Người xưa có câu “lấy chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Lấy chồng bằng tuổi tưởng chừng sẽ hạnh phúc giống như các cụ nói, nhưng cuộc sống thật khó khăn, chật vật. Kinh tế gia đình không vững đồng nghĩa với hạnh phúc thật mong manh …
Yêu nhau từ khi còn học chung cấp ba nhưng mãi đến khi lên đại học, ra trường, Quân và Hằng mới có cơ hội thổ lộ tình cảm. Quân đi xa, còn Hằng ở lại quê nhà, hai người xa nhau đã lâu nhưng tình cảm vẫn không hề thay đổi. Kết quả của cuộc tình trong sáng kết thúc bằng một cuộc hôn nhân mĩ mãn. Cả hai sống trong tình yêu mặn nồng. Hằng làm giáo viên còn Quân làm tại một công ty ở quê nhà. Cuộc sống kinh tế không mấy phần khá giả những cũng đủ cho hai người trang trải.
Rồi Hằng sinh con. Hai người vất vả kiếm tiền để lo chu toàn cho đứa con nhỏ. Quân chăm lo cho vợ và con nên cơ cực đi nhiều. Của cải tích cóp được đều đổ vào cho Hằng sau ca mổ đẻ khó ấy. Kinh tế gia đình sa sút. Đồng lương ba cọc, ba đồng của Quân cũng khó mà đủ để chi tiêu cho gia đình. Thêm vào đó, từ ngày sinh con Hằng lại nghỉ việc ở nhà chăm cháu nhỏ. Một mình do Quân gánh bác nên gánh nặng càng nhiều.
Nhìn Hằng ngày càng gầy đi trông thấy. Tình yêu bao lâu nay của Quân và Hằng cũng không át được nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Hai người thường xuyên cãi vã. Nhiều lần ức chồng, Hằng khóc lóc cả đêm, không ăn, không ngủ. Con thơ cái dại, Hằng chỉ muốn bỏ chồng bỏ con mà đi. Nhưng ngẫm lại mình không thể làm thế.

Phải lo lắng nhiều cho gia đình, tiền nong túng thiếu Quân đâm ra bực tức. Anh hay cáu gắt với vợ con. Nhiều lần đi làm về thấy vợ còn chưa cơm nước, Quân lại hục hặc, khó chịu cho rằng Hằng ỷ thế con thơ mà làm nũng anh. Còn Hằng thì đầu tắt mặt tối, luôn tay luôn chân nhưng Quân nào có hiểu cho cô. Đi một bước là con khóc, đầu óc muốn nổ tung mà Hằng đâu dám oán thán một lời.
Cuộc sống gia đình cứ lục đục theo những chuỗi ngày ấy. Nhiều lần Hằng ngửa mặt lên trời mà than số phận cơ cực. Các cụ cứ bảo “ bằng tuổi nằm duỗi mà ăn” nhưng bây giờ thì Hằng thấy cả rồi. Không lao động, không làm việc thì của cải ở đâu tự đến mà nuôi thân mình? Bằng tuổi hay hơn tuổi đi chăng nữa cũng là do kinh tế quyết định.
Ngày nghĩ về ngày xưa cô sống trong mộng tưởng, ngỡ chỉ có tình yêu là nuôi sống tất cả nhưng cô đã lầm. Cuộc sống đã thay đổi và trong bất kì gia đình nào cũng vậy, nếu không có kinh tế thì hạnh phúc quả thật rất mong manh. Hằng không mong mình giàu có, cũng không mong có của cải dư thừa. Cô chỉ mong sao cho gia đình có thể lo lắng được cho con cái, cuộc sống không còn chật vật và chồng cô không phải vất vả. Có một mái ấm căn bản để đứa con cô sau này lớn lên được sống trong sự giáo dục đầy đủ, chu toàn của bố mẹ và xã hội.
Nghĩ đến những chuỗi ngày khó khăn tiếp theo mà Hằng ứa nước mắt. Cô đau lòng về tất cả những gì đã qua nhưng cố gắng chịu đựng, cố gắng nhẫn nhịn chồng vì cô hiểu anh đang gánh trên vai trọng trách lớn mà một người làm trai phải làm vì vợ, vì con, vì gia đình.