Trẻ con dù ít hay nhiều thì đều có những nỗi sợ hãi khác nhau: như sợ chuột, sợ rắn, sợ mèo, sợ chó, sợ bóng đêm, sợ ma quỷ… Đây là diễn biến tâm lý thường có ở trẻ nhỏ. Trẻ càng lớn thì những nỗi sợ này cũng giảm dần đi, thậm chí là biến mất. Nếu nỗi sợ này quá lớn thì thần kinh trẻ lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng và sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, hệ thống tiêu hóa, gây trở ngại cho sự phát triển cơ thể trẻ.
Nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi ở trẻ
Theo các nhà tâm lý học thì những nỗi sợ này của trẻ có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:
Cách giáo dục không đúng của cha mẹ, người lớn: người lớn hay dọa trẻ: “nếu con không ngủ ngoan thì con mèo sẽ bắt con bây giờ”, “con mà hư thì ông ba bị sẽ bắt con ăn thịt đấy”, “nín đi không ma bắt”… vô hình chung những điều dọa nạt này đã gây cho trẻ những nỗi sợ hãi với những con vật cụ thể và cả những nhân vật không có thật nữa.
Trẻ trải nghiệm nỗi sợ hãi: trẻ bị chó cắn và từ đó nhìn thấy chó là sợ hãi…
Do hạn chế về nhận thức: Vì trẻ còn rất nhỏ cho nên chưa có những hiểu biết nhất định về thế giới. Vì thế trẻ dễ tin vào ma quỷ, những nhân vật không có thật mà người lớn thường dọa trẻ, tin rằng bóng đêm chất chứa nhiều u ám, nguy hiểm…
Nỗi ám ảnh từ phim, truyện: Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thường rất thích thú với những bộ phim kinh dị, ma quỷ, chém giết… Mặc dù sợ nhưng trẻ vẫn xem với tâm trạng căng thẳng, hồi hộp… để rồi khi kết thúc bộ phim, trẻ không dám ngủ một mình, không dám đi toa – lét…
Bắt nguồn từ nỗi sợ của cha, mẹ: Nếu chính bạn cũng có những nỗi sợ như trẻ thì nỗi sợ hãi của trẻ là do ảnh hưởng từ bạn. Chẳng hạn bạn sợ con sâu, chứng kiến cảnh bạn phản ứng một cách thái quá khi bắt gặp con vật này, chắc chắn trẻ sẽ nghĩ con sâu là vật đáng sợ, cần phải tránh xa…
Giải pháp cho trẻ
Hiểu và an ủi trẻ khi sợ hãi: Không nên ép trẻ, phủ nhận và giấu đi nỗi sợ hãi. Nói cho trẻ biết nhiều người lớn cũng có nỗi sợ riêng để xóa đi những mặc cảm yếu đuối của trẻ, nâng cao tự tin và dần dần xóa bỏ những nỗi sợ này.
Nâng cao nhận thức cho trẻ về khoa học: Ngay từ nhỏ hãy cho trẻ được tiếp xúc với thế giới khoa học và giải thích cho trẻ hiểu trong thế giới tự nhiên, điều gì có thật và điều gì không có thật và không đáng sợ. Hãy dạy trẻ cách phòng, tránh nguy hiểm, không đi cùng người lạ, không chơi cạnh các công trình xây dựng, đầm, hồ, sông, ngòi… Hãy chỉ cho trẻ thấy hình dạng khác nhau của các sự vật ban ngày và trong bóng đêm, làm thử cho trẻ thấy để không còn xem những cái bóng và những vật thể trong bóng đêm thành “quỷ quái”.
Đưa ra yêu cầu phù hợp, không nên ép trẻ nhút nhát làm việc mà trẻ không muốn.
Loại bỏ phim kinh dị, truyện ma… ra khỏi danh sách giải trí của trẻ.
Hãy kể cho trẻ nghe về những tấm gương: chẳng hạn như các anh hùng nhỏ tuổi dũng cảm như thế nào… Nếu bản thân bản vẫn còn sợ hãi với một sự vật nào đó thì cũng đừng cố gắng thể hiện một cách rõ ràng để trẻ thấy. Hãy để trẻ cảm nhận ở chính bạn là một tấm gương sáng để trẻ noi theo.
Nếu như sự sợ hãi của trẻ thành trạng thái tinh thần tương đối cố định như sợ bóng đêm, gặp ác mộng, không ăn được cơm, tinh thần mất tập trung… bạn hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ.