Khả năng giao tiếp và tinh thần tập thể là những yếu tố rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì thế mà ngoài việc cho trẻ chơi một mình thì phụ huynh cũng cần khuyến khích trẻ cùng chơi với các bạn và tạo những điều kiện thuận lợi để các bé có thể chơi cùng nhau một cách tự do, thoải mái và an toàn.
Khi trẻ chơi một mình
Trong giai đoạn này, trẻ luôn mong muốn được vận động độc lập. Đôi khi bạn nên cho trẻ chơi một mình để giúp trẻ hình thành những khả năng tự lập, tư duy, tưởng tượng và sáng tạo độc lập, khả năng tập trung chú ý… Bạn có thể để trẻ chơi riêng, nhưng hãy chú ý quan sát các hoạt động của trẻ để đảm bảo an toàn.
Những hoạt động thích hợp để trẻ chơi một mình:
– Tô màu, viết chữ và vẽ tranh: Bạn hãy chuẩn bị cho trẻ những loại bút chì, bút màu, màu sáp…không độc tính. Hãy để trẻ tô màu và viết chữ thoải mái, tự do ở một nơi yên tĩnh. Bạn nên hướng dẫn trẻ một vài thao tác cơ bản và làm mẫu trước khi để trẻ chơi một mình.
– Làm thủ công: Nếu để trẻ chơi một mình, bạn hãy chọn các dụng cụ làm các đồ thủ công đơn giản và an toàn như: keo dán, giấy màu, băng keo… Hãy để bé tự do xé và dán bằng tay, không nên cho trẻ dùng dao và kéo để đảm bảo an toàn. Bạn cũng có thể để trẻ một mình chơi các trò nặn đất, xếp hình, ghép hình…
– Chơi cùng sách báo: Hãy mua cho trẻ những cuốn truyện, cuốn sách có bìa cứng, nhựa dẻo, chắc chắn để có thể chịu được khi trẻ nhai, xé, ném… Vì trẻ chưa biết đọc nên chủ yếu chỉ xem hình vẽ nên hãy chọn cho trẻ những cuốn sách có hình minh hoạ thực tế, ảnh chụp lớn, sáng và rõ ràng.
– Chơi đồ chơi: Nếu trẻ chơi một mình hãy chọn cho trẻ những đồ chơi trẻ yêu thích nhất. Chú ý lựa chọn đồ chơi an toàn để không gây nguy hiểm cho trẻ.
Cùng chơi với các bạn
Tinh thần tập thể và khả năng giao tiếp là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, ngoài những lúc trẻ chơi một mình, bạn hãy khuyến khích trẻ cùng chơi với các bạn và tạo những điều kiện thuận lợi để các trẻ có thể chơi cùng nhau một cách tự do, thoải mái và an toàn. Những trò chơi này sẽ giúp trẻ hiểu được người khác, gần gũi, thân thiện với môi trường xung quanh. Khả năng giao tiếp của trẻ cũng được tăng cường, trẻ sẽ biết tôn trọng, chia sẻ, nhường nhịn người khác thông qua các trò chơi.
Các trò chơi theo nhóm
– Bịt mắt bắt dê: Hãy chọn một không gian sạch sẽ, an toàn, không có vật cản và tổ chức cho các trẻ chơi cùng nhau. Luật chơi đơn giản: cho các trẻ cùng oẳn tù tì, ai thua sẽ phải bịt mắt lại và đuổi bắt các bạn.
– Nu na nu nống: Trò này rất đơn giản, vì bạn chỉ cần chọn một không gian sạch sẽ và yên tĩnh để trẻ ngồi là được. Bạn nên dạy các trẻ bài đồng ca “nu na nu nống” rồi để các trẻ tự chơi với nhau.
– Chơi đồ hàng: Một không gian rộng để các trẻ bày đồ chơi và đi lại thoải mái là cần thiết khi bạn tổ chức cho các bé chơi đồ hàng. Trong không gian ấy, các trẻ sẽ đóng vai diễn viên, ca sĩ…, những người lớn thân thuộc với trẻ như: bố, mẹ, ông, bà… vào các vai bác sĩ, cô giáo, người bán hàng, người mua hàng…
– Tìm báu vật: Bạn hãy cất giấu trong phòng các đồ vật nhỏ như: gấu bông, bóng, ô tô… rồi tổ chức cho các trẻ đi tìm xem ai tìm được nhiều đồ vật nhất. Người thắng cuộc sẽ được thưởng.
Chú ý khi tổ chức chơi các trò tập thể
– Nên chú ý giám sát khi trẻ chơi với nhau.
– Khi trẻ và các bạn chơi mâu thuẫn với nhau, bạn làm gương cho trẻ bằng cách: giúp các trẻ giải quyết các mâu thuẫn đó với thái độ ôn hoà, mềm mỏng. Bạn cũng nên đối xử công bằng, không nên thiên vị, sẽ gây nên tị nạnh, tranh chấp giữa các trẻ.
– Không nên để trẻ chơi với các bạn trong thời gian quá lâu. Thời gian chơi nên chia nhỏ theo ngày, tuần vì chơi với nhau quá lâu các trẻ dễ nảy sinh mâu thuẫn.
– Nếu trẻ không thể và không muốn tham gia các trò chơi tập thể, bạn cũng không nên lo lắng. Bạn hãy kiên nhẫn, khuyến khích trẻ từ từ tham gia vào các trò chơi khác hoặc cho trẻ chơi những trò mà trẻ thích nhất.
– Bạn hãy chọn cho trẻ những trò chơi có quy tắc chơi đơn giản, không mất nhiều thời gian và thích hợp với lứa tuổi của trẻ.