Thiếu máu khi mang thai là tình trạng phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Vậy làm sao để biết thiếu máu khi mang thai? Cải thiện bằng cách nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ có được câu trả lời. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
Tìm hiểu về tình trạng thiếu máu khi mang thai
Thiếu máu khi mang thai là tình trạng mẹ bầu có lượng hồng cầu hoặc hemoglobin trong máu thấp hơn mức bình thường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như thiếu sắt, thiếu vitamin B12 và acid folic, mẹ bị mất máu… trong đó phổ biến nhất là thiếu sắt.
Khi cơ thể mẹ không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết, quá trình sản xuất hồng cầu sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu máu.
Thiếu máu thiếu sắt không chỉ khiến mẹ mệt mỏi, suy nhược mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ với các vấn đề như huyết áp, tiền sản giật, nhiễm khuẩn, băng huyết sau sinh…
Mặt khác, thiếu máu cũng làm cản trở quá trình vận chuyển dưỡng chất và oxy từ mẹ sang thai nhi. Điều này khiến thai nhi không nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết, dễ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, làm tăng nguy cơ sinh non, đồng thời khả năng phát triển thể chất và trí tuệ sau này của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
☛ Xem chi tiết: Thiếu máu thai kỳ gây ảnh hưởng ra sao?
Làm sao để biết thiếu máu khi mang thai?
Mẹ có thể nhận biết tình trạng thiếu máu khi mang thai qua một số dấu hiệu dưới đây:
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt: Thiếu máu gây ảnh hưởng đến sự lưu thông máu và oxy đến não, cũng như tăng áp lực trên các mạch máu não, dẫn đến cảm giác đau đầu, hoa mắt và chóng mặt, đặc biệt khi thay đổi tư thế đột ngột.
- Da xanh xao, nhợt nhạt: Khi tình trạng thiếu máu diễn ra, máu sẽ được ưu tiên đẩy đến các vị trí quan trọng như tim, phổi và não, dẫn đến giảm lưu thông máu dưới da, làm làn da trông tái nhợt, xanh xao.
- Khó thở: Thiếu máu khiến phổi phải làm việc hơn để cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ thể, gây áp lực lên phổi và dẫn đến tình trạng thở gấp, khó thở ngay cả khi vận động nhẹ hoặc nghỉ ngơi.
- Nhịp tim bị rối loạn: Thiếu máu dẫn đến thiếu oxy trong cơ thể, tim sẽ phải tăng cường độ hoạt động để đáp ứng nhu cầu máu, gây rối loạn nhịp tim.
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Thiếu máu làm cản trở hoạt động của các cơ quan trong cơ thể do không nhận được đủ lượng oxy cần thiết, cũng như ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa dưỡng chất thành năng lượng, gây ra mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Ngoài ra, thiếu máu cũng khiến mẹ gặp phải các vấn đề khác như rụng tóc, móng tay giòn và dễ gãy, chân tay lạnh…
☛ Tìm hiểu chi tiết: 10 dấu hiệu thiếu máu khi mang thai
Chẩn đoán thiếu máu khi mang thai
Việc chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu máu khi mang thai sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Để chẩn đoán xác định thiếu máu, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe, triệu chứng và tiền sử của mẹ để tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây thiếu máu, sau đó chỉ định mẹ thực hiện một số xét nghiệm máu.
Xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá mức độ thiếu máu và các chỉ số liên quan như:
- Số lượng hồng cầu (RBC): Đo lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu. Số lượng thấp hơn mức bình thường có thể cho thấy mẹ đang bị thiếu máu.
- Hemoglobin (Hb): Đo mức độ hemoglobin có trong máu. Mức độ thấp hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu của thiếu máu.
- Chất sắt: Đo lượng chất sắt có trong máu. Nồng độ sắt thấp có thể gợi ý về tình trạng thiếu máu.
Ngoài ra, phết máu ngoại biên (phân tích mẫu máu dưới kính hiển vi) cũng có thể được thực hiện để kiểm tra hình dạng, kích thước và sự phân bố của hồng cầu, từ đó xác định nguyên nhân thiếu máu.
Thông thường mẹ sẽ được chẩn đoán thiếu máu khi chỉ số hemoglobin (Hb) < 12g/dL, RBC < 4 triệu/μL hoặc tế bào hồng cầu trong máu (Hct) < 37%.
