Viêm đau dạ dày cấp thường được khởi phát một cách đột ngột, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh. Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính khiến việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm. Hiểu được điều đó, trong bài viết dưới đây, dadaykhoe.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm đau dạ dày cấp theo Bộ Y tế giúp bạn có phương pháp điều trị phù hợp nhé.
Mục lục
Viêm đau dạ dày cấp
Viêm loét dạ dày cấp là tình trạng lớp niêm mạc trên cùng của dạ dày bắt đầu trở nên sưng đỏ, trầy xước, bị trợt lở. Viêm đau dạ dày cấp thường khởi phát đột ngột và đi qua nhanh chóng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể tiến triển sang viêm đau dạ dày mãn tính, làm tăng nguy cơ mắc ung thư nếu không được chăm sóc sớm và điều trị cụ thể.
Nguyên nhân gây viêm đau dạ dày cấp
Có nhiều nguyên nhân gây viêm đau dạ dày cấp, tuy nhiên dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
Vi khuẩn Hp
Vi khuẩn H.pylori được coi là nguyên nhân chính gây ra các bệnh viêm loét dạ dày, đau dạ dày cấp. Đây là loại vi khuẩn khí Gram âm có thể sống tại niêm mạch dạ dày, tiết ra men phá hủy các tế bào niêm mạc dạ dày. Đa số, vi khuẩn Hp không có biểu hiện bất thường nhưng đôi khi chúng gây tổn thương hang môn vị và lây sang phần còn lại của dạ dày và cuối cùng đến tá tràng. Theo thời gian tổn thương ăn mòn lâu hơn cuối cùng gây loét dạ dày tá tràng.
Vi khuẩn Hp rất dễ lây lan qua các đường như ăn uống, dùng chung bát đũa, qua đường phân, miệng, … nên việc điều trị hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Lạm dụng thuốc
Sử dụng thuốc Tây trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày âm ỉ kéo dài bởi các loại thuốc này có thể làm giảm chất bảo vệ dạ dày prostagladine khiến dạ dày dễ bị viêm loét.
Ngoài ra, lạm dụng một số loại thuốc giảm đau như: ibuprofen, diclofenac,… có thể gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm loét.
Tâm lý
Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài có thể gây tăng tiết dịch vị, niêm mạc dạ dày bị tổn thương viêm loét. Điều này hay gặp ở những bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý suy gan, suy thận, chấn thương, sau phẫu thuật… dễ vị viêm đau dạ dày cấp do sử dụng thuốc.
Do chế độ ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học là yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm đau dạ dày cấp như:
- Ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, những thực phẩm không phù hợp như: cứng, khó tiêu…
- Ngộ độc thực phẩm do ăn những thực phẩm nhiễm hóa chất hoặc nhiễm các vi khuẩn gây bệnh gây viêm đau dạ dày cấp tính.
- Thường xuyên hút thuốc, nghiện thuốc lá.
- Uống nhiều chất kích thích như bia, rượu, chè đặc, cà phê.
- Ăn uống vội vàng, ăn không nhai kĩ, ăn không đúng bữa, bữa quá no, quá đói.
- Thường xuyên thức đêm, ăn đêm, làm việc quá sức gây kích thích tăng tiết dịch vị, niêm mạc dạ dày bị bào mòn.
Phác đồ điều trị viêm đau dạ dày cấp theo bộ y tế
Nguyên tắc điều trị
Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm đau dạ dày cấp. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không tự điều trị theo bất cứ phương pháp nào mà chưa được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Ngoài ra, không có bất cứ phác đồ điều trị nào dùng chung cho tất cả các trường hợp. Tuỳ vào tình trạng bệnh lý của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, dựa trên cơ sở phác đồ chung của Bộ Y tế.
Các phương pháp điều trị cần dựa trên nguyên tắc chung như:
- Sử dụng thuốc ức chế và cân bằng yếu tố phá hủy – bảo vệ.
- Lấy điều trị nguyên nhân làm gốc rễ.
- Điều trị bằng thuốc kết với điều chỉnh thói quen sinh hoạt.
Một số loại thuốc điều trị viêm đau dạ dày cấp
Một số thuốc có thể được chỉ định dùng trong điều trị viêm đau dạ dày cấp bao gồm:
1. Nhóm thuốc kháng acid:
Một số thuốc thường được sử dụng: Actapulgite, Maalox,…
- Cách dùng: Dùng theo liều lượng hướng dẫn, nên dùng trước bữa ăn 30 phút hoặc sau ăn 1 giờ. Ngoài ra, có thể dùng thuốc khi có cơn đau dạ dày nhưng chỉ được sử dụng tối đa 3 lần/ngày.
