Sau khi ăn uống, nếu lượng khí tồn trọng trong cơ thể quá nhiều, cơ thể sẽ dần hình thành nên phản ứng giảm bớt hơi bằng cách ợ hơi hoặc xì hơi. Tuy nhiên, với trường hợp bị chướng bụng, đầy hơi không xì hơi được thì cảm giác bụng ấm ách, rất khó chịu và nặng nề. Để hiểu nguyên nhân và cách cải thiện chướng bụng không xì hơi được, bạn đọc cùng theo dõi thông tin chi tiết bài viết dưới đây.
Mục lục
Chướng bụng không xì hơi được do đâu?
Chướng bụng không xì hơi được do rất nhiều nguyên nhân, dưới đây là một số nguyên nhân dễ gặp:
Mất cân bằng trong các bữa ăn
Thức ăn nạp vào cơ thể bất thường, quá nhiều hay quá ít đều gây ảnh hưởng đến sự bài tiết enzym để tiêu hóa. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn không cân đối giữa các nhóm chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất như ăn quá nhiều chất béo, đạm, ít chất xơ cũng gây triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, khó xì hơi khiến lượng khí tích tụ trong bụng không được đẩy ra ngoài. Vì thế, tình trạng chướng bụng đầy hơi càng thêm trầm trọng.
Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học
Thói quen ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, thức ăn không được tiêu hóa và hấp thụ bình thường làm tăng gánh nặng cho dạ dày và đường ruột sinh ra lượng khí lớn. Ngoài ra, ăn thực phẩm gây đầy hơi, uống nước nhiều đường, có ga cũng gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Khi đó, cơ thể cần giải phóng lượng khí bằng cách ợ hơi hoặc xì hơi. Nếu không thể xì hơi được càng khiến tình trạng chướng bụng đầy hơi trở lên trầm trọng hơn.
Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng các cơ vòng trong hệ tiêu hóa co thắt bất thường gây ra triệu chứng rối loạn đại tiện (tiêu chảy, táo bón), đau bụng, đầy bụng… Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa như: chế độ ăn uống không khoa học, do sử dụng thuốc dài ngày, stress…
Ngoài triệu chứng đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy hay táo bón, bệnh còn gây ra triệu chứng:
- Chướng bụng, đầy hơi, có một số trường hợp khó xì hơi.
- Ợ hơi, ợ nóng, nôn, buồn bôn.
- Chán ăn, mệt mỏi.
Rối loạn tiêu hóa tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tinh thần của bạn. Nếu không điều trị bệnh kịp thời, bạn có thể đối mặt với nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, polyp đại tràng, xuất huyết đại tràng, thậm chí là ung thư đại trực tràng.
Bệnh đại tràng co thắt
Bệnh đại tràng co thắt hay còn được gọi là hội chứng ruột kích thích, bệnh đại tràng cơ năng. Đây là tình trạng rối loạn chức năng ở đại tràng khiến nhu động ruột co bóp thất thường gây triệu chứng đau bụng, thậm chí có thể sờ thấy cục nổi lên dọc theo khung đại tràng.
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ, có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ gây bệnh như: thói quen ăn uống, sinh hoạt thất thường, stress, căng thẳng, lạm dụng thuốc…
Ngoài triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, cũng có khi đau âm ỉ, tức nặng dọc khung đại tràng thì hội chứng ruột kích thích còn một số biểu hiện như:
- Đầy hơi, chướng bụng không xì hơi được.
- Đi ngoài nhiều lần trong ngày, tiêu chảy xen kẽ với táo bón, phân có chất nhầy.
Bệnh đại tràng co thắt tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng của bệnh lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để điều trị bệnh, bác sĩ thường dựa vào các mô tả của người bệnh về triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh để phòng ngừa triệu chứng bùng phát và có thể chung sống hòa bình với bệnh.
Bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị tổn thương gây viêm, loét. Nguyên nhân gây bệnh có thể do: hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể bị nhiễm vi sinh vật gây hại, loạn khuẩn ruột… Khi bị viêm đại tràng, người bệnh thường xuất hiện một số biểu hiện sau:
- Đau bụng dọc theo khung đại tràng, đau âm ỉ từng cơn.
- Sôi bụng, đầy hơi, chướng bụng không xì hơi.
- Đại tiện lúc rắn, lỏng, mót rặn.
- Đi ngoài phân có máu và mủ nhầy.
