Cứng bụng dưới bên trái là tình trạng không ít người gặp phải. Triệu chứng này khiến chúng ta băn khoăn lo lắng không biết đây là hiện tượng gì? Liệu có phải dấu hiệu bệnh lý nào đó hay không? Để hiểu rõ hơn về dấu hiệu này, bạn đọc hãy tham khảo thông tin bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Cứng bụng dưới bên trái là bệnh gì?
Cứng bụng dưới bên trái là tình trạng bụng bị căng cứng, có thể sờ thấy cục, u ở phần bụng dưới bên trái kèm cảm giác khó chịu, đau khi ấn vào. Cục cứng có thể cảm nhận nhỏ như quả bóng bàn hoặc lớn hơn, đôi khi chúng có thể di chuyển. Triệu chứng này có thể liên quan đến một số bệnh lý dưới đây:
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là đại tràng co thắt, đại tràng chức năng. Đây là tình trạng chức năng đường tiêu hóa bị rối loạn nhưng không gây tổn thương tại ruột. Các triệu chứng của chúng dễ tái phát và kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ và bùng phát bệnh như: thói quen ăn uống thất thường, sử dụng thực phẩm lạ, có sự xâm nhập của vi sinh vật…
Hội chứng ruột kích thích gây tăng nhu động ruột, cuộn gò lên cứng bụng dưới bên trái hoặc phải, có thể cảm nhận và sờ tay thấy cục cứng bụng phía bên trái, tuy nhiên ấn vào không thấy đau. Vì vậy, triệu chứng cứng bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, bệnh còn đặc trưng bằng một số triệu chứng:
- Bụng đau âm ỉ hoặc đau quặn dọc theo khung đại tràng.
- Bụng chướng hơi, khó tiêu.
- Rối loạn đại tiện, đi ngoài táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi táo bón xen lẫn tiêu chảy.
- Phân đầu rắn, đuôi lỏng nát, có mủ nhầy, không dính máu, mùi hôi thối khó chịu.
- Mệt mỏi, chán ăn, tụt cân, suy nhược cơ thể.
Hội chứng ruột kích thích tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng của chúng kéo dài, dễ tái phát và khó chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, việc điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng. Bên cạnh đó, cách khắc phục tốt nhất là người bệnh dùng thuốc song song với cải thiện lối sống, chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa bệnh tái phát và duy trì sống chung hòa bình với bệnh.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là khối u lành tính phát triển dưới thanh niêm mạc, trong lớp cơ và thậm chí là bên ngoài tử cung của phụ nữ. U xơ tử cung phát triển đơn lẻ hoặc thành cụm trên bề mặt tử cung. Kích thước của chúng rất đa dạng, từ 0,1 – 20cm. Khi khối u xơ tử cung to, chị em thấy bụng phình to, cứng bụng dưới bên trái hoặc phải, bụng nặng nề như đang mang thai. Bên cạnh đó, một số trường hợp ấn vào có cảm giác đau và kèm theo một số biểu hiện như:
- Bụng dưới phình to, bụng chướng hơi, đầy bụng.
- Đau khi quan hệ tình dục, có thể gây chảy máu.
- Chu kì kinh nguyệt thất thường, ra máu nhiều, đau bụng dữ dội khi đến chu kì kinh nguyệt.
- Đau mỏi lưng.
- Tiểu nhiều.
- Khí hư nhiều.
Đa số các khối u xơ tử cung đều lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chị em như gây thiếu máu, tổn thương thận, dễ vô sinh… Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, chị em nên đi khám sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng khó lường có thể xảy ra.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là tình trạng xuất hiện khối cục bên trong chứa dịch hoặc chất rắn dạng như bã đậu, phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng. Khối u nang buồng trứng thường phát triển âm thầm có thể gây triệu chứng hoặc không, đôi khi chúng tự biến mất.
Khi mới hình thành khối u nang buồng trứng, chị em có thể không thấy bất cứ dấu hiệu gì. Tuy nhiên, khi khối u nang phát triển to, chúng có thể gây đau bụng dưới, cứng bụng dưới bên trái hoặc phải và một số triệu chứng đi kèm:
- Đau khi quan hệ tình dục, đau bên trái hoặc bên phải.
- Chu kì kinh nguyệt thất thường.
- Tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu dắt.
