Chướng bụng xì hơi là triệu chứng thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, chướng bụng xì hơi liên tục có thể gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt trong cuộc sống và cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Nếu bạn quan tâm, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả khi gặp triệu chứng này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Nguyên nhân gây chướng bụng xì hơi liên tục
Chướng bụng xì hơi là tình trạng trong lòng ống tiêu hóa có lượng khí tích tụ quá nhiều. Trong đó, xì hơi là hiện tượng phần thấp ống tiêu hóa có lượng hơi tích tụ quá mức, đầy bụng là hậu quả của sự tích tụ hơi ở các đoạn cao của ống tiêu hóa.
Trường hợp chướng bụng xì hơi xảy ra với tần suất vừa phải thì ít gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và nó còn làm bớt lượng hơi ra ngoài giúp bụng bạn thoải mái hơn. Tuy nhiên nếu chướng bụng xì hơi xảy ra liên tục thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc.
Nguyên nhân gây chướng bung xì hơi liên tục được chia thành hai dạng dưới đây:
Nguyên nhân sinh lý
Trong sinh hoạt hằng ngày như: ăn uống, nói chuyện chúng ta đều nuốt một lượng không khí vào bụng. Đặc biệt khi vừa ăn vừa nói khiến một lượng khí đáng kể có thể đi vào dạ dày và ruột non. Trong khoảng 24 giờ có thể xuất hiện xì hơi để giảm bớt lượng khí ra ngoài cơ thể.
Bên cạnh đó, nếu ăn những loại thực phẩm gây tăng hơi cũng có thể gây tình trạng chướng bụng xì hơi liên tục.
Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh các yếu tố sinh lý trên thì chướng bụng xì hơi quá nhiều có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý sau đây:
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là đại tràng co thắt, đây là bệnh lý đường tiêu hoá nhưng không gây bất cứ tổn thương nào tại ruột. Nguyên nhân gây bệnh chưa được làm rõ, nhưng nó liên quan đến chế độ ăn uống thất thường, ăn những đồ ăn lạ, tâm lý căng thẳng kéo dài hay lạm dụng thuốc.
Để nhận biết bệnh hội chứng ruột kích thích, bạn có thể dựa vào một số biểu hiện sau đây:
- Đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, cơn đau giảm sau khi đi đại tiện.
- Đầy hơi, chướng bụng, xì hơi liên tục.
- Tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy và táo bón xen kẽ.
- Phân có nhầy, mủ.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh mãn tính, rất khó điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh dễ tái phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh luôn lo lắng và suy nhược cơ thể. Để cải thiện triệu chứng bệnh, ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh để sống hòa bình với bệnh và hạn chế triệu chứng bệnh tái phát.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa và phát triển ở niêm mạc đại tràng. Bệnh do nhiều nguyên nhân như: nhiễm khuẩn, chế độ ăn uống không đảm bảo, nhiễm nấm, thiếu máu, dị ứng… Ngoài triệu chứng chướng bụng xì hơi liên tục, bệnh còn có một số dấu hiệu điển hình như:
- Đau bụng âm ỉ từng cơn, đau nhiều khi ăn những đồ lạ, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh.
- Đi ngoài phân rắn, lỏng không thành khuôn, đi mót không hết phân.
- Phân có máu hoặc mủ nhầy.
- Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
Ở giai đoạn đầu, viêm đại tràng mức độ nhẹ có thể được cải thiện bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh khoa học. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, khi viêm đại tràng đã chuyển sang giai đoạn mãn tính rất khó điều trị và gây tổn thương nặng dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh, bạn nên đi khám và điều trị sớm để tránh bệnh chuyển diễn biến phức tạp, khó điều trị.
Táo bón
Táo bón là một dạng của rối loạn tiêu hóa gây tình trạng đi đại tiện phân khô, cứng hơn bình thường, buồn đi đại tiện mà không thể đi được, phải rặn mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón như: chế độ ăn uống không khoa học, rối loạn nội tiết, sử dụng thuốc nhiều ngày, trầm cảm, lo lắng…
Khi bị táo bón bạn thường gặp một số dấu hiệu sau đây:
- Người lớn bị táo bón đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, trẻ nhỏ đi dưới 2 – 3 lần/tuần.
