Tình trạng mỏi chân không chỉ khiến bạn khó chịu mà còn có tâm lý lo lắng không biết bản thân mắc bệnh gì. Ở bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu một số nguyên nhân chính gây ra mỏi chân và cách xử trí khi gặp phải tình huống này nhé.
Bị mỏi chân do đâu?
Mỏi chân là dấu hiệu rất hay gặp, đặc biệt vào thời điểm cuối ngày, vào ban đêm hoặc thậm chí mới sáng ngủ dậy. Chân tê mỏi khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, uể oải, mệt mỏi, vận động gặp nhiều hạn chế. Nếu kéo dài bạn sẽ luôn trong trạng thái ăn không ngon, ngủ không yên, bồn chồn, chán ăn, lười vận động, cơ thể suy nhược… gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Mỏi chân có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến ở người cao tuổi hoặc người có bệnh lý xương khớp, thần kinh, tim mạch. Sau đây là một số nguyên nhân gây mỏi chân:
Bệnh lý liên quan tới xương khớp
- Chấn thương xương khớp
- Loãng xương
- Thoái hóa xương khớp, viêm xương khớp
Bệnh lý về thần kinh – tim mạch
Nguyên nhân chính là do các tĩnh mạch bị chèn ép vào dây thần kinh và mạch máu khiến lượng máu đi nuôi dưỡng các bộ phận như cơ, khớp bị giảm khiến bệnh nhân có cảm giác mỏi chân. Bệnh lý về thần kinh, tim mạch như:
- Suy giãn tĩnh mạch chân (☛ Tìm hiểu thêm: Tại sao bị giãn tĩnh mạch chân?)
- Viêm đa rễ thần kinh
- Xơ vữa động mạch
- Thiếu máu não…
Bệnh giãn tĩnh mạch chân là một trong những nguyên nhân gây mỏi chân
Bệnh về rối loạn chuyển hóa
- Đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu
- Thừa cân, béo phì…
Bệnh lý đường tiêu hóa
- Viêm loét dạ dày
- Bệnh lý về đại tràng
- Các rối loạn tiêu hóa…
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì mỏi chân có thể do các nguyên nhân khác như lao động quá sức, không khởi động kỹ trước khi tập luyện thể thao, tập luyện quá mức, dùng thuốc kháng sinh liều cao, môi trường sống bị ô nhiễm, cơ thể nhiễm lạnh, thay đổi thời tiết liên tục…
Phải làm gì khi bị mỏi chân?
Bạn đừng nên chủ quan khi bị đau mỏi chân vì nghĩ cơ thể tự phục hồi. Nếu đau mỏi kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, sức khỏe của bạn cũng sẽ bị giảm sút đáng kể. Khi gặp phải tình trạng này bạn hãy thực hiện một số cách sau đây:
Thư giãn và nghỉ ngơi
Đau mỏi chân có thể được cải thiện nếu bạn thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, bạn hãy thực hiện các liệu pháp massage để có hiệu quả tốt hơn. Thực hiện các động tác xoa bóp nhẹ nhàng vào các vùng cơ bắp để xua tan cảm giác mỏi chân.
Đặc biệt với những người làm công việc phải đứng nhiều, bạn cần chú ý tới các mẹo nhỏ để giúp chân không bị mỏi khi đứng quá lâu. (Đọc chi tiết: 6 cách đứng lâu không bị mỏi chân)
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với cơ thể, giúp nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa các bệnh lý, đặc biệt là bệnh về xương khớp, tim mạch, thần kinh.
Bạn nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu kali, canxi như tôm, cua, cá… và các thực phẩm giàu vitamin nhóm B (B1, B2, B12). Thực phẩm này giúp tăng cường lưu thông máu với các cơ quan trong cơ thể, giúp giảm đau mỏi, phục hồi chức năng.
Hãy uống đủ nước mỗi ngày từ 1,5 – 2 lít nước. Đồng thời, cần hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, không hút thuốc lá để duy trì một sức khỏe tốt, giảm đau mỏi chân.
Tập thể dục đều đặn
Đây là biện pháp giúp giảm mỏi chân khá hiệu quả. Bên cạnh đó, việc duy trì luyện tập hàng ngày còn giúp giảm stress, tăng cường lưu thông mái, kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Trong quá trình luyện tập, nên lựa chọn các bài tập phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bản thân. Đối với những người có vấn đề về xương khớp như phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, người cao tuổi nên tránh các môn thể thao vận động mạnh, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền…
Dùng túi chườm
Chườm là phương pháp giúp giảm tê mỏi nhanh chóng, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Chườm nóng: Dùng chiếc khăn ấm hoặc nước ấm khoảng 40 – 50 độ C cho vào túi chườm chân, tiến hành chườm quanh vùng chân bị mỏi khoảng 10 – 15 phút.