- Bụng dưới căng tức, buồn nôn…
U nang buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, hầu hết các khối u lành tính (ít gây ung thư). Tuy nhiên, trong một số trường hợp u nang buồng trứng tiến triển âm thầm trong thời gian dài, chèn ép các cơ quan nội tạng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: xoắn u nang, vỡ u nang buồng trứng… gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo chị em nên có kế hoạch khám phụ khoa định kì để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của u nang buồng trứng cũng như các bệnh phụ khoa khác tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra
Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là hiện tượng các tạng: ruột, mỡ thừa, mạc nối… trong ổ bụng chui qua lỗ tự nhiên ở ống bẹn hay các điểm yếu ở thành bụng vùng trên nếp bẹn xuống dưới da hoặc bìu tạo thành túi thoát vị.
Cứng bụng dưới bên trái hoặc phải là triệu chứng dễ gặp khi bị thoát vị bẹn. Bên cạnh đó, khi khối thoát vị to lên và sưng phồng, bạn có thể gặp phải các triệu chứng:
- Khi đứng thẳng, ho hoặc căng thẳng sẽ thấy khối thoát vị nổi lên rõ hơn.
- Thấy nóng rát và đau nhức chỗ phồng lên.
- Cảm thấy nặng nề, đau nhức lan xuống phần bìu.
- Sưng và đau quanh tinh hoàn.
- Khi cúi xuống hoặc nâng nhấc nặng sẽ thấy đau và khó chịu vùng bẹn.
Thông thường thoát vị bẹn là bệnh lý lành tính, chỉ gây khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường phát triển theo thời gian và nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng như: hoại tử ruột, nhiễm trùng, tác ruột, vô sinh… Vì vậy đây là tình trạng khẩn cấp cần phẫu thuật ngay vì có nguy cơ gây tử vong cao.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là tình trạng các tế bào trong buồng trứng tăng sinh vượt ngoài mức kiểm soát của cơ thể. Ở giai đoạn sớm, ung thư buồng trứng rất ít triệu chứng. Ở giai đoạn tiến triển về sau, bệnh thường xuất hiện dấu hiệu rõ nét hơn như:
- Cứng bụng dưới bên trái hoặc phải, bụng sưng và khó chịu.
- Đau mỏi lưng.
- Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn kéo dài.
- Rối loạn đại tiện.
- Xuất huyết âm đạo bất thường.
- Chán ăn.
Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu thường đạt hiệu quả cao. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ, chị em nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, chị em nên theo dõi sát sao sức khỏe qua thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm để phòng bệnh tốt nhất.
Viêm vùng chậu
Vùng chậu nằm ở vị trí phần bụng dưới, bao gồm: âm đạo, cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, đại trực tràng. Bệnh viêm vùng chậu là tình trạng viêm nhiễm xảy tại các cơ quan này.
Triệu chứng cứng bụng dưới bên phải là một trong những dấu hiệu của viêm vùng chậu. Bên cạnh đó, bệnh còn có một số dấu hiệu nhận biết:
- Đau bụng dưới.
- Khi hư ra nhiều.
- Cảm thấy đau khi qan hệ tình dục
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Tiểu dắt.
- Sốt.
Bệnh viêm vùng chậu nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng như: thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mãn tính, vô sinh và ung thư. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên hoặc có bất cứ thắc mắc nào về tình trạng cơ thể của mình, bạn nên đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có phương pháp can thiệp cụ thể, phòng ngừa nguy hiểm khó lường có thể xảy ra.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hiện tượng cứng bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, gây khó chịu và kèm theo các triệu chứng dưới đây thì bạn nên đến các cơ sở y tế để khám và phát hiện bệnh kịp thời, tránh để lâu gây ra biến chứng nguy hiểm:
- Bụng cứng, nặng nề.
- Đau bụng từng cơn.
- Hoa mắt, chóng mặt kéo dài.
- Rối loạn chu kì kinh nguyệt.
- Khi hư nhiều.
- Tiểu buốt, tiểu dắt.
- Tiêu chảy…
Điều trị cứng bụng dưới bên trái thế nào?