☛ Đọc thêm: Chỉ số sắt trong máu của bà bầu
Bị thiếu máu khi mang thai phải làm sao?
Để cải thiện, phòng ngừa thiếu máu khi mang thai mẹ cần:
Dùng thuốc sắt theo chỉ định
Các bác sĩ sản khoa thường khuyến khích mẹ bầu sử dụng thuốc sắt để điều trị và dự phòng thiếu máu do thiếu sắt. Mẹ cần sử dụng đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định hoặc tuân thủ khuyến nghị của nhà sản xuất. Đồng thời nhớ lịch khám định kỳ và tái khám đúng thời gian được hẹn để đảm bảo việc theo dõi sức khỏe và điều chỉnh liều lượng sắt phù hợp nếu cần.
Trong một số trường hợp bác sĩ cũng có thể chỉ định mẹ bổ sung vitamin B12 và acid folic để cải thiện khả năng sản xuất hồng cầu, giảm tình trạng thiếu máu.
Ăn các thực phẩm bổ máu
Dưới đây là danh sách các thực phẩm bổ máu, tốt cho mẹ bầu:
Thực phẩm giàu sắt
- Thịt bò: Mỗi 100g thịt bò chứa khoảng 2.5 – 3.0mg sắt. Thịt bò cũng góp phần cung cấp cả vitamin B6 và B12.
- Tôm: 100g tôm chứa khoảng 1.8mg sắt. Ngoài ra chúng cũng giàu chất chống oxy hóa astaxanthin và nhiều dưỡng chất khác.
- Hàu: 100g hàu có thể cung cấp 3.5mg sắt, cùng với protein, kẽm, canxi và vitamin B12.
- Bông cải xanh: Mỗi 100g bông cải xanh chứa khoảng 1.5mg sắt và cung cấp vitamin A, C, K, canxi, acid folic.
- Cải brussel: 100g cải brussel chứa khoảng 1.4mg sắt. Loại rau này cũng giàu chất xơ và vitamin C, có lợi cho quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
- Rau chân vịt: Mỗi 100g rau chân vịt chứa khoảng 1.7mg sắt, acid folic, vitamin C, canxi và beta-carotene.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C có thể giúp cơ thể hấp thu sắt hiệu quả hơn, do đó để khắc phục, phòng ngừa chứng thiếu máu thiếu sắt mẹ không nên bỏ qua các thực phẩm giàu vitamin C như:
- Trái cây có múi: Cam, quýt, bưởi, chanh…
- Quả mọng: Dâu tây, nho, mâm xôi, việt quất…
- Rau củ: Bông cải xanh, ớt chuông, rau chân vịt…
Thực phẩm giàu acid folic và vitamin B12
Acid folic và vitamin B12 cũng rất cần thiết cho quá trình tạo máu, mẹ có thể bổ sung chúng từ các nguồn thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu acid folic: Tôm, cá hồi, bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại trái cây như dâu tây, nho, bơ…
- Thực phẩm giàu vitamin B12: gan động vật, trứng, thịt bò, sữa, sữa chua, ngũ cốc, cá hồi, cá trích…
Đặc biệt, bổ sung acid folic đầy đủ trong thai kỳ cũng giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi.
Kết hợp sinh hoạt lành mạnh
Thiếu máu làm mẹ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Do đó, ngoài việc dành thời gian nghỉ ngơi, mẹ cũng nên tạo cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh để cải thiện sức khỏe, tăng hiệu quả của quá trình điều trị thiếu máu.
Mẹ có thể bắt đầu bằng việc phân chia thời gian sinh hoạt, tránh làm việc quá sức, ngủ đủ giấc 7 – 8 giờ mỗi ngày. Hãy cố gắng dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội… để giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày cũng là một thói quen tốt để giúp cải thiện hoạt động tiêu hóa, hấp thu, đồng thời giảm nguy cơ táo bón khi mang thai.
Kết luận:
Trên đây là những thông tin hữu ích về việc “Làm sao để biết thiếu máu khi mang thai?”. Hơn hết, hãy chủ động trong việc bổ sung dưỡng chất và thăm khám định kỳ để có một thai kỳ khỏe mạnh.