- Phân cứng, rắn bất thường, phân lổn nhổn như phân dê.
- Đi ngoài khó đi, nứt hậu môn, đi ngoài phân dính máu.
- Táo bón khiến phân vón cục, khi đi đại tiện phải rặn mạnh, tác động lên hậu môn, làm nứt hậu môn gây chảy máu.
- Đau bụng quặn thắt, đau âm ỉ, bụng cứng, chướng bụng xì hơi nhiều.
- Nôn, buồn nôn, mệt mỏi.
Bệnh táo bón để lâu không điều trị có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh. Bệnh có nguy cơ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: viêm đại tràng, ung thư hậu môn – trực tràng, tắc ruột, viêm ruột… Vì vậy, bạn nên có chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động để hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế tối đa nguy cơ mắc táo bón nhé.
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm sưng do vi khuẩn Hp, thuốc chống viêm không steroid, bia, rượu, thuốc lá, chế độ ăn uống không khoa học… Khi bị viêm dạ dày, người bệnh thường có biểu hiện:
- Đau tức vùng thượng vị, đau nhiều sau khi ăn, nhất là đồ ăn cay, nóng, gây kích thích.
- Buồn nôn, nôn.
- Chướng bụng xì hơi, đầy hơi, khó tiêu.
- Ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Nôn ra máu hoặc đi đại tiện phân đen.
- Chán ăn, mệt mỏi, sụt cân.
Viêm dạ dày là bệnh phổ biến, khó điều trị dứt điểm. Bệnh không được điều trị đúng hướng có thể gây biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thủng dạ dày, thâm chí là ung thư dạ dày. Vì vậy, Khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào, bạn nên chủ động đi khám nhằm phát hiện sớm bệnh, tránh để bệnh diễn biến phức tạp, khó điều trị.
Viêm tụy
Tụy là một tuyến nằm sau dạ dày, phía bên trái bụng, gần với phần đầu tiên của ruột non giúp tiết ra enzym để phân hủy thức ăn và kiểm soát lượng đường trong máu. Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm nhiễm, sưng tấy do dịch tiêu hóa hoặc enzym tấn công tuyến tụy. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tuyến tụy bao gồm: lạm dụng bia, rượu, chất kích thích, lượng canxi trong máu tăng cao, bẩm sinh bất thường ở tuyến tuỵ, sỏi mật, di truyền…
Khi bị viêm tuỵ, người bệnh thường có biểu hiện:
- Đau bụng thượng vị, đau lan ra sau lưng, đau nhiều sau khi ăn.
- Bụng sưng, chướng bụng xì hơi
- Buồn nôn, ói mửa.
- Sốt.
- Nhịp tim tăng.
- Đi ngoài phân có mỡ.
Viêm tuỵ là một bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: suy gan, tiểu đường, suy chức năng ngoại tiết, ung thư tuyến tụy… Chính vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, bạn cần đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm giúp quá trình điều trị nhanh hiệu quả và tránh được những biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xem tham khảo: Nguyên nhân gây chướng bụng, đầy hơi, táo bón
Khi nào chướng bụng xì hơi liên tục cần đi khám bác sĩ?
Chướng bụng xì hơi là triệu chứng phổ biến trong cuộc sống và có lợi cho hệ tiêu hoá. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xảy ra liên tục hoặc đi kèm với một số triệu chứng dưới đây thì bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị cụ thể:
- Đau bụng dữ dội kéo dài.
- Tiêu chảy.
- Đi ngoài có lẫn máu trong phân.
- Đau tức ngực.
- Chán ăn, ăn uống nhanh no.
- Sụt cân nhanh.
Cách khắc phục chướng bụng xì hơi liên tục
Như chia sẻ bên trên, chướng bụng xì hơi liên tục có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và có phương pháp điều trị sớm. Nếu chướng bụng xì hơi chỉ mới xuất hiện, do thói quen ăn uống, sinh hoạt không phù hợp thì bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để cải thiện:
Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến các triệu chứng của hệ tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày để cải thiện tình trạng đầy chướng bụng, xì hơi nhiều theo gợi ý dưới đây:
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày, uống ít nhất 2 lít nước/ngày, uống từng ngụm nhỏ nhiều lần.
