Bên cạnh niềm hạnh phúc khi được làm mẹ thì hầu hết chị em đều lo lắng bởi những thay đổi trong cơ thể trong giai đoạn thai kì. Căng tức bụng dưới khi mang thai là một trong những thay đổi dễ gặp nhất khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi không biết tình trạng này có sao không, ảnh hưởng gì đến em bé không? Để giải đáp thắc mắc này, chị em tham khảo thông tin cụ thể qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Căng tức bụng dưới khi mang thai có sao không?
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng căng tức bụng dưới khi mang thai. Trong đó có những nguyên nhân gây nguy hiểm tới bà bầu cần được theo dõi. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân sinh lý bình thường không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Dưới đây là một số nguyên nhân bạn có thể tham khảo:
Căng tức bụng dưới khi mang thai không gây nguy hiểm
Sức ép của thai nhi lên khoang bụng
Các giáo sư tại Đại học Florida tại Gainesville cho biết khi thai nhi lớn, chúng tạo ra sức ép lên bàng quang, trực tràng, thành bụng cũng như hệ cơ xương gây tình trạng căng tức bụng dưới càng rõ ràng. Điều này cũng cho thấy sức khỏe thai kỳ đang tiến triển bình thường, mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Đau dây chằng
Thai nhi lớn dần, tử cung mở rộng cũng kéo căng các dây chằng lớn ở trước bụng và bao quanh hông. Khi đó, bà bầu sẽ cảm thấy khó chịu, căng tức bụng dưới. Triệu chứng này sẽ càng rõ rệt khi bạn thay đổi vị trí đột ngột như: đứng, ngồi, nằm… Bà bầu bị căng tức bụng dưới do dây chằng sẽ cảm nhận rõ nhất trong kỳ tam cá nguyệt thứ hai và sau đó sẽ giảm dần. Nếu mẹ bầu vẫn cảm thấy quá khó chịu thì hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và có phương pháp giảm đau phù hợp nhé.
Thay đổi chu kì kinh nguyệt
Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu thường có có dấu hiệu căng tức bụng dưới. Nguyên nhân bởi phôi thai bắt đầu được cấy vào thành tử cung, các chấn giả của trứng bám vào niêm mạc gây ra những cơn đau râm ran và căng tức vùng bụng dưới. Khi phôi thai bám vào được tử cung và làm tổ ổn định, tình trạng căng tức bụng dưới sẽ giảm dần. Nếu dấu hiệu căng tức bụng dưới khi mang thai diễn ra thường xuyên, mẹ bầu nên đi khám bác sĩ để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Cơn gò Braxton Hicks
Cơn gò co thắt Braxton Hicks là một trong những nguyên nhân khiến bà bầu bị căng tức bụng dưới. Đôi khi chúng gây cảm giác khó chịu nhưng hoàn toàn lành tính. Bà bầu nên phân biệt cơn gò cứng bụng dưới sinh lý và cơn gò chuyển dạ. Thông thường với cơn gò Braxton Hicks chị em vẫn có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Nếu cơn gò gây căng tức bụng dưới kèm theo đau cứng bụng liên tục kéo dài, chảy máu âm đạo thì mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
Táo bón
Ở tam cá nguyệt thứ nhất, hầu như các mẹ bầu đều gặp tình trạng táo bón bởi cơ thể tiết ra nhiều các hormone thai kỳ nhất là progesterone gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, nhu động ruột và quá trình đẩy chất thải ra ngoài. Triệu chứng phân cứng, khô, mẹ bầu ít đi ngoài hơn sẽ khiến đầy hơi, căng tức bụng. Với tình trạng này, mẹ bầu cần thay đổi chế độ ăn uống, uống nhiều nước, ăn rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ và vitamin để cải thiện triệu chứng.
