Đối với trẻ chậm phát triển tâm thần, các kỹ năng như: vận động, chơi, giao tiếp, tương tác xã hội và đôi khi ảnh hưởng đến hành vi, khả năng tự lập… thường chậm phát triển hơn.
Theo y học, chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là nhóm bệnh lý do nhiều nguyên nhân khác nhau, có biểu hiện lâm sàng giống nhau, thể hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh, hay mắc phải trong những năm đầu thời kì thơ ấu của trẻ. Trẻ chậm phát triển tâm thần thường chậm phát triển trong các kỹ năng như: vận động, chơi, giao tiếp, tương tác xã hội và đôi khi ảnh hưởng đến hành vi, khả năng tự lập.
Tiêu chí đánh giá trẻ CPTTT
Theo tổ chức y tế Thế giới, để đánh giá sự chậm phát triển tâm thần của trẻ cần dựa trên 2 nhóm yếu tố:
– Mức độ hoạt động trí tuệ suy giảm: đánh giá mức độ trí tuệ qua các test trí tuệ đã được chuẩn hoá.
– Suy giảm khả năng thích ứng với các yêu cầu hàng ngày của môi trường xã hội bình thường.
Mức độ CPTTT được xác định dựa trên đặc điểm lâm sàng và thương số trí tuệ như sau:
– CPTTT nhẹ: 50 ≤IQ ≤ 69
– CPTTT trung bình: 35 ≤IQ ≤ 49
– CPTTT nặng: 20 ≤IQ ≤ 34
– CPTTT trầm trọng: IQ < 20
Những biểu hiện cụ thể
Ở giai đoạn phát triển đầu đời: Trẻ CPTTT có biểu hiện không lật được khi 7 tháng, không ngồi được một mình lúc 10 tháng, không đứng chững khi được 14 tháng, chậm biết đi, khó khăn khi sử dụng ngón trỏ khi 15 tháng, chậm biết nói so với trẻ cùng lứa tuổi, phát âm khó khăn, chỉ nói bập bẹ được các âm đơn giản, rời rạc…
Ở giai đoạn đi học: Trẻ học hành, tiếp thu chậm, phần lớn trẻ không theo học được, không biết đọc, không biết viết, không biết làm các phép tính đơn giản. Đa số trẻ CPTTT ở dạng nhẹ không được gia đình, nhà trường nhận ra là bị bệnh, mà trẻ thường bị cho là lười biếng, nhác học, khó bảo. Vì thế, họ thường rầy la, mắng mỏ trẻ, nhưng chính như vậy sẽ làm cho biểu hiện bệnh lý của trẻ tăng lên. Cha mẹ và thầy cô nên hiểu được vấn đề này, cộng với sự hiểu rõ những điểm mạnh, hay điểm yếu của trẻ để giúp trẻ phát triển tốt những khả năng có thể của mình.
Trẻ chậm phát triển tâm thần thường thích chơi với người khác, nhưng lại không biết thể hiện điều đó ra bên ngoài, hay chính xác hơn là trẻ không biết phải chơi như thế nào cho đúng.
Nguyên nhân
Theo các nhà nghiên cứu, có các nguyên nhân sau dẫn đến việc trẻ CPTTT:
– Trước khi mang thai: các yếu tố di truyền và tình trạng sức khoẻ của người bố và người mẹ. Cộng thêm yếu tố tuổi của người mẹ khi mang thai cao quá cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh Down, một nguyên nhân chính của CPTTT.
– Trong quá trình mang thai: tình trạng sức khoẻ của người mẹ không tốt, nhiễm khuẩn, nhiễm virut, suy thai, động thai, não úng thuỷ…
– Trong quá trình sinh đẻ: các can thiệp, tai biến sản khoa như ngạt, forcept, giác hút….
– Trong giai đoạn phát triển thời thơ ấu: bị sốt cao co giật, viêm não màng não…
Các bác sĩ khuyên rằng các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa tâm thần khi trẻ có các biểu hiện nói trên. Tại bệnh viện, trẻ sẽ được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, đánh giá chỉ số trí tuệ IQ bằng các test tâm lý…để xác định bệnh, mức độ của bệnh và lập kế hoạch điều trị thích hợp.
Hướng khắc phục
Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ cần phải có ý thức rằng, trẻ đang gặp khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh, đặc biệt là với bạn. Do đó, cha mẹ cần tạo điều kiện tối đa và thuận lợi nhất để giúp trẻ có thể giao tiếp, vui chơi cùng với mọi người xung quanh.
Nhưng dù sao thì vai trò của cha mẹ trong vấn đề này với trẻ là quan trọng nhất. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian và tìm cách chơi, nói chuyện với trẻ. Để ý đến những nhu cầu và mong muốn của trẻ và hỗ trợ trẻ kịp thời khi trẻ cần được sự giúp đỡ.
Các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý rằng: không nên cho trẻ chơi một mình, và luôn phải có người trông nom và chơi với trẻ. Người chơi với trẻ, cần phải nắm rõ được đặc điểm của bệnh lý này của trẻ để có thể hiểu trẻ hơn. Mới đầu, cha mẹ hay người chơi cùng với trẻ thì nên chơi theo ý của trẻ, để trẻ vui vẻ, thoải mái. Sau đó, giúp trẻ chơi theo sự hướng dẫn của chính người lớn để trẻ có thể học thêm những điều mới. Cũng cần nhớ rằng, những trẻ này sẽ học chậm hơn so với các trẻ khác ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, nên cha mẹ cần phải có sự kiên nhẫn trong việc giảng dạy con mình. Chính tình thương và sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ là “liều thuốc” giúp trẻ nhanh tiến bộ nhất.
Theo số liệu của bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trên 80% số trẻ CPTTT là ở mức độ nhẹ, những trẻ này nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng đắn thì khi trưởng thành trẻ vẫn có thể sống tự lập gần như bình thường trong cộng đồng. Khoảng 20% số trẻ CPTTT ở mức độ nặng trở lên, tuy các khả năng của trẻ hạn chế, song nếu có phương pháp can thiệp sớm (trước 6 tuổi) và đúng đắn trẻ vẫn có thể sinh sống thoải mái trong cộng đồng.