- Ưu điểm: Giúp cân bằng độ Ph trong dịch vị, giúp giảm đau và bảo vệ các tế bào ở niêm mạc dạ dày. Nhóm thuốc này có những chế phẩm còn có tác dụng hỗ trợ chống đầy hơi, che phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Nhược điểm: Nhóm thuốc này giúp mang lại hiệu quả nhanh nhưng chỉ duy trì hiệu quả trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, thuốc còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón hoặc tiêu chảy.
2. Nhóm kháng thụ thể H2 (Anti H2):
Một số thuốc thường được dùng như: Ranitidin, Cimetidin…
- Cách dùng: Dùng theo hướng dẫn, nên dùng trước ăn 30 phút và khoảng 2 lần/ngày. Trong trường hợp bệnh nhân có dùng kèm thuốc kháng axit thì 2 loại này cần uống cách nhau 2 giờ đồng hồ.
- Ưu điểm: Nhóm thuốc này có tác dụng nhanh ngay trong ngày đầu sử dụng, giá thành rẻ, kiểm soát tốt lượng dịch vị tiết ra ngay cả vào ban đêm. Bên cạnh đó, thuốc làm giảm cả bài tiết dịch vị cơ bản và dịch vị kích thích: Giảm 90% bài tiết dịch vị cơ bản, 50 – 70% bài tiết dịch vị 24h.
- Nhược điểm: Thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ như: viêm gan, suy thận, vú to ở nam giới. Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc có hiện tượng dung nạp thuốc xảy ra sau 1 tuần điều trị nên hiện nay cũng ít sử dụng.
3. Thuốc ức chế bơm proton:
Một số thuốc thường được sử dụng: Esomeprazole, Omeprazole, Rabeprazole, Pantoprazole…
- Cách dùng: Uống trước bữa ăn chính 15 – 30 phút, thường được dùng với liều tiêu chuẩn 1 lần /ngày. Cụ thể: Omeprazole 20mg/ngày, Pantoprazole 40mg/ngày, Rabeprazole 20mg/ngày, Esomeprazole 20 – 40mg/ngày.
- Ưu điểm: Đây là nhóm thuốc ít gây tác dụng nhất, so với các loại thuốc kháng axit thì có tác dụng chậm hơn kháng axit nhưng lại có khả năng ức chế axit mạnh nhất cho đến nay,
- Nhược điểm: Với một số trường hợp, thuốc có thể gây tiêu chảy nhẹ hoặc hơi đau đầu.
4. Thuốc tăng cường bảo vệ niêm mạc:
Một số thuốc thường được sử dụng: Sucralfate, Rebamipide, Bismuth, Misoprostol…Cụ thể:
Sucralfate
- Cách dùng: Uống trước bữa ăn 15–30 phút. Liều trung bình 1000mg x 4 lần/ngày.
- Ưu điểm: Thuốc có tác dụng nhanh (tạo lớp nhầy bọc niêm mạc)
- Nhược điểm: Thuốc có tác dụng ngắn và dễ gây táo bón.
Rebamipide
- Cách dùng: Dùng trước hoặc sau bữa ăn. Liều 100mg x 3 lần/ngày.
- Ưu điểm: Thuốc có tác dụng kháng viêm tại chỗ trên niêm mạc ống tiêu hóa, kích thích sự bài tiết Prostaglandin nội sinh tại niêm mạc dạ dày. Từ đó, thúc đẩy quá trình làm lành loét cũng như chất lượng lành viêm loét dạ dày hành tá tràng, đặc biệt là đối với các ổ loét có kích thước ≥ 2cm. Thuốc ít gây tác dụng phụ.
Bismuth: Tác dụng chính là tiêu diệt vi khuẩn Hp và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Misoprostol:
- Ưu điểm: Tác dụng tương tự như Sucralfate giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày qua cơ chế tăng tiết chất nhầy và bicarbonat. Ngoài ra thuốc còn làm gia tăng lưu lượng máu chảy tới niêm mạc.
- Nhược điểm: Thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ nên ít được chỉ định dùng.