Căng tức bụng dưới khi mang thai gây nguy hiểm
Bên cạnh căng tức bụng dưới bắt nguồn từ một số nguyên nhân thông thường thì cũng có một số nguyên nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé như:
Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài các vị trí như: vòi tử cung, ở buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng… Khi mang thai ngoài tử cung, chị em cũng có những dấu hiệu như mang thai bình thường như: chậm kinh, buồn nôn, ngực căng tức, nôn ói… Tuy nhiên, có một số dấu hiệu bất thường dưới đây cảnh báo mang thai ngoài tử cung chị em cần lưu ý:
- Ra máu bất thường, ra máu nhiều ngày, máu có màu đỏ thẫm.
- Bụng căng tức khó chịu.
- Đau âm ỉ, đau dữ dội bụng dưới, đau bụng mót rặn như táo bón.
Nếu chị em thấy đau bụng, căng tức vùng bụng dưới khi mang thai nên lập tức đi bệnh viện để khám và siêu âm ngay xem trứng đã vào tử cung hay làm tổ chưa, tránh diễn biến nguy hiểm có thể xảy ra.
Bong nhau thai
Bong nhau thai thường xảy ra trong 3 tháng đầu khi mang thai. Đây là tình trạng nhau thai bị bong tách khỏi thành tử cung của mẹ bầu. Hiện tượng bong nhau thai gây ngăn cản chất dinh dưỡng, oxy từ mẹ sang con khiến thai nhi thiếu dinh dưỡng để phát triển.
Khi bị bong nhau thai, mẹ bầu thường gặp một số dấu hiệu:
- Đau bụng âm ỉ, căng tức bụng dưới.
- Chảy máu âm đạo.
- Choáng váng.
Tuỳ theo tình trạng bong nhau thai mà bác sĩ sẽ đưa ra được mức độ nguy hiểm với mẹ và thai nhi. Nếu mức độ bong nhau khoảng 10%, mẹ bầu được chỉ định dưỡng thai và thai nhi có thể hoàn toàn phát triển khỏe mạnh. Nếu mức độ bong khoảng 30%, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị sảy thai lên tới 50%. Nếu mức độ trên 50% thì khả năng cao, thai nhi sẽ không giữ được. Vì vậy, khi mẹ bầu thấy có những triệu chứng trên nên đến viện để được thăm khám, điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Dấu hiệu sinh non
Thông thường, một thai kỳ bình thường sẽ diễn ra trong 9 tháng 7 ngày (tương đương 40 tuần). Sinh non hay còn được gọi là đẻ non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Trong giai đoạn mang thai, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và xử lý nhanh nhất:
- Âm đạo ra nhầy, máu hoặc rỉ dịch lỏng.
- Đau âm ỉ, đau quặn, căng tức vùng bụng dưới.
- Có cơn gò, đau co thắt tử cung liên tục.
- Vỡ ối, chảy ối.
- Đau thắt vùng lưng liên tục, âm ỉ.
- Áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng tăng lên.
Trẻ sinh càng non thì các nguy cơ sức khỏe càng nghiêm trọng như: phổi chưa trưởng thành tiềm ẩn nguy cơ suy hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, loạn sản phổi…). Do vậy, ba mẹ cần theo dõi kỹ thai kỳ của mình nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có phương án điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các di chứng ảnh hưởng về sau.
Sảy thai
Sảy thai là tình trạng thai nhi bị mất trước tuần 20 của thai kỳ. Dấu hiệu phổ biến nhất của sảy thai là ra máu âm đạo. Bên cạnh đó, sảy thai còn có một số dấu hiệu:
- Đau bụng dưới.
- Dịch nhờn âm đạo nhiều.
- Mất các triệu chứng thai nghén đang có.
Có một số trường hợp sảy thai do thai phát triển ngoài tử cung mà bạn có thể nhận biết như:
- Đau bụng dai dẳng và dữ dội, thường đau ở một bên.
- Chảy máu âm đạo, thường xuất hiện sau khi cơn đau bắt đầu.
- Đau bụng đi ngoài buồn nôn.
- Chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu.
Bà bầu gặp các triệu chứng trên cần được đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hầu hết trường hợp mang thai những tháng đầu bị căng tức bụng dưới là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng căng tức bụng dưới kèm theo bất cứ dấu hiệu nào dưới đây thì mẹ bầu cần chú ý đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.