- Chán ăn, mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
Bệnh viêm đại tràng là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dễ gây ra biến chứng như: chít hẹp đại tràng, rò ruột, thủng ruột, thậm chí còn tăng nguy cơ biến chứng thành ung thư ruột. Vì vậy, người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật, phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm đại tràng tránh để bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, khó điều trị.
Bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng xuất hiện các vết viêm, loét trên niêm mạc dạ dày. Những tổn thương này xảy ra khi lớp bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn để lộ phần lớp dưới của ruột. Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như: chế độ ăn uống không hợp lý, lạm dụng thuốc, vi khuẩn, stress kéo dài… gây ra các triệu chứng:
- Đau bụng vùng thượng vị.
- Ợ chua, nóng rát thượng vị.
- Bụng căng cứng, khó tiêu, chướng bụng không xì hơi được.
- Buồn nôn, nôn ra máu.
Bệnh viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị… Chính vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh nên đi khám để có biện pháp điều trị cụ thể, tránh diễn biến phức tạp có thể xảy ra.
Bệnh viêm tụy
Tụy là một tuyến nằm sau dạ dày, ở phía bên trái bụng, gần với phần đầu tiên của ruột non có chức năng tạo ra enzym để phân hủy thức ăn và kiểm soát lượng đường trong máu. Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm nhiễm, sưng tấy do dịch tiêu hóa hoặc enzym tấn công tuyến tụy. Hầu hết người mắc bệnh viêm tụy thường có một số biểu hiện sau đây:
- Đau bụng trên, cơn đau lan ra sau lưng, đau nhiều sau khi ăn uống.
- Bụng sưng, đầy hơi, chướng bụng không xì hơi được.
- Nôn, buồn nôn.
- Tiêu chảy.
- Sốt .
- Tăng nhịp tim.
- Sụt cân.
Bệnh viêm tụy cần được phát hiện và xử lý kịp thời bởi bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong như: suy gan, đái tháo đường, suy chức năng ngoại tiết, ung thư tuyến tụy… Vì vậy, để tránh những biến chứng có thể xảy ra, khi thấy có những biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời nhé.
Tham khảo: Giải mã nguyên nhân gây chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón
Chướng bụng không xì hơi được phải làm sao?
Xì hơi là hiện tượng sinh lý bình thường giúp đào thải lượng khí tích tụ qua đường hậu môn. Với một số trường hợp khi bị đầy bụng, chướng hơi khó khăn trong việc xì hơi thì bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:
Chườm nóng bụng
Chườm nóng bụng là phương pháp giúp giảm nhanh chứng đầy bụng, chướng bụng không xì hơi được. Hơi nóng khi chườm giúp kích thích lưu thông mạch máu trong ruột, giãn mạch, chuyển hóa cơ thể tăng lên, các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu thức ăn được cải thiện, người bệnh có thể xì hơi dễ dàng hơn.
Người bệnh có thể sử dụng túi chườm, chai lọ đổ nước ấm vào, vặn kín nắp hoặc rang muối bọc trong lớp vải chườm quanh rốn. Có thể chườm theo cách này ngày 2 – 3 lần sẽ giảm nhanh chứng đầy hơi, chướng bụng, xì hơi dễ dàng.
Massage bụng
Massage bụng là biện pháp đơn giản giúp giảm chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, giảm nhanh lượng khí thừa trong hệ tiêu hóa và kích thích ăn uống ngon miệng hơn. Để thực hiện phương pháp massage, bạn chỉ cần:
Ngồi hoặc nằm thoải mái, xoa 2 bàn tay vào nhau cho ấm dần lên hoặc dùng tinh dầu xoa trực tiếp lên bụng theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra ngoài. Có thể thực hiện massage nhiều lần trong ngày, tránh massage khi vừa ăn no.
Uống nước gừng
Theo Đông y, gừng có tính ấm giúp giải độc và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tạo điều kiện cho khí di chuyển xuống ruột non, giảm chướng bụng, đầy hơi và xì hơi tốt hơn. Cách sử dụng gừng rất đơn giản, bạn chỉ cần làm theo cách sau:
Dùng 1 củ gừng đem rửa sạch, đập dập hãm cùng 1 cốc nước nóng khoảng vài phút là có thể nhâm nhi thưởng thức. Ngoài ra, bạn có thể ngậm hoặc nhai vài lát gừng sau bữa ăn.
