Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các van tĩnh mạch ở vùng chân bị suy yếu, khiến máu khó hồi về tim, bị ứ đọng lại trong lòng mạch gây nên những triệu chứng khó chịu như đau, nặng, mỏi, sưng, ngứa, loét da… Giãn tĩnh mạch không thể khỏi hoàn toàn nhưng các bạn có thể áp dụng một số phương pháp giúp kiểm soát và cải thiện triệu chứng tại nhà. Sau đây là 9 cách chữa bệnh giãn tĩnh mạch chân tại nhà cực đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, các bạn cùng tham khảo nhé:
1. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa tình trạng máu bị tích tụ trong tĩnh mạch, đồng thời giảm huyết áp và cân nặng, đều là những yếu tố có lợi cho bệnh giãn tĩnh mạch.
Bạn nên chọn những môn thể dục nhẹ nhàng và phù hợp với sức khỏe của mình như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, thể dục nhịp điệu… Mỗi ngày nên tập ít nhất 30 phút, đều đặn hàng ngày. Đặc biệt bạn nên tránh những bài tập nặng, gây áp lực lên chân như nhảy dây, đẩy tạ…
Việc tập luyện đúng có thể giúp cải thiện các triệu chứng cũng như giảm thiểu biến chứng của suy giãn tĩnh mạch. Chú ý khi mới bắt đầu bạn chỉ nên tập nhẹ nhàng với cường độ thấp, sau khi đã quen thì mới nâng dần cường độ lên. Ngoài ra, bạn có thể tập luyện với sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu để hiệu quả mang lại tốt hơn.
Giải đáp: Bệnh giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?
2. Dùng vớ y khoa
Vớ y khoa là loại vớ đặc biệt, được thiết kế riêng cho người bi suy giãn tĩnh mạch chân. Vớ có khả năng tạo áp lực lên chân, giúp hỗ trợ tĩnh mạch lưu thông máu và ngăn máu trào ngược. Điều này sẽ cải thiện được các triệu chứng sưng, đau, mỏi, phù chân do giãn tĩnh mạch gây ra.
Bạn nên dùng vớ y khoa theo chỉ định của bác sĩ, chọn loại vớ phù hợp với kích cỡ chân và độ nén phù hợp với tình trạng bệnh. Ngoài ra, bạn nên đeo vớ y khoa vào buổi sáng khi chân chưa sưng lên và chú ý thay vớ sau 3-6 tháng hoặc khi vớ bị rách hoặc giãn.
3. Thiết lập chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng giãn tĩnh mạch chân. Để cải thiện tình trạng bệnh, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C, flavonoid và các chất chống oxy hóa, như rau xanh, trái cây, hạt, ngũ cốc nguyên hạt… Những loại thực phẩm này sẽ giúp nhuận tràng, tăng cường lưu thông máu và ngăn ngừa viêm tĩnh mạch.
Đặc biệt, nên hạn chế ăn nhiều muối, đường, chất béo và chất kích thích, như cà phê, rượu, thuốc lá… để giảm huyết áp, cân nặng, sưng phù. Chú ý uống đủ nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm của cơ thể cũng như hạn chế độ đặc của máu.
4. Kê cao chân khi ngủ
Kê cao chân khi ngủ giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch, hỗ trợ máu lưu thông dễ dàng hơn đồng thời giảm sưng phù chân. Bạn có thể dùng dùng gối, khăn, sách… để kê chân cao lên khi ngủ hoặc khi nghỉ ngơi, độ cao lý tưởng là ngang với tim hoặc cao hơn tim. Hiện nay có rất nhiều loại gối chống giãn tĩnh mạch được thiết kế thoải mái, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, các bạn có thể tham khảo sử dụng loại gối này vừa tiện lợi vừa hiệu quả.
