Trẻ 2 đến 3 tuổi thường dành phần lớn thời gian để tìm tòi, khám phá những gì xung quanh. Trong thời gian này, bé vận dụng tối đa các giác quan của mình và nhờ đó, các giác quan này sẽ có điều kiện để hoàn thiện hơn.
Thị giác
Lúc 2 tuổi, thị giác của bé phát triển rất tốt. Bé có thể nhìn được mọi thứ trong tầm ngắm giống như mắt người lớn, trong đó có khả năng nhận biết về khoảng cách, bề sâu và sự chuyển động. Khi bé được 2 tuổi rưỡi, bé bắt đầu có cảm giác về màu sắc.
Có một sự trùng hợp thú vị là vào lứa tuổi này bé cũng rất thích ghép hai đồ vật lại với nhau dựa vào màu sắc, kích thước hoặc mục đích sử dụng. Nhờ vậy, bạn có nhiều cơ hội dạy bé biết những màu sắc và các nhóm đồ vật khác nhau.
Tính tò mò
Đối với bé 2 tuổi, tính tò mò có thể xem là một dấu hiệu cho thấy bé thông minh. Tuy nhiên, đôi khi vì tò mò quá mà bé có thể trở nên ngỗ ngược, khó dạy. Bạn cần dạy cho trẻ biết những giới hạn, ví dụ như bé không được lục lọi đồ đạc trong giỏ người khác. Nhưng bạn cũng cần tránh thái độ lúc nào cũng cấm đoán bé trong việc khám phá mọi thứ xung quanh. Trẻ con thường học hỏi bằng cách tự khám phá.
Tập cho bé cách suy nghĩ
Khả năng quan sát là một phần trong quá trình suy nghĩ của bé. Kinh nghiệm dạy cho bé biết cách suy nghĩ. Từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi, trí não của bé vẫn còn rất non nớt, song đã bắt đầu biết xử lý các thông tin mà bé thu nhận được, cũng như đã hiểu biết khá nhiều về cách suy luận nguyên nhân – kết quả.
Cảm xúc của bé
Lúc khoảng 2 tuổi, bé thường cho rằng những đồ vật vô tri giác như bàn ghế, xe cộ, gấu bông… cũng có cảm xúc, suy nghĩ và có hành động như con người. Chính vì vậy mà bé tin chắc rằng khi xe đạp bị ngã, xe đạp cũng bị “đau” giống như bé vậy. Hoặc bé sẽ nói rằng, chú gấu bông ở nhà là “bạn” của bé. Đây là một giai đoạn quan trọng giúp bé học được tình thương yêu, sự đồng cảm đối với thế giới xung quanh mình.
Hình dáng và các bộ phận cơ thể
Những hình thức mà bé tự khám phá cơ thể khi còn nhỏ như chơi bằng tay và đưa hai chân vào miệng đến lúc này đã phát huy được hiệu quả của nó. Lúc 2 tuổi rưỡi, bé bắt đầu biết màu mắt, màu tóc, biết bản thân bé là “cao” hay “lùn”.
Vào khoảng thời gian này, hành vi của bé bắt đầu thể hiện nét đặc trưng của giới. Cụ thể, bé đã bắt đầu để ý nhiều hơn đến bộ phận sinh dục ngoài của mình. Điều này có vẻ là kết quả của việc tập cho bé đi vệ sinh bằng bô. Vì dương vật lộ rõ ra bên ngoài, nên bé trai sẽ thường quan tâm đến bộ phận này hơn; đối với bé gái, có thể bé sẽ để ý đến bộ phận này ở một bé trai khác. Từ 2 tuổi rưỡi hoặc hơn, trẻ con thậm chí còn chỉ cho nhau xem những “chỗ kín” của bản thân mình nữa. Những biểu hiện trên là hoàn toàn bình thường, vì đơn giản đó cũng chỉ là một phần của tính tò mò tự nhiên trẻ con mà thôi.