- Chườm lạnh: Giúp các mạch máu co lại, giảm lưu thông máu từ đó giảm ứ dịch tại vùng bị tổn thương và tê mỏi. Cho một ít đá viên cho vào túi chườm hoặc bọc khăn vải để chườm quanh vùng chân mỏi.
Ngâm chân nước ấm
Thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm không chỉ giúp bạn thư giãn mà còn giúp kích thích mạch máu lưu thông tốt hơn, cải thiện chân tê mỏi. Bạn có thể tiến hành ngâm chân thảo dược đơn giản như trà bạc hà, ngâm chân nước gừng hoặc ngâm chân nước lá lốt…
Massage chân
Massage chân không những là biện pháp giảm đau mỏi chân một cách hiệu quả mà còn giúp cải thiện tuần hoàn. Bạn có thể tự thực hiện xoa bóp hoặc nhờ người thân giúp đỡ mình. Nếu thực hiện xoa bóp lòng bàn chân, bạn có thể dùng thêm dầu massage để giúp bôi trơn da và mang lại hiệu quả tốt hơn.
Dùng thuốc giảm đau
Nếu hiện tượng đau mỏi xảy ra nghiêm trọng khiến bạn cảm thấy khó chịu và gặp nhiều khó khăn mỗi khi vận động thì bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc giảm đau như thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs, thuốc giảm đau paracetamol, thuốc giảm đau Opioids, thuốc giãn cơ…
Lưu ý, những thuốc trên có thể xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng không đúng cách. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Nếu có điều gì bất thường trong quá trình sử dụng cần ngưng dùng ngay và thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Dùng các nguyên liệu thiên nhiên
Để giảm cảm giác đau mỏi chân tại nhà hiệu quả, bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm thiên nhiên có sẵn trong nhà của bạn như sau:
1. Gừng và muối: Bạn có thể tự làm nước ngâm chân từ gừng và muối để tăng lưu thông máu, giảm đau mỏi. Cách thực hiện cũng khá đơn giản:
- Rửa sạch gừng rồi đập dập, cho vào chậu nước ấm cùng một chút muối.
- Cho chân vào ngâm khoảng 15 phút, trong quá trình ngâm có thể thực hiện một vài động tác massage nhẹ nhàng để cảm thấy dễ chịu hơn.
Hãy thực hiện thường xuyên ngâm chân với nước muối gừng thường xuyên để thấy hiệu quả nhanh chóng hơn nhé.
2. Nghệ: Hợp chất curcumin có tác dụng giảm nhức mỏi chân rất tốt. Để giảm mỏi chân tại nhà bằng nghệ, bạn hãy thực hiện như sau nhé:
Lấy một thìa bột nghệ pha với sữa nóng để uống hàng ngày, có thể thêm chút mật ong để tăng hương vị. Hoặc sử dụng hỗn hợp nghệ, nước xoa bóp chân để giảm nhức mỏi.
3. Ngải cứu: Dùng ngải cứu trị mỏi chân tại nhà khá hữu hiệu được nhiều người áp dụng. Ngải cứu có tính nóng giúp lợi mật, kháng khuẩn, giảm đau nhức. Bạn hãy thực hiện theo các bước sau đây để giảm đau mỏi nhé.
- Lá ngải cứu rửa sạch với nước rồi cho vào nồi đun cùng một lượng nước vừa đủ, cho một ít muối hột.
- Khi ngải cứu mềm, vớt ra để nguội tới nhiệt độ phù hợp thì đắp quanh vùng nhức mỏi. Phương pháp này giúp lưu thông máu từ đó xua tan cơn đau mỏi.
4. Quế: Là vị thuốc có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như giảm nguy cơ bệnh tim mạch, kháng viêm, đặc biệt giúp lưu thông máu giảm tê bì tay chân. Bạn có thể dùng quế để giảm đau mỏi chân tại nhà đơn giản như sau:
Cho quế vào nước ấm và sử dụng mỗi ngày, có thể cho thêm chút mật ong nguyên chất vào pha cùng để tăng thêm hương vị. Bạn kiên trì thực hiện trong vài tuần sẽ thấy tình trạng đau mỏi cải thiện.
Khám sức khỏe
Có nhiều nguyên nhân bệnh lý gây ra mỏi chân mà bạn không nên chủ quan. Nếu tình trạng mỏi chân kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm ngay cả khi bạn thực hiện các mẹo cải thiện thì hãy thăm khám cụ thể tại các cơ sở y tế uy tín để xác định chính xác nguyên nhân. Tùy từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị cụ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học để đảm bảo sức khỏe.
☛ Đọc thêm: 7 cách hết mỏi chân nhanh nhất dễ thực hiện tại nhà
Đừng nên chủ quan khi bạn bị mỏi chân kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện ở đầu ngón chân. Người bệnh cần phải có biện pháp cải thiện càng sớm càng tốt để bệnh không thuyên chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Bạn cũng đừng quên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế căng thẳng kéo dài để tăng hiệu quả điều trị nhé.