Hiện nay, các loại TV màn hình phẳng như LCD, LED có khuôn hình chuẩn HD đang được tiêu thụ mạnh và được sử dụng phổ biến tại các thành phố lớn của Việt Nam, nhưng người tiêu dùng, vì nhiều lý do, vẫn chưa thể xem được truyền hình HD vốn được phát triển để phù hợp với những TV đời mới này.
Để lấy lòng bố mẹ vợ tương lai, anh Lê Thành Trung ở Hoàng Mai (Hà Nội) mua tặng chiếc TV LCD 32 inch tỷ lệ 16:9 thay cho hệ thống CRT cũ nhưng lại bị chê vì hình ảnh bị kéo giãn “trông cứ bè bè”. Nếu thu về tỷ lệ 4:3 thì diện tích hiển thị bị giảm đi khá nhiều, chưa kể hai sọc đen bên cạnh màn hình trông rất khó chịu. Đây là tình trạng chung mà rất nhiều người tiêu dùng đang gặp phải.
Những ưu điểm của HDTV đang không được khai thác hết do nội dung HD còn đắt đỏ.
Truyền hình tiêu chuẩn (SD) vốn được phát triển cho màn hình 4:3 ở thời TV dùng bóng đèn hình thịnh hành. Nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, ít ai còn mua TV CRT. Một số trung tâm điện tử điện máy cho biết số lượng TV LCD được bán ra chiếm 50%, TV LED chiếm 35-40%, phần còn lại là một số thể loại công nghệ khác như Plasma, 3D, SmartTV, CRT… Đây đa phần là những TV có khuôn hình 16:9 và độ phân giải HD-ready (720p) hoặc Full HD.
Với sự phổ biến của HDTV thì xu hướng xem truyền hình HD được coi là tất yếu bởi khả năng mang đến hình ảnh và âm thanh chất lượng cao. Hơn nữa, 16:9 được đánh giá là phù hợp nhất với thị giác. Tuy nhiên, nhiều người không thể khai thác hết ưu thế của các dòng TV này khi họ mua máy chỉ để xem nội dung có độ phân giải tiêu chuẩn SD.
Có nhiều lý do để người sở hữu HDTV không mua gói dịch vụ HD vì truyền hình HD không phát miễn phí, khả năng tự sản xuất chương trình HD nội địa còn hạn chế và số lượng kênh chưa đủ nhiều để đáp ứng nhu cầu (hoặc chi phí thuê bao sẽ rất đắt). Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam như HTVC, SCTV, VTC, K+… và mới nhất là AVG đều tung ra các gói cước có kênh HD cùng những chiêu khuyến mãi giá rẻ. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa “đủ rẻ” để người sử dụng xóa bỏ tâm lý ngại phải chi thêm một khoản tiền hàng tháng cho truyền hình HD, chưa kể chuyện đầu tư khoản tiền không nhỏ để mua đầu thu. Hiện cước thuê bao hàng tháng của các nhà cung cấp dao động từ 138.000 đồng đến 275.000 đồng. AVG tung ra gói cước 88.000 đồng mỗi tháng (đã được đánh giá là khá mềm so với những dịch vụ khác) nhưng khách hàng mới chỉ tiếp cận được 5 kênh HD với truyền hình số mặt đất (DTT) và 7 kênh HD với truyền hình số vệ tinh (DTH) trong tổng số 66 kênh của họ.
Đây cũng là tình trạng chung ở bất cứ lĩnh vực nào và bất cứ quốc gia nào trong giai đoạn chuyển giao công nghệ. Theo công ty Screen Digest, truyền hình HD bắt đầu bùng nổ trên thế giới năm 2003 và tính tới đầu 2006 có 12 nước phát truyền hình độ phân giải cao. Họ cũng gặp phải tình trạng đối lập giữa tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường HDTV và số thuê bao nội dung HD. Ví dụ, năm 2007, ở châu Âu đã có tới 30 triệu hộ trang bị TV độ nét cao nhưng mới chỉ có 1,2 triệu thuê bao truyền hình HD.
Có một thực tế nữa là thu nhập của người dân VN, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vẫn thấp nên lượng tiêu thụ của TV CRT mới chỉ giảm 10% mỗi năm (còn trên thế giới là 30-40%/năm), do đó nhu cầu về truyền hình SD trên cả nước vẫn rất cao, dẫn đến việc đầu tư sản xuất chương trình HD chưa được chú trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dự kiến trong 5 năm tới, TV CRT có khả năng tuyệt chủng và lúc này, các chương trình HD đã xuất hiện nhiều với giá cước rẻ hơn sẽ đảm bảo cho sự phổ biến của nội dung độ phân giải cao.