Nhiều người băn khoăn, lo lắng khi thấy cứng bụng bên phải. Không biết đây là hiện tượng gì, liệu có tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh lý nào đó hay không? Nếu đang băn khoăn về vấn đề này, bạn hãy tham khảo thông tin bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.
Mục lục
Cứng bụng dưới bên phải là bệnh gì?
Cứng bụng dưới phía bên phải là tình trạng căng cứng, đôi khi có cảm giác bụng cứng gồ lên khó chịu. Hiện tượng này có thể liên quan đến một số bệnh lý, cụ thể như:
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là đại tràng co thắt. Đây là bệnh lý đường tiêu hóa không gây tổn thương tại ruột nhưng các triệu chứng của chúng khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Nguyên nhân gây bệnh thường do chế độ ăn uống, sinh hoạt thất thường, ăn những thực phẩm lạ, lạm dụng thuốc…
Hiện tượng cứng bụng dưới bên phải có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích. Bệnh gây tăng nhu động ruột, cuộn gò lên cứng bụng dưới bên trái hoặc phải, sờ tay lên vị trí đó có thể thấy nổi cục ở bụng phía bên phải, ấn vào không thấy đau. Bên cạnh cứng bụng dưới bên phải, bệnh còn có một số biểu hiện:
- Đau quặn bụng âm ỉ, từng cơn quặn thắt, đau dọc theo khung đại tràng.
- Đi ngoài tiêu chảy hoặc táo bón, có khi xen kẽ cả hai.
- Phân đầu rắn, đuôi lỏng nát, có mủ nhầy, không có máu.
- Chướng bụng, đầy hơi, sôi bụng, ấm ách, khó tiêu.
- Mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể.
Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng kéo dài, dễ tái phát gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để điều trị bệnh, bác sĩ thường dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh để ngăn ngừa triệu chứng bệnh bùng phát.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính, bệnh thường ảnh hưởng đến hồi tràng, đại tràng và có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của đường tiêu hoá. Do dính ruột, hạch mạc treo phì đại, xuất hiện lỗ rò bên trong hoặc hình thành áp xe nên thường thấy cứng bụng dưới bên phải, sờ tay thấy cục cứng, các khối kích thước vừa phải, không rõ ràng. Bên cạnh đó, bệnh Corhn còn có một số biểu hiện dễ nhận biết như:
- Các cơn đau bụng mãn tính, đau quặn từng cơn.
- Đau xung quanh hậu môn, rò hậu môn.
- Tiêu chảy.
- Dính máu trong phân.
- Sốt.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị bệnh Crohn khỏi hoàn toàn và cũng không có cách điều trị nào phù hợp với tất cả mọi người. Mục tiêu của việc điều trị là giúp giảm viêm, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là tình trạng các tế bào tăng trưởng bất thường ở đại tràng – trực tràng. Chúng không chỉ xâm lấn, phát triển tại đại trực tràng mà còn lan sang các bộ phận khác của cơ thể, hay còn gọi là di căn. Ở giai đoạn đầu của bệnh, một số người thấy cứng bụng dưới bên phải, có thể sờ nắn thấy u cục đoạn kết tràng bên phải giống đốt dây thừng, có thể di động. Triệu chứng của bệnh đến giai đoạn sau rõ ràng hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu bạn cần hết sức chú ý:
- Đau quặn bụng.
- Chướng bụng, đầy hơi.
- Thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy hoặc táo bón, phân mỏng dẹt, sẫm màu kèm máu, dịch nhầy.
- Đi cầu không hết phân.
- Mệt mỏi, cơ thể suy nhược, sụt cân nhanh.
