Trẻ 2 tuổi biếng ăn là tình trạng phổ biến mà cha mẹ có con trong độ tuổi này hay gặp phải. Điều này khiến cho phụ huynh rất lo lắng cho sức khỏe và sự phát triển của con. Vậy nguyên nhân do đâu trẻ biếng ăn? Cha mẹ cần làm gì để cải thiện điều này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Trẻ 2 tuổi biếng ăn có biểu hiện gì?
Trẻ 2 tuổi là giai đoạn đang khám phá những điều xung quanh để thỏa mãn trí tò mò của mình. Vì thế nên trẻ thường không chịu ngồi yên trong khi ăn, thậm chí nhiều trẻ còn không chú ý khi được mẹ đút, mải chơi quên ăn. Để tìm hiểu xem con có biếng ăn hay không, cha mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu như:
- Trẻ ăn chậm, trẻ ngậm thức ăn trong miệng.
- Trẻ ăn ít, ăn không hết bữa, chỉ ăn một số thực phẩm nhất định.
- Thay đổi thái độ khi vào bữa ăn.
- Trẻ đi ngoài ít, hay bị táo bón.
- Trẻ mãi không tăng cân hoặc bị giảm cân.
Không phải trẻ nào cũng có các dấu hiệu giống nhau, vậy nên cha mẹ cần chú ý quan sát đến trẻ để xác định đúng tình trạng biếng ăn. Hoặc cha mẹ có thể cho trẻ đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để thăm khám và tư vấn.
Nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi biếng ăn, cụ thể như:
Do thay đổi môi trường sống
Trẻ 2 tuổi thường được cha mẹ cho đi nhà trẻ, mẫu giáo nên việc chuyển sang môi trường mới khiến trẻ phải thích nghi. Từ đó có thể khiến tâm lý và cảm xúc của trẻ bị ảnh hưởng làm trẻ biếng ăn, chán ăn. Bên cạnh đó, khi thay đổi môi trường trẻ sẽ được tiếp xúc với nhiều điều mới, thức ăn mới nhưng trẻ lại chưa quen với khẩu vị hoặc bị áp lực bởi người trông trẻ, cô giáo. Vì thế đa phần trẻ không cảm thấy ngon miệng khi ăn hoặc chỉ ăn những thực phẩm quen thuộc.
Do trẻ bị ốm
Hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt nên rất dễ mắc các bệnh như: cảm lạnh, ho, sổ mũi, viêm amidan, viêm họng, mọc răng,… Khi mắc bệnh, các chức ăn của hệ tiêu hóa cúng bị ảnh hưởng gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón,… Điều này làm cho trẻ thấy mệt mỏi và không muốn ăn.
Ngoài ra, một vài loại thuốc chữa bệnh cũng làm ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ khiến trẻ không hứng thú với thức ăn, giảm sự thèm ăn. Hoặc ngay cả khi trẻ đã khỏi bệnh, trẻ cũng có thể biếng ăn vì cơ thể đã quen với việc ăn ít.
Do trẻ có thói quen xấu
Cha mẹ tạo thói quen xấu cho trẻ khi ăn uống như: ăn rong, xem tivi, xe điện thoại, chơi đồ chơi khi ăn,… Nếu như không cho con chơi thì trẻ sẽ chống đối không ăn hoặc ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt. Việc này tạo cho trẻ thói quen không tập trung khi ăn, không cảm nhận được vị ngon của thức ăn khiến trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng.
Do trẻ bị mẹ ép ăn
Tình trạng biếng ăn ở trẻ 2 tuổi cũng có thể là do cha mẹ ép trẻ ăn quá nhiều, ăn những món trẻ không thích. Lâu dần điều này có thể sẽ tạo áp lực trong bữa ăn của trẻ, khiến trẻ sợ hãi, ám ảnh gây mất hứng thú trong việc ăn uống.
Do trẻ thiếu chất
Trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng như kẽm, vitamin nhóm B, sắt,… sẽ khiến trẻ không cảm thấy ngon miệng khi ăn, chán ăn. Nhất là với những trẻ thiếu kẽm, chúng sẽ làm giảm khả năng cảm nhận vị giác nên trẻ sẽ thấy đồ ăn không hấp dẫn, không muốn ăn. Ngoài ra, thiếu kẽm cũng khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ.
Cha mẹ nên làm gì để khắc phục biếng ăn ở trẻ?
Để khắc phục tình trạng biếng ăn, phụ huynh cần phải xác định chính xác nguyên nhân và thực hiện các cách dưới đây để kích thích trẻ ăn ngon miệng, có cảm giác thèm ăn.
- Thực đơn hàng ngày đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Tạo không khí thoải mái khi ăn, ngồi ăn cùng gia đình.
- Cho trẻ tham gia chuẩn bị và nấu đồ ăn để kích thích hứng thú với món ăn của trẻ. Cần đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các vật dụng sắc bén.
- Xây dựng thói quen ăn uống khoa học cho trẻ, không cho trẻ xem các thiết bị điện tử khi ăn.
- Mẹ có thể giới hạn thời gian ăn của trẻ trong khoảng 30 phút.
- Không ăn vặt trước bữa ăn chính, các bữa ăn phụ nên cách bữa ăn chính khoảng 2-3 tiếng, các bữa ăn chính cách nhau khoảng 6 tiếng đồng hồ.
- Cho trẻ vận động nhiều hơn để làm tăng cảm giác đói.
Lời kết
Qua đây cha mẹ có thể biết thêm chính xác được nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, từ đó biết thêm được những cách khắc phục giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Chúc cha mẹ thành công.