- Nên ăn chín, uống sôi, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi.
- Bổ sung sữa chua giúp tăng lợi khuẩn và quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn.
- Hạn chế các món chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Tránh bia, rượu, cà phê, các chất kích thích, nước có ga…
- Nên tập trung ăn uống, tránh vừa ăn vừa nói, nên ăn chậm nhai kĩ giúp giảm lượng khí hơi vào dạ dày.
- Không ăn quá no, chia nhỏ các bữa trong ngày giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Có thói quen vận động hằng ngày giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
- Giữ tinh thần thoái mái, hạn chế stress, căng thẳng lo âu kéo dài.
Sử dụng mẹo tại nhà
Bên cạnh thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo tại nhà dưới đây để giảm chướng bụng xì hơi liên tục như:
Massage bụng
Massage bụng giúp kích thích nhu động ruột co bóp nhịp nhàng, giảm đau bụng, đầy hơi chướng bụng xì hơi liên tục hiệu quả. Bạn chỉ cần dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng xung quanh bụng theo chiều kim đồng hồ từ sườn bên phải sang bên trái, từ trên xuống dưới rồi trở về điểm xuất phát. Các động tác lặp lại nhiều lần cho đến khi kích thích dạ dày dẫn đến ợ hơi. Để tăng hiệu quả, bạn có thể sử dụng dầu nóng khi massage.
Chườm nóng
Hơi nóng từ túi chườm có tác dụng giãn nở, lưu thông máu, từ đó giảm triệu chứng đầy hơi, chướng bụng xì hơi liên tục. Phương pháp chườm nóng rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng túi chườm hoặc khăn nóng để chườm đều ở vùng bụng và bẹ sườn bên phải và ở quanh rốn vài phút. Áp dụng vài lần một ngày triệu chứng sẽ được cải thiện.
Dùng tỏi
Theo nghiên cứu, trong củ tỏi có chứa hàm lượng allicin, glucogen, các loại vitamin, aliin cao, fitoxit, các chất chống oxi hóa giúp sát trùng, diệt khuẩn, chống viêm, ngăn ngừa vi khuẩn và virus gây, kích thích tiêu hóa, giảm chướng bụng, đầy hơi cực tốt.
Để sử dụng tỏi, bạn chỉ cần bọc 1 củ tỏi qua lớp giấy bạc, nướng cho thơm lên và đặt tỏi vào một viếng vải mỏng rồi đặt lên rốn khoảng 10 – 15 phút. Khi đó, lượng hơi tồn đọng trong bụng sẽ được giải phóng, giúp bạn hết đầy hơi, chướng bụng.
Dùng gừng
Trong gừng có chứa một số thành phần hoạt tính gingerols và shogaols giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đầy hơi, làm dịu hoạt động đường ruột và thải khí từ đường tiêu hóa.
Khi bị chướng bụng xì hơi liên tục, bạn có thể dùng gừng để chế biến nhiều món ăn hoặc nhai vài lát gừng tươi, ngậm rồi nuốt cả bã. Ngoài ra, bạn có thể giã vài lát gừng, pha với nước nóng và mật ong rồi uống từ từ.
Dùng thuốc Tây
Sau khi sử dụng các phương pháp trên, tình trạng chương bụng xì hơi liên tục vẫn không cải thiện, bạn có thể sử dụng thuốc tây. Tùy theo nguyên nhân gây đầy bụng xì hơi mà bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc phù hợp như:
- Do bệnh dạ dày: dùng thuốc chống bài tiết dịch vị, giảm đầy hơi, chướng bụng bằng loại ức chế bơm proton (PPI): omeprazol hoặc lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol…
- Dùng men tiêu hóa: enzym dịch tụy (alipase, festal, pancréalase, néo-peptin)
- Do bệnh đại tràng: Thuốc chống viêm, kháng sinh, thuốc nhuận tràng.
Chướng bụng xì hơi liên tục là triệu chứng thường gặp và khá nhạy cảm. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ngại mà chủ quan không đi khám bởi nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Bạn nên chủ động đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị sớm khi hiện tượng này kèm những triệu chứng bất thường, tránh diễn biến khó lường có thể xảy ra.