Bất cứ đứa trẻ nào cũng mong muốn được sống trong một mái ấm gia đình hòa thuận, hạnh phúc, được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Do vậy mà các bậc cha mẹ cần phải học tập và trau dồi kỹ năng chăm sóc, vun đắp hạnh phúc gia đình. Mỗi khi giải quyết những điều mâu thuẫn trong gia đình thì hãy lấy niềm vui của trẻ làm cầu nối vững bền giữa cha và mẹ. Cách xử sự đúng đắn của cha mẹ sẽ làm cho trẻ thêm yêu thương, gần gũi và cảm thấy ấm áp trong mái ấm của mình.
Những lí do khiến trẻ bỏ nhà đi bụi
– Vì sợ cha mẹ đánh mắng là nguyên nhân thường gặp khiến các em bỏ nhà đi.
– Cuộc sống gia đình không hạnh phúc làm trẻ thấy chán chường, không muốn ở nhà.
– Cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, khiến trẻ bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
– Được quan tâm quá mức cũng là lý do khiến trẻ cảm thấy mất tự do, muốn thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ.
– Bị bạn xấu lôi kéo.
Chuyện gì có thể xảy ra khi trẻ bỏ nhà đi
Trẻ bị bơ vơ, lạc lõng khi ra khỏi nhà, không còn chỗ ăn nghỉ, vui chơi học hành mà ăn uống tùy hứng, tiện chỗ nào ngủ chỗ đó. Hết tiền trẻ có thể bị đói rét, có thể phải đi ăn xin hoặc trở thành tội phạm trộm cướp.
Trẻ cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống, bi quan, chán nản không lối thoát là nguyên nhân dẫn đến con đường tự tử.
Trẻ bỏ nhà đi là đối tượng chú ý của những cá nhân, tổ chức có ý định xấu, lôi kéo các em trở thành tội phạm hoặc mang các em đi buôn bán , mại dâm. Chịu sự khống chế của những kẻ đó, trẻ sẽ bị vùi dập tuổi thơ của mình, bị mắc phải các căn bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục và bị lệ thuộc mà không biết làm gì để giải thoát cho mình.
Cuộc sống bấp bênh, không nhà cửa, không người thân biến trẻ thành những con người vô cảm, lạnh lùng thậm chí độc ác, sẵn sàng làm những việc vi phạm pháp luật, chối bỏ tình mẫu tử. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho sự trở về của trẻ.
Có thể trẻ cũng nhận ra sai lầm của mình vì đã bỏ nhà đi, cũng hối tiếc những tháng ngày sống bên cha mẹ, người thân nhưng vì muốn chứng tỏ mình mà trẻ nhất định không trở về nhà. Bên cạnh đó, một số cha mẹ cho rằng đó là lỗi lầm của trẻ, mặc kệ con cái muốn ra sao thì ra. Tất cả những điều đó tạo nên bức tường ngăn cách trẻ với gia đình và xã hội ngày càng lớn hơn.
Để ngăn chặn ý định bỏ nhà của trẻ
Hãy hiểu con mình, hiểu diễn biến tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ, đặc biệt là trẻ tuổi 12 đến 17. Đây là tuổi có nhiều diễn biến mạnh mẽ về thể chất, có nhiều mâu thuẫn về mặt tâm lý, muốn khẳng định mình là người lớn, muốn sống tự lập nên dễ có những hành động dại dột, nông nổi. Khi cha mẹ, thầy cô giáo thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp thì dễ gây tổn thương đến tính tự trọng, tâm sinh lý của trẻ.
Gần gũi trẻ, quan tâm đến trẻ nhưng không nên quan tâm quá mức. Cha mẹ lo lắng cho trẻ nhiều quá, cấm đoán trẻ nhiều quá sẽ làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không có sự hòa hợp, thống nhất, dễ hiểu lầm. Sự quan tâm thái quá cũng làm trẻ bị tổn thương lòng tự trọng, cảm thấy bị xúc phạm.
Không bao giờ dạy trẻ bằng roi vọt, đó là biện pháp phi giáo dục, gây vết thương sâu đậm trong tâm hồn trẻ dễ dẫn đến hành động bột phát như tự tử hay bỏ nhà ra đi thoát khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình, tham gia vào các nhóm quậy phá nhằm khẳng định mình.
Đứa trẻ nào cũng khát khao được sống trong một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của cả cha và mẹ. Do vậy cách xử sự đúng đắn của bạn sẽ làm cho trẻ thêm yêu thương cha mẹ và biết trân trọng những gì mình đang có.
Tuy nhiên, cần lưu ý những trường hợp trẻ đòi bỏ nhà vì muốn tạo áp lực cho cha mẹ phải đáp ứng theo yêu cầu nào đó của chúng. Trong tình huống đó, bạn không nên bỏ mặc hoặc thách thức trẻ mà hãy phân tích cho trẻ những điều có thể xảy ra, những nguy cơ rình rập khi trẻ bỏ nhà, bơ vơ giữa dòng đời.
Nếu trẻ bỏ nhà đi
Bạn hãy bình tĩnh, gỡ bỏ những bất hòa đang có, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan chức năng để tìm con và đưa con trở về. Mọi sự trách cứ, kiểm điểm chỉ làm tình hình rối ren thêm.
Nếu đã tìm thấy trẻ thì không nên vội vã quở trách hay đánh đập trẻ mà phải tìm mọi cách làm dịu tinh thần của trẻ. Cần cư xử với trẻ nhẹ nhàng, chân thành, nếu trẻ cương quyết không muốn gặp cha mẹ thì cần sắp xếp một “sứ giả” là người thân thiết, tin cậy của trẻ để thuyết phục trẻ.
Nên nhớ, trẻ đã đi khỏi nhà một lần thì rất có thể sẽ tiếp tục bỏ ra đi lần hai, lần ba… Vì thế, tìm ra nguyên nhân để cải thiện mối quan hệ cha mẹ – con cái là việc phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ trong chốc lát.