế biến vừa ngon, rẻ lại không lo bị chặt chém” – chị Phượng cùng gia đình đến từ TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, dân sành du lịch cũng cho biết: Không nên đeo quá nhiều tư trang khiến các nhà hàng, khách sạn hoặc nơi cung cấp dịch vụ nghĩ mình có nhiều tiền, từ đó, thỏa sức “chặt chém”.
Nếu mang theo nhiều tiền, bạn cũng nên chia ra nhiều nơi cất trong người và túi xách, phòng khi mất cắp vẫn đủ tài chính để xoay xở. Tốt nhất nên mang theo các loại thẻ ngân hàng, chỉ mang một ít tiền mặt để tiêu dùng cá nhân và mua sắm, ăn uống.
Như vậy, định lượng được mức chi tiêu của mình, mang ít tiền cũng giúp bạn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định mua, sắm, tránh tình trạng bị “chặt chém”.