Y học cổ truyền bàn đến viêm mũi dị ứng từ rất sớm trong phạm vị chứng “tỵ cừu” với nguyên nhân chủ yếu là do phong tà gây nên trên cơ sở chính khí (sức đề kháng của cơ thể) suy nhược vì nhiều lý do khác nhau.
Về mặt trị liệu, ngoài việc dùng thuốc và châm cứu theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” cổ nhân còn chú ý sử dụng các món ăn – bài thuốc (dược thiện) khá độc đáo. Bài viết này xin được giới thiệu một số món ăn – bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng tùy theo từng thể bệnh.
Viêm mũi dị ứng là bệnh rất phổ biến
Thể hàn thấp
Triệu chứng: chảy nước mũi trong, hắt hơi nhiều, ngạt mũi, bệnh nặng lên khi thời tiết thay đổi (lạnh quá, nóng quá…).
Dùng bài thuốc sau: thịt bò 90g, tỏi tươi 60g, rau thơm tươi 15g, gạo tẻ 60g, gia vị vừa đủ. Thịt bò rửa sạch thái miếng, tỏi bóc vỏ đập giập, rau thơm thái nhỏ. Gạo tẻ vo sạch cho vào nồi ninh thành cháo, khi chín cho thịt bò và tỏi vào đun sôi một lát là được, cho rau thơm và chế đủ gia vị, ăn nóng trong ngày.
Công dụng: khu phong trừ hàn, làm giảm xuất tiết và thông lỗ mũi.
Thể phong hàn
Triệu chứng: đau đầu, đau cổ gáy, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi.
Dùng bài: đầu cá chép (2 cái) chừng 150g, tân di 12g, tế tân 3g, bạch chỉ 12g, gừng tươi 15g. Đầu cá bỏ mang làm sạch, tân di (búp hoa của cây tân di) gói vào túi vải, tế tân và bạch chỉ rửa sạch, gừng tươi thái chỉ. Tất cả cho vào nồi, đổ nước, ninh kỹ trong 2 giờ rồi chế thêm gia vị, ăn đầu cá, uống nước canh trong ngày.
Công dụng: khứ phong tán hàn, làm thông mũ. Tân di có tác dụng trừ phong tán hàn, làm thông thoáng nên với bệnh mũi là vị thuốc trọng yếu. Tế tân và bạch chỉ cũng có tác dụng tương tự như tân di, đầu cá bổ trung ích khí, gừng tươi trừ phong tán hàn, các vị thuốc phối hợp chặt chẽ với nhau tạo nên công dụng độc đáo của món dược thiện này. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tân di và tế tân đều có khả năng chống dị ứng khá mạnh.
Thể âm hư
Triệu chứng: mũi khô, ngạt mũi, hắt hơi và chảy nước mũi nhiều, miệng khô họng khát, người gầy, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ…
Dùng bài thuốc sau: tây dương sâm 15g, ếch 2 con (chừng 150g), bách bộ 30g, ma hoàng 3g. Tây dương sâm thái phiến, ếch làm sạch bỏ nội tạng, bách bộ và ma hoàng rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ vừa nước, hầm kỹ chừng 2 giờ rồi cho thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: dưỡng phế âm, thông tị khiếu.
Thể chất hư nhược
Triệu chứng: tắc mũi, hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, tinh thần mỏi mệt, chán ăn, dễ đổ mồ hôi.
Dùng bài: chim bồ câu 1 con (nặng chừng 90g), hoàng kỳ 60g, tân di 9g, bạch truật 9g, đại táo 12g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Chim bồ câu làm thịt, bỏ ruột, chặt miếng, tân di gói trong túi vải, đại táo bỏ hạt, các vị thuốc còn lại rửa sạch thái phiến. Tất cả cho vào nồi hầm kỹ chừng 60 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng trong ngày.
Công dụng: bổ khí ích biểu, làm thông thoáng lỗ mũ.