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây cứng bụng dưới bên trái kèm theo tình trạng sức khoẻ, tình trạng bệnh mà có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay theo dõi chăm sóc đặc biệt. Dưới đây là một số phương pháp điều trị theo từng nguyên nhân bệnh khác nhau:
Hội chứng ruột kích thích
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đơn lẻ nào có thể điều trị tận gộc hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, phương pháp điều trị sẽ tập trung làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc giảm đau – chống co thắt: Drotaverin, Papaverin, Spasfon, Mebeverin chlorhydrat (Duspatalin),…
- Thuốc chống tiêu chảy: Loperamide, Vinacode.
- Thuốc nhuận tràng, chống táo bón: Macrogol 4000 (Forlax), Lactulose (Duphalac), Tegaserod maleat,…
- Thuốc chống co thắt: Pasmaverine, Actapulgite, Pepto-Bismol
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc kháng sinh…
Song song với việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh hơn để phòng ngừa các triệu chứng bùng phát.
U xơ tử cung
Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị khác nhau cho phù hợp. Nếu các triệu chứng u xơ tử cung ở mức độ nhẹ và được phát hiện sớm thì người bệnh chỉ cần uống thuốc để hạn chế khối u phát triển và thu nhỏ kích thước. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc giảm đau như: ibuprofen hoặc acetaminophen, bổ sung sắt, thuốc tránh thai…
Trường hợp u xơ tử cung có kích thước lớn kèm theo triệu chứng: rong kinh, chèn ép, vô sinh… bác sĩ sẽ can thiệp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nhằm giảm thiểu triệu chứng của bệnh và ngăn không cho u xơ tử cung tái phát, tỷ lệ bảo tồn được tử cung.
U nang buồng trứng
Để điều trị u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ căn cứ vào sự tiến triển và loại u nang. Hầu hết cac u nang buồng trứng đều lành tính và không cần can thiệp điều trị, điển hình như u nang cơ năng, chúng có thể tự biến mất sau 8 đến 12 tuần.
Sau theo dõi và thăm khám khoảng 2 đến 3 chu kì kinh, bác sĩ sẽ kiểm tra xem u nang có thay đổi tính chất và kích thước hay không. Nếu u nang nhỏ đi thì không cần điều trị. Nếu khối u nang phát triển, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng nội khoa hoặc phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc áp dụng phương pháp làm co rút khối u, xạ trị hoặc hoá trị.
Thoát vị bẹn
Khi thoát vị đã hình thành, biện pháp điều trị triệt để là can thiệp bằng phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn giúp đóng lại ỗ thoát vị và tái tạo lại thành bụng bằng cách đặt tấm lưới nhân tạo tại vị trí thoát vị để làm vững thành bụng. Người bệnh có thể lựa chọn mổ hở hoặc mổ nội soi tùy vào nhu cầu của mình.
Sau 1 tuần phẫu thuật, người bệnh nên tái khám hoặc tái khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: đau vết mổ nhiều, vết mổ sưng, đỏ, có dịch mủ chảy ra… hoặc khi chỗ thoát vị bẹn cũ bị phồng trở lại.
Ung thư buồng trứng
Tùy vào sự tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, ung thư buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu hoặc trị liệu bức xạ.
Với trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn đầu, phẫu thuật là liệu pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu giúp loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Thông thường, người bệnh sẽ phải cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối, và các hạch ở ổ bụng. Tuy nhiên, nếu người bệnh muốn có con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các bộ phận chưa bị tế bào ung thư xâm lấn.
Viêm vùng chậu
Với bệnh viêm vùng chậu, phát hiện và điều trị trước khi nhiễm trùng lây lan sẽ đem lại kết quả nhanh nhất. Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh bằng phương pháp uống hoặc tiêm. Nếu viêm vùng chậu đã có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần nhập viện để truyền kháng sinh và theo dõi.
Ngoài ra, trường hợp kháng sinh không điều trị được các ổ áp xe quanh ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, hoặc ổ áp xe bị vỡ, bác sĩ có thể phải phẫu thuật (thường là phẫu thuật nội soi) để dẫn lưu mủ. Bên cạnh đó, bạn tình của người bệnh cũng cần khám để điều trị nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Lời khuyên từ chuyên gia
Cứng bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, theo các chuyên gia, nếu có triệu chứng cứng bụng dưới bên trái người bệnh cần:
- Ghi nhớ thời điểm bắt đầu cứng bụng, các triệu chứng đi kèm nếu có. Những thông tin này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán lâm sàng.
- Khi xuất hiện cứng bụng, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh để tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.