Luyện tập thể dục thể thao
Để giảm chướng bụng, đầy hơi và giúp khí trong cơ thể dễ dàng thoát ra ngoài, bạn nên tập thói quen vận động đều đặn hằng ngày bằng các môn thể theo phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, cầu lông, bơi, yoga…Thói quen vận động thể thao vừa giúp tăng nhu động ruột, giảm căng thẳng và tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể, tăng sức đề kháng. Chính vì vậy, bạn nên vận động thể chất ít nhất 30 phút/ ngày và tránh vừa ăn no vận động luôn.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh có thể giúp phòng ngừa chứng đầy hơi khó tiêu. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Hạn chế ăn thực phẩm gây đầy hơi chướng bụng
Để hạn chế tình trạng chướng hơi, đầy bụng, bạn cần hạn chế ăn những thực phẩm sau đây:
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột như: lúa mì, lúa mạch.
- hạn chế ăn những thực phẩm: các loại đậu, đậu lăng, cải bắp, hành tây, bông cải xanh, bông cải trắng, nấm, các chất xơ không hòa tan.
- Hạn chế ăn những đồ ăn cay, nóng như: ớt, sa tế, mù tạt…
- Tránh ăn những đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ như: xúc xích, lạp xưởng chiên, pizza, hamburger…
- Tránh các loại nước uống có gas, đồ uống có cồn, cà phê, chất kích thích.
Ăn những thực phẩm không gây tăng hơi
Bên cạnh những thực phẩm gây đầy hơi chướng bụng, bạn có thể ăn những thực phẩm tốt cho sức khoẻ hệ tiêu hoá mà không gây đầy hơi chướng bụng như:
- Ăn nhiều rau xanh giúp bổ sung chất xơ và vitamin như: rau mùng tơi, rau dền, rau bina, cần tây, cải xoăn, bông cải… giúp dễ tiêu hoá đồng thời không bị lên men trong quá trình lưu trữ trong dạ dày – ruột nên giảm chứng đầy hơi, chướng bụng khó tiêu.
- Bổ sung các loại trái cây như đu đủ, táo, cam, dứa giúp bổ sung chất xơ, nhuận tràng, giảm tình trạng đầy bụng khó tiêu.
- Ăn những món ăn mềm, lỏng như cháo, súp, canh giúp tránh gây áp lực lên dạ dày – ruột, rút ngắn thời gian nghiền thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng cho cơ thể đồng thời cũng hạn chế được tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
- Bổ sung sữa chua giúp tăng cường lợi khuẩn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm tích lũy chất lỏng hoặc khí trong dạ dày.
- Tăng cường bổ sung gia vị gừng, tỏi trong các món ăn bởi gừng tỏi có tính ấm giúp giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Bên cạnh đó, tỏi cũng giúp sát khuẩn, kháng viêm, hạn chế vi khuẩn phát triển, kích thích dịch tiêu hoá, thúc đẩy quá trình tiêu hoá thức ăn tốt hơn.
- Bổ sung men vi sinh, men tiêu hoá trong trường hợp chướng bụng khó xì hơi do rối loạn tiêu hoá để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bổ sung các enzyme tiêu hóa trong quá trình tiêu thụ thực phẩm.
Dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh rất quan trọng vì các cơ quan và mô của chúng ta cần dinh dưỡng phù hợp để hoạt động hiệu quả. Không có dinh dưỡng tốt, cơ thể sẽ dễ bị bệnh, nhiễm trùng, mệt mỏi, hoạt động kém dẫn tới hệ tiêu hóa trì trệ, dễ chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Bạn nên đảm bảo cơ thể được nạp đầy đủ dinh dưỡng: vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hoá, chất xơ, tinh bột, đạm…. các thực phẩm tươi, có nguồn gốc thực vật để cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch và tránh đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
Chướng bụng không xì hơi được khi nào cần đi khám bác sĩ?
Thông thường, tình trạng chướng bụng không xì hơi được diễn ra trong thời gian ngắn và có thể tự hết khi bạn điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học hoặc sử dụng một số phương pháp trên. Tuy nhiên, khi đã áp dụng các phương pháp trên, tình trạng chướng bụng khó xì hơi không thể cải thiện hoặc kèm theo một số triệu chứng dưới đây thì người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay lập tức:
- Đau bụng.
- Sốt cao.
- Tiêu chảy, phân có màu máu hoặc màu bạc.
- Đi ngoài ra phân mỡ.
- Sụt cân.