Hội họa giúp trẻ được tự do tưởng tượng, bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, nhận thức… qua đó cũng giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, óc tưởng tượng, óc phán đoán đặc biệt là tư duy logic, tư duy sáng tạo… rất tốt cho sự phát triển trí lực của trẻ. Vậy chúng ta nên bồi dưỡng khả năng hội họa cho bé như thế nào đây?
Hội họa và sự phát triển trí lực của trẻ
Hội họa giúp trẻ được tự do tưởng tượng, bộc lộ niềm vui, nỗi buồn, nhận thức… qua đó cũng giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, óc tưởng tượng, óc phán đoán đặc biệt là tư duy logic, tư duy sáng tạo… rất tốt cho sự phát triển trí lực của trẻ.
Màu sắc trong hội họa có mối quan hệ vô cùng mật thiết đối với sự phát triển của trẻ: những trẻ lớn lên trong môi trường tiếp xúc nhiều với màu vàng, màu xanh lá cây hay xanh da trời thường có chỉ số IQ cao hơn so với những trẻ khác. Ngược lại, với những trẻ được tiếp xúc nhiều với những gam màu tối đễ bị ức chế về tình cảm và chỉ số IQ thường thấp hơn hẳn, thậm chí kém hơn mức bình thường.
Nên bắt đầu bồi dưỡng khả năng hội họa cho trẻ từ khi nào?
Trẻ có khả năng nhận biết màu sắc từ rất sớm, cho nên việc bồi dưỡng năng lực hội họa cho trẻ cần được bắt đầu càng sớm càng tốt, nhất là khi trẻ được 1 tuổi. Lúc này, cha mẹ có thể cầm tay giúp trẻ vẽ những hình đơn giản: những đồ vật có hình tròn, hình vuông, tam giác… Khi trẻ có khả năng điều khiển đôi tay, hãy để trẻ tự vẽ những gì trẻ thích. Khi trẻ 2 – 3 tuổi, cha mẹ cần bồi dưỡng thêm khả năng quan sát, óc sáng tạo vì đó là những nền tảng giúp hội họa phát triển ở trẻ.
Giúp trẻ bồi dưỡng khả năng hội họa
Hãy tạo ra cho bé một không gian hội họa riêng ở trong nhà với những hình ảnh nhiều màu sắc, những bức tranh, hình vẽ mà trẻ yêu thích…
Mỗi ngày dành ra một khoảng thời gian để cùng con quan sát thế giới xung quanh, tìm ra những chi tiết đáng chú ý về: khung cảnh buổi sáng, buổi chiều, màu sắc của các sự vật, kiểu dáng của các đồ vật… Bất cứ hình ảnh, sự kiện nào khiến bạn và con chú ý hãy khuyến khích con thể hiện trên hình vẽ của mình.
Cần hướng dẫn, phụ đạo cho trẻ, giúp trẻ thể hiện chính xác hơn những gì trẻ quan sát thấy trong bức tranh của mình. Làm như vậy sẽ thúc đẩy óc sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ.
Cùng bé xem những bức tranh khác nhau, sau đó thảo luận về nội dung của bức tranh, khuyến khích trẻ đưa ra những ý tưởng, quan điểm của mình về bức tranh.
Có thể đưa cho trẻ những bức tranh đang vẽ dở: nửa hình tròn, đường cong hình bán nguyệt, ô vuông, tam giác… Từ những họa tiết đó, trẻ vẽ tiếp để thành một bức tranh hoàn chỉnh và đặt tên cho bức tranh. Sau đó, cha mẹ trò chuyện với con về nội dung bức tranh, giúp con mở rộng nhận thức, phát triển khả năng tư duy logic, tư duy đối thoại, ngôn ngữ…
Không nên cấm đoán khi trẻ vẽ xấu hay vẽ không đúng, đó cũng chính là một cách để bé được tự do phát triển trí tưởng tượng của mình.
Cha mẹ không nên căn cứ vào những quan sát, nhìn nhận của mình để đánh giá bức tranh của trẻ xấu hay đẹp, mà hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để cảm nhận và hiểu trẻ muốn diễn đạt gì qua bức tranh.
Cha mẹ hãy giữ lại tất cả những bức tranh trẻ đã vẽ để trẻ có thể nhận ra sự tiến bộ, cũng như những lỗi mắc phải trong các bức tranh đó. Ngoài ra, bạn có thể làm khung, treo tranh của bé lên tường cho cả nhà cùng ngắm, điều đó có tác dụng cổ vũ bé rất nhiều, vì sự quan tâm của cha mẹ sẽ giúp trẻ vẽ tự tin và vẽ tốt hơn, sinh động hơn.