Đọc thêm: Tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch
5. Không đi giày cao gót liên tục
Đi giày cao gót liên tục khiến trọng lượng của cơ thể bị dồn xuống hai bàn chân, từ đó gây áp lực lên hệ thống tĩnh mạch. Ngoài ra, đi giày cao gót còn khiến tư thế của người mang dốc xuống, khiến cơ bắp bị co lại làm máu không lưu thông qua tĩnh mạch như bình thường. Theo thời gian, hệ thống tĩnh mạch chân dần bị giãn ra, suy giảm chức năng gây ra những triệu chứng khó chịu. Do đó, để phòng ngừa và cải thiện suy giãn tĩnh mạch chân, bạn nên chọn những loại giày dép thoải mái, có độ cao dưới 3cm.
6. Không đứng lâu, ngồi lâu trong thời gian dài
Đứng lâu hoặc ngồi lâu trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ cũng như làm trầm trọng thêm các triệu chứng của giãn tĩnh mạch chân. Đứng hay ngồi nhiều trong thời gian dài sẽ khiến sự co bóp của cơ bắp chân bị suy giản, gây áp lực lên tĩnh mạch, làm chậm lưu lượng và cản trở tuần hoàn máu, làm tăng nguy cơ viêm tĩnh mạch, tắc mạch và xuất huyết. Vì thế, bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên, không để chân ở một tư thế cố định quá 30 phút, nên vận động và đi lại xung quanh, nhất là khi có dấu hiệu đau cơ hoặc khớp.
7. Massage chân
Massage chân là một trong cách chữa giãn tĩnh mạch chân tại nhà đơn giản, dễ thực hiện mà rất hiệu quả. Massage chân giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm đau, nặng và mỏi chân, cải thiện sự đàn hồi của da và tĩnh mạch. Bạn nên massage chân bằng tay hoặc dùng các dụng cụ hỗ trợ, như bóng, gối, máy massage…
Nên massage chân theo hướng từ dưới lên trên, từ mắt cá chân lên đùi với lực vừa phải, không quá mạnh để tránh làm tổn thương tĩnh mạch. Mỗi ngày nên dành ra khoảng 15-20 phút để thực hiện động tác này. Có thể dùng thêm các loại dầu hoặc kem massage có chứa các chiết xuất tự nhiên để tăng hiệu quả.
Đọc thêm: Cách xoa bóp chân bị giãn tĩnh mạch
8. Chườm lạnh
Chườm lạnh là một phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp giảm đau chân cho người bị suy giãn tĩnh mạch. Chườm lạnh có tác dụng làm co các mạch máu nhỏ, giảm áp lực lên tĩnh mạch, giảm sưng phù, giảm viêm và đau cấp. Ngoài ra, chườm lạnh cũng giúp giảm tiêu thụ oxy, giảm chuyển hóa, giảm tính thấm thành mạch và khả năng xuyên mạch của bạch cầu, ngăn ngừa các biến chứng như chảy máu, vết loét, huyết khối… Có thể dùng túi nước đá, khăn lạnh hay chai nước lạnh… để chườm vùng chân bị giãn tĩnh mạch từ 10-15 phút tùy theo mức độ sưng đau.
9. Kiểm soát cân nặng
Kiểm soát cân nặng hợp lý được xem là một trong những yếu tố quan trọng để phòng ngừa và giảm suy giãn tĩnh mạch. Theo các bác sĩ, người bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch vì trọng lượng cơ thể quá lớn tạo áp lực lên các tĩnh mạch ở chân, gây giãn nở và ứ đọng máu. Điều này làm cho máu khó hồi về tim, gây ra các triệu chứng như sưng, đau, nặng nề, nóng rát ở chân, cũng như các biến chứng như loét, nhiễm trùng, huyết khối tĩnh mạch…
Do đó, giữ cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng và khó chịu ở chân. Để làm được điều này, bạn nên ăn uống cân bằng, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đường, muối… đông thời tập thể dục thường xuyên, chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga… Nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5-24,9 là tốt nhất.
Vừa rồi là 9 cách chữa giãn tĩnh mạch chân tại nhà cực đơn giản, dễ thực hiện. Các bạn hãy áp dụng những phương pháp này sẽ thấy các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân cải thiện đáng kể. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, hãy để lại bình luận phía dưới, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp tận tình và chi tiết nhất. Chúc mọi người thật nhiều sức khỏe.