Trong suốt hành trình mang thai, mẹ bầu thường chú ý đến từng thay đổi nhỏ trong cơ thể để đoán giới tính thai nhi. Theo quan niệm dân gian, tình trạng nghén của mẹ bầu có thể tiết lộ giới tính của bé. Vậy nếu mẹ không nghén thì sao? Mang thai không nghén là trai hay gái? Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
Hiểu nhanh về tình trạng nghén khi mang thai
Ốm nghén là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nghén thường đi kèm với các biểu hiện như buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, thèm ngủ, thay đổi khẩu vị hoặc nhạy cảm với mùi. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng trải qua hiện tượng này.
Mang thai không nghén là khi mẹ bầu không cảm thấy buồn nôn, khó chịu hay buồn ngủ quá mức trong suốt thai kỳ. Thay vào đó, mẹ có thể ăn uống, ngủ nghỉ bình thường, cơ thể khỏe mạnh và không gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến khẩu vị.
Mang thai không nghén là trai hay gái?
Theo quan niệm dân gian, mẹ bầu mang thai bé trai thường ít hoặc không bị nghén. Ngược lại, mang thai bé gái khiến mẹ bị nghén nhiều hơn vì sự gia tăng của nội tiết tố nữ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết không có cơ sở hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng mang thai không nghén là dấu hiệu cho biết giới tính thai nhi. Việc mẹ bầu có bị ốm nghén hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là sự thay đổi của hệ thống nội tiết và cách cơ thể mẹ phản ứng với những thay đổi này, hoàn toàn không liên quan đến nhiễm sắc thể XY (bé trai) hay XX (bé gái).
Ngoài ra, việc mẹ ốm nghén hay không cũng liên quan đến các yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng thể của mẹ, tính di truyền…
Như vậy, việc mẹ bầu không nghén không phải là dấu hiệu căn cứ để xác định giới tính thai nhi.
Cách xác định giới tính thai nhi chính xác
Thay vì dựa vào các quan niệm dân gian như tình trạng nghén, mẹ bầu có thể xác định giới tính thai nhi bằng các phương pháp y khoa chính xác như:
- Siêu âm thai: Siêu âm là cách phổ biến nhất để xác định giới tính thai nhi, thường thực hiện từ tuần 18 đến 20 của thai kỳ.
- Xét nghiệm NIPT (Non-Invasive Prenatal Testing): Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn này có thể xác định giới tính thai nhi từ tuần thai thứ 10 với độ chính xác cao.
- Chọc ối: Đây là phương pháp chính xác tuyệt đối để xác định giới tính thai nhi, nhưng thường chỉ thực hiện trong trường hợp cần kiểm tra dị tật nhiễm sắc thể.
Tuy nhiên, việc tiết lộ giới tính thai nhi bị cấm tại Việt Nam. Thay vì quan tâm đến giới tính thai nhi, mẹ nên chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Lưu ý giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh
Để có một sức khỏe tốt và một em bé khỏe mạnh, mẹ bầu nên duy trì một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Dưới đây là một vài gợi ý cụ thể:
- Ăn uống đa dạng, cân bằng các nhóm chất như tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa để tiêu hóa dễ dàng hơn, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất.
- Bổ sung đầy đủ sắt và canxi để hỗ trợ quá trình tạo máu và duy trì sức khỏe xương, hỗ trợ nuôi dưỡng và phát triển hệ thần kinh, xương, răng ở thai nhi… ☛ Tham khảo thêm: Thực phẩm chứa nhiều sắt và canxi cho bà bầu
- Kết hợp vận động nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động như đi bộ, yoga, bơi lội… để cải thiện trao đổi chất, thúc đẩy tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, mẹ cũng cần giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu. Đặc biệt, cần thường xuyên lắng nghe cơ thể, thăm khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.
☛ Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho mẹ mang thai và sau sinh
Kết luận:
Việc mẹ bầu không nghén không phải là dấu hiệu phản ánh giới tính của thai nhi. Để xác định giới tính của bé, ta sẽ cần đến những phương pháp hiện đại như siêu âm, xét nghiệm máu, chọc ối…