“Ở nhà, cháu chỉ thích xem phim người lớn thay vì xem những chương trình dành cho thiếu nhi. Trong lớp, thay vì chơi đồ chơi, thích búp bê, nô đùa như các bạn, cô giáo cho biết, Xuân chỉ ngồi riêng hoặc nếu có chơi thì thường chỉ vào vai cô giáo hoặc vai mẹ. Còn kinh khủng hơn khi Xuân nói với tôi ‘Bố là người tuyệt nhất. Lớn lên con sẽ cưới bố làm chồng”.
- Thấy bố mẹ cãi nhau, Hưng trừng mắt trỏ tay vào hai người và quát: “Để tui yên, sống không được thì ly dị”. Một lần khác, thấy bố đứng chải răng trong nhà vệ sinh quá lâu, cậu bé 7 tuổi hét to “Bố hư quá, ra nhanh cho Hưng vào”.
Phát hoảng vì không phải chỉ một vài lần nghe con nói những câu già trước tuổi, vợ chồng anh Hải vội tìm đến bác sĩ tâm lý nhờ tư vấn.
“Con trai tôi thường xuyên nói những câu người lớn hay nói, thậm chí nhiều lần ra lệnh cho vợ chồng tôi. Thấy tôi về đến nhà muộn, bé chống tay hỏi ngay ‘Hải lại về muộn phải không. Muốn bị phạt không’, hay thấy mẹ lau nhà, Hưng phán ngay ‘lau thật sạch nhé’. Những câu này tôi và mẹ cháu chưa từng nói trước mặt bé”, anh Hải kể.
Cũng theo chàng kỹ sư 32 tuổi nhà ở quận 1, TP HCM, sau những lần thấy con nói những câu với giọng điệu người lớn và có phần vô lễ, vợ chồng anh mắng cố gắng tìm hiểu xem tại sao bé nói như vậy, nhưng cháu hoặc khóc hoặc ậm ừ không nói gì.
Tại khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau gần một tháng to nhỏ hỏi han, các bác sĩ xác định không phải bé có bệnh “lên gân bẩm sinh” mà nguyên nhân xuất phát từ phim ảnh trên truyền hình và từ cô giáo.
Không biết ly dị là gì, tuy nhiên sau khi nhiều lần được hỏi “tại sao con bảo ba mẹ ly dị khi hai người gây nhau”, cu cậu cho biết “Tại con thấy trong tivi người ta nói vậy”. Còn những lần ra lệnh cho bố mẹ thì được cậu nhóc cho biết bắt chước theo cô giáo. “Trong trường, cô hay bảo ‘Hưng làm nhanh đi, không bị đánh đòn”, “đi học muộn, muốn cô phạt không”.
Không la mắng bố mẹ nhưng bé Xuân 6 tuổi lại tỏ ra chững chạc và luôn có những câu nói hoặc kiểu suy nghĩ như người lớn.
“Ở nhà, cháu chỉ thích xem phim người lớn thay vì xem những chương trình dành cho thiếu nhi. Trong lớp, thay vì chơi đồ chơi, thích búp bê, nô đùa như các bạn, cô giáo cho biết, Xuân chỉ ngồi riêng hoặc nếu có chơi thì thường chỉ vào vai cô giáo hoặc vai mẹ. Còn kinh khủng hơn khi Xuân nói với tôi ‘Bố là người tuyệt nhất. Lớn lên con sẽ cưới bố làm chồng”.
Bé Hoàng 9 tuổi, con của chị Xuân nhà ở quận 5, thì luôn có thói quen sai khiến. Chỉ trong một năm, 6 người giúp việc đã phải ra đi vì không ai làm hài lòng cu cậu.
“Buồn và lo là vì ở nhà tôi và bacháu không một lời nặng nhẹ với người giúp việc. Vậy mà cháu thì hoàn toàn ngược lại. Việc nhỏ việc lớn bé đều ra lệnh cho người làm. Có hôm cố tình nấp xem, tôi thấy bé chỉ thẳng vào mặt chị giúp việc gấp 3 lần tuổi mình và nói ‘Cô ôsin kia, ủi quần áo gì kỳ vậy, làm cho người ta bị các bạn trêu mặc áo nhăn. Muốn bị đuổi việc hả’. Vợ chồng tôi thật xấu hổ. Hỏi mãi mới biết bé xem phim thấy ôsin thường bị chủ quát nên làm theo như vậy”, chị Xuân nói.
Bác sĩ Kiều Thanh Hà, Khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết từng gặp nhiều trường hợp tương tự và điểm chung của hiện tượng “già trước tuổi” thường do ảnh hưởng của môi trường. Phần khác là do bố mẹ vô tình khuyến khích cổ vũ trẻ.
“Ở độ tuổi này, trẻ chưa đủ ý thức để hiểu được những gì chúng thể hiện nên tất cả chỉ là sự nhạy lại những gì chúng thấy. Điều đó có thể từ phim ảnh, từ cuộc sống chung quanh và từ chính những gì chúng nghe được từ những người thân”, bác sĩ Hà nói.
Cũng theo bác sĩ Hà, một số trường hợp khác, trẻ bị “già” xuất phát từ việc bố mẹ khi thấy con đưa ra phát ngôn giống người lớn, thay vì cân chỉnh thì tán thưởng, cho rằng con thông minh hơn người. Điều này khiến bé tưởng mình nói như vậy là đúng và sẽ lập lại một cách thiếu kiểm soát ở những lần sau.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn tâm lý, Khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng cho rằng ít có trường hợp trẻ bị “thành cụ” bẩm sinh mà hầu hết là do bắt chước.
“Trẻ em như chiếc máy thu và phát lại những gì chúng thấy. Một số em không quan tâm đến việc người lớn làm nhưng phần lớn là học theo. Tôi từng gặp những trường hợp như vậy”, bác sĩ Thanh nói. Việc “già trước tuổi” của trẻ, nếu không được uốn nắn thì theo bác sĩ Thanh, có thể ảnh hưởng đến tính cách của bé về sau.
Bác sĩ Thanh Hà cũng cho rằng, điều này thật tai hại, trước tiên trẻ bị đánh mất tuổi thơ, hay chống đối người lớn. “Nhưng quan trọng hơn về lâu về dài, do không chỉ bắt chước mà không hiểu được ý nghĩ của việc đang làm đúng hay sai, bé sẽ có nhận thức sai”.
Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ tâm lý khuyên phụ huynh người lớn phải giải thích cho trẻ hiểu những gì đang xảy ra xung quanh. Ví dụ khi vợ chồng cãi nhau, nên nói cho bé biết đây không phải là thù ghét mà là bố mẹ đang tranh luận để gia mình tốt hơn. Nên cho trẻ biết lời ra lệnh cô giáo là chỉ dành cho người lớn đối với trẻ chứ trẻ thì không được dùng để nói với người lớn tuổi hơn mình.
“Điều quan trọng nhất là người lớn phải biết hy sinh. Nên cho con ngủ riêng, phòng trẻ không nên có tivi, tránh tình trạng bố mẹ xem phim người lớn mà cho con coi cùng. Nên cho trẻ chơi hoặc xem những chương trình phù hợp lứa tuổi. Nhắc nhở ngay khi bé có lời ăn tiếng nói hoặc hành động không phù hợp. Tránh tình trạng cổ vũ khi bé nói hoặc làm những việc vượt quá tuổi”, bác sĩ Hà nói.