- Đau bụng dưới đột ngột, dữ dội khi đang ở giai đoạn đầu thai kì.
- Bụng căng tức không giảm, kèm theo sốt, gai người.
- Đau thắt lưng, chảy máu vùng kín bất thường.
- Đi tiểu rắt, tiết dịch âm đạo có máu và mùi hôi khó chịu.
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
- Nếu thai kì của bạn đang ở tuần 37 thì bụng dưới căng tức kèm cơn đau co thắt có thể là dấu hiệu sinh sớm.
Bị căng tức bụng dưới khi mang thai cần làm gì?
Căng tức bụng dưới khi mang thai kèm theo một số dấu hiệu khác lạ, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được khám và có biện pháp điều trị. Trường hợp căng tức bụng dưới khi mang thai không đi kèm các triệu chứng khác lạ là hiện tượng thai kì hoàn toàn bình thường, mẹ bầu chỉ cần căn chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động theo gợi ý dưới đây thì triệu chứng sẽ được cải thiện:
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Thai nhi ngày một lớn lên đồng nghĩa với việc bà bầu sẽ xuất hiện căng tức bụng dưới nhiều hơn. Vì vậy, mẹ bầu cần chuẩn bị sức khoẻ thật tốt để không quá mệt và có một thai kì khoẻ mạnh. Dưới đây là một số gợi ý mẹ bầu có thể tham khảo:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung cân đối các nhóm dưỡng chất thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt bò, tôm, cá, rau xanh và trái cây tươi.
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày, hạn chế nước ngọt, nước có ga, nước đóng chai nhiều chất bảo quản.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị chua cay.
- Bổ sung sữa chua hằng ngày giúp ổn định hệ vi sinh đường ruột và tiêu hoá tốt hơn.
- Không nên ăn quá no, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để tránh tình trạng căng tức bụng.
Bên cạnh đó, mẹ bầu đừng quên bổ sung vitamin, khoáng chất thiết yếu cho thai kì bằng các loại thực phẩm bổ sung như: sắt, canxi, axit folic, DHA… giúp phòng ngừa thiếu máu và thiếu canxi khi mang thai.
Có thói quen vận động hằng ngày
Khi vận động, cơ thể tiết ra chất endorphin giúp đem lại cảm giác hưng phấn, giảm căng thẳng, lo lắng, giảm căng tức bụng dưới khi mang thai. Ngoài ra, vận động hợp lý đều đặn trong suốt thai kì còn giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ béo phì, không có cảm giác đau lưng, mỏi mệt trong quá trình mang thai và quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn. Mẹ bầu có thể tham khảo một số môn thể thao phù hợp với sức khoẻ như: đi bộ, thiền, yoga, bơi… Chú ý, mẹ chỉ tập luyện vừa phải, tránh tập luyện quá sức nhé.
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Bác sĩ khuyến khích bà bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, chú ý ngủ đủ 8 tiếng/ngày, nghỉ trưa ít nhất 30 phút, nghỉ giữa giờ 5 – 10 phút để thư giãn, tránh căng thẳng, kiệt sức. Ngoài ra, ẹm bầu tránh bê vác nặng, ngồi xổm, cúi lâu. Khi có dấu hiệu căng tức bụng dưới, mẹ bầu nên ngồi xuống, hít thở sâu hoặc có thể nằm xuống nghỉ ngơi.
Khám thai định kì
Khám thai định kì giúp kiểm tra, theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khoẻ của mẹ bầu. Từ đó, phát hiện những bất thường trong thai kì, có biện pháp xử lý sớm tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé. Ngoài ra, thông qua thăm khám thai định kì, bà bầu biết bổ sung dưỡng chất đúng cách, tránh tình trạng thiếu hay thừa chất để có một thai kì khoẻ mạnh.
Qua thông tin trên, chúng ta có thể thấy, căng tức bụng dưới khi mang thai không hẳn lúc nào cũng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà bầu cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi kỹ. Nếu căng tức bụng dưới kèm theo dấu hiệu nguy hiểm nguy hiểm, mẹ bầu nên đi khám để có phương án ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và thai nhi được tốt nhất nhé.