Các bậc cha mẹ thường tỏ ra lo lắng khi thấy con họ thủ dâm thường xuyên, nhất là lúc bé làm điều này ở nơi công cộng. Thực ra bạn cần hiểu rằng đối với bé thì điều đó đơn giản là tạo cho bé cảm giác thoải mái chứ không có chuẩn mực đạo đức nào ở đây. Vì thế bạn không nên tỏ ra quá giận giữ, nên giải thích cho bé hiểu rằng việc này chỉ có thể thực hiện ở nhà, không thể làm ở những chỗ đông người. Bạn có thể tìm ra biện pháp để hạn chế bé chứ không thể nghiêm cấm bé hoàn toàn, vì nếu nghiêm khắc quá có thể bạn sẽ thất bại. Nếu quát mắng bé chỉ khiến bé cảm thấy xấu hổ và phản kháng dữ dội hơn thôi.
Khả năng tập trung trí nhớ và trí tưởng tượng
Khi khả năng tập trung và trí nhớ của bé phát triển, hệ thần kinh đã thiết lập được nhiều đường liên hệ hơn, nhằm tạo nền tảng cho quá trình học tập sau này. Bạn sẽ thấy thật thú vị khi chứng kiến bé chơi những trò chơi mang tính tưởng tượng vô cùng phong phú.
Giai đoạn này, bé có khả năng tập trung khá tốt, đồng thời có thể quan tâm đến nhiều kênh thông tin khác nhau cùng một lúc. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc bé đang làm gì và bé cảm thấy thích thú với công việc đang làm như thế nào.
Nhờ vào trí nhớ tốt, bé tích lũy được khá nhiều kiến thức. Lúc 2 tuổi, có lẽ bé đã nhận thức được tên đầy đủ của mình. Bé còn thuộc nhiều bài đồng dao, bài hát thiếu nhi nên bé có thể hát mà không cần ai nhắc. Nếu bạn hát cho bé nghe những bài này và bạn giả vờ hát nhầm một vài từ trong bài hát thì chắc chắn bé sẽ nhận ra ngay và phản đối quyết liệt cho đến khi bạn hát lại cho đúng.
Ngoài ra, bé cũng đã hiểu được nhiều khái niệm quan trọng như “trong”, “ngoài”, “xuống”, “lên”, “sau này”, “trước đây”…
Khả năng tưởng tượng khi chơi
Từ 2 tuổi trở đi, bé thường xuyên tham gia các trò chơi tưởng tượng. Bé hiểu rằng, một đồ vật nào đó có thể đại diện cho một đồ vật khác (ví dụ, ngăn bàn có thể được bé coi là giường ngủ của búp bê…). Lúc này, bạn cần chọn những loại đồ chơi phức tạp hơn để tăng cường khả năng tưởng tượng của bé. Tuy nhiên, những đồ chơi đơn giản cũng tốt cho quá trình này.
Bé có thể mở một tiệc trà cho những chú gấu bông và búp bê cùng dự. Bé trai lúc khoảng 2 tuổi cũng thích chơi với thú nhồi bông. Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn không có gì phải lo lắng cả. Trẻ em thường có nhu cầu chơi với bạn bè và các trò chơi mơ mộng như vậy rất có ích đối với cả bé trai lẫn bé gái. Qua các trò chơi này, bé học được cách ứng xử dịu dàng, cách bày tỏ tình cảm đối với những người xung quanh.
Lúc bé 2 tuổi rưỡi, những trò chơi đòi hỏi tính sáng tạo và trí tưởng tượng chiếm hầu hết thời gian trong ngày của bé. Khả năng phối hợp giữa tay và mắt của bé ngày càng cải thiện hơn. Điều này có nghĩa là bé đã có khả năng sáng tạo những hình ảnh trực quan. Bé thích tô màu tranh vẽ và chế tạo đồ vật. Trong giai đoạn này, cấu trúc đồ vật đối với bé rất quan trọng, vì vậy các hoạt động như dùng tay nhúng màu nước, rồi vẽ hoặc nặn đất sét sẽ có sức thu hút đặc biệt đối với bé.