Điều trị viêm đau dạ dày cấp có vi khuẩn Hp
Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về dạ dày. Vì vậy, trong trường hợp người bệnh được chẩn đoán có sự hiện diện của vi khuẩn Hp, người bệnh cần nhanh chóng tiến hành điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm đau dạ dày cấp do vi khuẩn Hp của Bộ y tế bạn có thể tham khảo:
Phác đồ kết hợp 3 thuốc:
Thời gian điều trị: 7 – 10 ngày
Cách sử dụng: PPI + A + C
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
- Amoxicillin 500mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
- Clarithromycin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
Phác đồ kết hợp 3 thuốc có Levofloxacin:
Thời gian điều trị: 10 ngày
Cách sử dụng: PPI + A + L
- Thuốc ức chế tiết axit qua bơm proton: uống trước bữa ăn 30 phút, 2 lần/ngày;
- Levofloxacin 500 mg: dùng buổi sáng và tối sau ăn, 1 viên/lần;
- Amoxicillin 500mg: dùng buổi sáng và tối sau ăn, 2 viên/lần.
Phác đồ nối tiếp chia theo 2 giai đoạn:
Thời gian điều trị: 10 ngày. (5 ngày đầu: PPI + A và 5 ngày tiếp theo: PPI + C + Ti)
Giai đoạn 1: (5 ngày đầu):
- Sử dụng thuốc ức chế tiết axit qua bơm proton: 2 lần /ngày, trước bữa ăn 30 phút.
- Thuốc amoxicillin 500mg: uống 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
Giai đoạn 2: (5 ngày kế tiếp):
- Thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
- Clarithromycin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
- Tinidazol 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
Phác đồ kết hợp 4 thuốc:
Các thuốc sử dụng trong phác đồ bao gồm Bismuth
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
- Tetracyclin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
- Metronidazole 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
- Bismuth 240mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
Phác đồ bao gồm không có Bismuth:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
- Amoxicillin 500mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
- Clarithromycin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
- Metronidazole 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn. Hoặc Tinidazol 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
Điều trị ngoại khoa
Hiện nay, với sự tiến bộ của thuốc điều trị, tỷ lệ làm lành viêm đau dạ dày cấp đạt hiệu quả cao. Vì vậy, điều trị viêm đau dạ dày cấp bằng phương pháp nội khoa được sử dụng là chủ yếu. Phương pháp điều trị ngoại khoa chỉ sử dụng trong trường hợp viêm đau dạ dày cấp có nghi ngờ biến chứng, diễn biến nặng, ác tính hoặc khi có dấu hiệu:
- Xuất huyết, chảy máu dạ dày đã điều trị bằng phương pháp nội khoa nhưng không mang lại hiệu quả.
- Thủng dạ dày.
- Rò dạ dày vào các bộ phận lân cận.
- Hẹp môn vị
- Ung thư dạ dày.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hỗ trợ điều trị viêm đau dạ dày cấp
Bên cạnh thực hiện phác đồ điều trị trên, người bệnh cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khoẻ. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị và khả năng tái phát bệnh. Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh:
Chế độ ăn uống:
- Người bệnh nên có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khoẻ và tăng đề kháng
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu, có nguồn gốc từ thực vật
- Hạn chế các món chiên xào, nhiều dầu mỡ, gia vị chua, cay, đồ ăn đông lạnh nhiều chất bảo quản.
- Tránh xa bia, rượu, thuốc lá, cà phê, chè đặc, nước ngọt có ga.
- Tránh ăn các món tái sống như gỏi, rau sống…
- Nên ăn các món ăn nấu chín kĩ, ninh nhừ, mềm
- Nên nhai kĩ, ăn uống đúng bữa, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Sau khi ăn no không làm việc nặng, không hoạt động thể thao.
- Hạn chế ăn đêm, ăn khuya, ăn quá gần giờ đi ngủ.
Chế độ sinh hoạt:
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức quá khuya.
- Nên sắp xếp công việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài.
- Thường xuyên vận động thể thao giúp tăng cường sức khoẻ, tăng sức đề kháng, giúp hệ tiêu hoá hoạt động khoẻ mạnh hơn.
Trên đây là một số thông tin tham khảo về phác đồ điều trị bệnh viêm đau dạ dày cấp giúp bạn năm được phương pháp điều trị và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Nếu bạn mắc viêm đau dạ dày cấp và loay hoay tìm phương hướng điều trị, hãy đến ngay các bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định điều trị phác đồ điều trị sớm nhất.