Chứng ị đùn hiếm gặp hay ít gặp hơn ở những đứa trẻ đã được cha mẹ tập cho cách thông báo rằng mình muốn đi tiểu hay đi đại tiện. Chứng bệnh này thường xuất hiện khi trẻ khoảng 6 tuổi và có đến 75% trẻ trai mắc phải.
Nguyên nhân
Có 3 loại nguyên nhân có thể dẫn đến chứng ỉa đùn ở trẻ:
Nguyên nhân về thể chất: Thông thường, nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này là do chứng táo bón kinh niên, khi phân cứng và khô, tích tụ lại trong ruột và những phân nước rỉ ra đi qua được khối phân cứng.
Nguyên nhân tâm lý: Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, chứng ỉa đùn gần như bao giờ cũng là những dấu hiệu do trẻ bị căng thẳng hay do xáo trộn về mặt xúc cảm tình cảm.
– Khi trẻ đến trường, cô giáo, bạn bè có thể gây áp lực đối với trẻ, trẻ quá lo hãi và “chống đối” lại bằng cách ỉa đùn.
– Nếu như trẻ bị bố mẹ ruồng bỏ trẻ cũng có thể dẫn đến ỉa đùn. Sự ruồng bỏ này có thể được bộc lộ ra bên ngoài nhưng cũng có thể nó không bộc lộ ra bề ngoài như bố, mẹ không quan tâm, không muốn tiếp xúc với nó, hoặc có nhưng không thật lòng…
Do thay đổi môi trường sống: Trẻ chưa kịp làm quen với môi trường sống mới. Hoặc có thể do trẻ được bố mẹ qúa nuông chiều, nâng niu, bao bọc trẻ làm cho trẻ khó mà thích nghi được với môi trường mới nên dẫn đến bệnh này.
Các loại ỉa đùn
Kiểu ỉa đùn đã có từ khi còn là em bé.
Kiểu ỉa đùn suy thoái, tức là trước đây trẻ đã được tập cho cách có thể thông báo với người lớn là mình sắp đi tiểu, đi đại tiện nhưng sau đó trẻ lại có biểu hiện giống như giai đoạn trước – chưa có khả năng kiểm soát vấn đề đại tiện của mình.
Kiểu ỉa đùn phản đối, nó giống như là một cách để phản ứng lại với những quy định hay thái độ quá nghiêm ngặt của cha mẹ đối với vấn đề vệ sinh của trẻ. Chẳng hạn như bắt trẻ lúc nào cũng phải sạch sẽ thơm tho, hoặc cha mẹ có cách luyện tập cho trẻ đi cầu một cách nóng nảy, khắt khe, thái quá.
Kiểu ỉa đùn thứ 3 thường xảy ra với những trẻ được huấn luyện cho tập ngồi cầu quá sớm, vì cha mẹ quá coi trọng việc sạch sẽ. Nếu đứa trẻ cảm thấy ngột ngạt và không được phép chơi hay gây bẩn, nó sẽ biểu hiện sự chán nản, thất vọng, lo lắng, thậm chí là tức giận của mình bằng cách ỉa đùn “phản đối”.
Khi những bậc cha mẹ thấy con của mình mắc chứng này thì đầu tiên họ rất ngạc nhiên, thậm chí là kinh ngạc không hiểu sao trẻ lại như vậy. Dần dần tình trạng này tái diễn họ lo lắng rồi công phẫn và khó chịu, dẫn đến việc mắng mỏ và trách phạt trẻ. Nhưng chính điều đó lại làm cho bệnh của trẻ thêm nặng hơn.
Khắc phục chứng ỉa đùn
Chứng ỉa đùn không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên các bậc cha mẹ nên kịp thời đưa con đến gặp bác sĩ khi thấy con có những biểu hiện bệnh như trên.
Ngoài ra, cần cố gắng xác định xem có phải là trẻ bị táo bón không, hỏi xem lần cuối trẻ đi đại tiện là lúc nào.
Nên thường xuyên nói chuyện và tâm sự với trẻ để tìm ra nguyên nhân xem có phải do trẻ thay đổi môi trường sống hay do những căng thẳng trẻ gặp phải ở trường học…
Các bậc cha mẹ cũng cần thấy rõ được vai trò của mình, có thể chính mình là nguyên nhân dẫn đến bệnh của trẻ để giúp trẻ cân bằng về mặt xúc cảm tình cảm. Hãy:
– Tạo ra cho trẻ thói quen vệ sinh đúng giờ.
– Cần tạo cho trẻ cảm giác an toàn, trấn an và không quát mắng trẻ.
– Nên an ủi trẻ kịp thời, để trẻ không cảm thấy tự ti về bản thân mình.
– Con bạn có thể trở thành đối tượng bị chế giễu, miệt thị ở trường học vì mùi khó chịu nếu trẻ ỉa đùn ở trường, hãy nói chuyện với cô giáo để cô giáo hiểu về bệnh của trẻ, thông cảm với trẻ. Ngoài ra nên mang theo quần cho trẻ để phòng nếu trẻ ỉa đùn.