Ung thư đại tràng trực tràng gây tỉ lệ tử vong cao nếu phát hiện muộn. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Vì vậy, mỗi người cần chủ động tầm soát kiểm tra sức khỏe định kì, kịp thời phát hiện và điều trị giúp tăng cơ hội khỏi bệnh, tránh những diễn biến khó lường.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào trong dạ dày tăng trưởng đột biến mất kiểm soát. Chúng xâm lấn tới các mô lân cận, phát triển thành khối u đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Ung thư dạ dày khi chuyển sang giai đoạn sau, các tế bào ung thư di chuyển qua lớp niêm mạc dạ dày, khối u cục gây cứng bụng dưới có thể sờ nắn thấy. Ngoài ra, bệnh còn có một số dấu hiệu cảnh báo như:
- Chướng bụng, đầy hơi, đầy bụng, buồn nôn sau khi ăn.
- Ợ chua, ợ nóng khó chịu.
- Đau bụng dữ dội.
- Sụt cân nhanh.
- Xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Những triệu chứng ung thư dạ dày dễ khiến bạn nhầm lẫn với các bệnh dạ dày thông thường nên thường bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Vì thế, khi xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên chủ động đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển nặng.
U xơ tử cung
U xơ tử cung hay còn gọi là u tử cung. Đây là dạng u lành tính phát triển dưới thanh mạc, niêm mạc, trong lớp cơ và thậm chí là bên ngoài tử cung của phụ nữ. U xơ tử cung có kích thước đa dạng từ 0,1 cm đến hơn 20 cm. Khối u xơ phát triển to, người bệnh cảm thấy nặng nề như mang thai, căng cứng bụng dưới bên phải, khi ấn vào có thể thấy đau và một số triệu chứng:
- Bụng dưới to bất thường, chướng bụng, đầy bụng.
- Chu kì kinh nguyệt thất thường, ra máu dài ngày, đau đớn khó chịu khi đến kì kinh.
- Đau mỏi lưng, áp lực lên vùng chậu.
- Đi tiểu nhiều.
- Quan hệ tình dục đau, chảy máu.
- Khí hư ra nhiều.
Hầu hết các khối u xơ tử cung đều lành tính, hiếm khi chuyển thành ung thư nhưng nó cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: thiếu máu, tổn thương thận, dễ sảy thai, thậm chí vô sinh. Khi thấy có những biểu hiện trên, chị em không nên chủ quan, cần thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để được chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất.
Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng trong ổ bụng như: ruột, mỡ thừa, mạc nối… chui qua ống bẹn hay các điểm yếu ở thành bụng vùng trên nếp bẹn xuống dưới da hoặc bìu tạo thành túi thoát vị. Hầu hết khi bị thoát vị bẹn, bạn sẽ thấy căng cứng vùng bụng dưới bên phải hoặc trái. Khi khối thoát vị to lên thì thấy sưng phồng vùng bẹn và gây ra một số triệu chứng:
- Nóng rát, đau nhức chỗ phồng lên.
- Khối thoát vị thấy rõ hơn khi đứng thẳng, ho hoặc căng thẳng.
- Đau, khó chịu vùng bẹn nhất là khi cúi xuống, ho hoặc nhấc nâng nặng.
- Cảm giác nặng nề, có kéo, đau lan xuống bìu.
- Đau, sưng đỏ quanh tinh hoàn.
Thoát vị bẹn rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: vô sinh, tắc ruột, hoại tử ruột, nhiễm trùng,… đe dọa tính mạng người bệnh.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Cứng bụng dưới bên phải kéo dài không rõ nguyên nhân khiến bạn lo lắng, khó chịu và mệt mỏi. Bạn nên chủ động thăm khám kịp thời để được chẩn đoán, phát hiện sớm và có phương pháp điều trị cụ thể, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, cứng bụng dưới bên phải kèm các triệu chứng dưới đây, bạn cần đi khám ngay lập tức:
- Đau quặn bụng từng cơn.
- Tiêu chảy kéo dài.
- Nôn mửa.
- Bụng căng tức kèm hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
Biện pháp điều trị cứng bụng dưới bên phải
Sau khi thăm khám, kiểm tra và xác định rõ nguyên nhân gây cứng bụng dưới bên phải, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cho từng loại bệnh, cụ thể như sau:
Hội chứng ruột kích thích
Trường hợp bị cứng bụng dưới bên phải do hội chứng ruột kích thích, bạn có thể áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện triệu chứng và hạn chế phòng ngừa bệnh tái phát như:
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, không bỏ bữa, không ăn quá no cũng như để bụng quá đói.
- Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ.
- Hạn chế ăn gỏi, rau sống, đồ ăn chưa chín kĩ.
- Tránh ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị chiên rán.
- Hạn chế bia, rượu, đồ uống có ga, cà phê, thuốc lá.
- Hạn chế ăn thức ăn lạ, đồ ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh.
- Có thói quen vận động thể thao thường xuyên giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe và giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn.
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, việc điều trị tập trung vào triệu chứng và phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra. Một số thuốc bác sĩ thường được dùng để điều trị bệnh như:
- Thuốc chống co thắt: Spasmaverine, Actapulgite, Pepto-Bismol.
- Thuốc trị tiêu chảy: Loperamide, Vinacode.
- Thuốc trị táo bón: Linaclotide, Lubiprostone
- Thuốc giảm đau: Pregabalin, Gabapentin
- Thuốc chống trầm cảm…
Xem tham khảo: Bị hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì?
Bệnh Crohn
Hiện tại, chưa có phương pháp nào điều trị bệnh Corhn khỏi hoàn toàn và không có phương pháp nào phù hợp với tất cả người bệnh. Mục tiêu của điều trị là giảm viêm gây triệu chứng, hạn chế biến chứng. Người bệnh được khuyến cáo:
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày, bổ sung đầy đủ chất xơ, trái cây và rau quả tươi, hạn chế chất béo, các sản phẩm từ sữa.
- Sử dụng một số loại thuốc kê đơn: kháng viêm 5-aminosalicylate dạng uống hoặc corticosteroid, thuốc điều hoà miễn dịch, thuốc kháng sinh, thuốc sinh học (thuốc chống TNF, thuốc ức chế interleukin…)
Khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Mục đích của phương pháp này nhằm cắt bỏ phần ruột bị tổn thương, bảo toàn những vùng khỏe mạnh. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn phải sử dụng thuốc giảm triệu chứng, tăng phục hồi và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Ung thư đại trực tràng
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng. Tùy vào tình trạng sức khỏe, giai đoạn ung thư mà bác sĩ sẽ áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị cùng một lúc như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dùng thuốc, đốt hay áp lạnh… Quan trọng là điều trị ung thư ở giai đoạn sớm sẽ đơn giản và hiệu quả hơn so với giai đoạn sau hoặc ung thư đã di căn.
Ung thư dạ dày
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày. Tùy theo từng giai đoạn bệnh, vị trí tổn thương, thể trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Có ba phương pháp điều trị chính bao gồm: phẫu thuật, xạ trị và hoá trị. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của định của bác sĩ, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm hạn chế tiến triển của bệnh.
U xơ tử cung
Tùy thuộc vào kích thước, số lượng, vị trí cũng như những triệu chứng mà khối u gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho phù hợp. Trường hợp u xơ tử cung không gây ra bất cứ triệu chứng nào thì không cần điều trị. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u qua các kì tái khám định kì.
Trường hợp u xơ tử cung biểu hiện nhẹ sẽ được kê thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen, bổ sung sắt, thuốc tránh thai… Nếu u xơ gây triệu chứng trầm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng phương pháp phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập luyện thể thao để nâng cao sức khoẻ góp phần ngăn ngừa nguy cơ u xơ tử cung tái phát
Thoát vị bẹn
Phương pháp điều trị triệt để bệnh thoát vị bẹn là phẫu thuật. Tùy vào từng tình huống cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi để cắt bỏ túi thoát vị đồng thời tái tạo lại thành bụng vững chắc hơn.
Bạn có thể phòng ngừa thoát vị bẹn bằng cách xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như: bổ sung chất xơ, rau xanh, trái cây tươi, uống đầy đủ nước mỗi ngày, tránh táo bón, tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, tránh các hoạt động gây áp lực lớn lên vùng bụng… Ngoài ra, bạn nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ và khám chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ để có biện pháp điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.