Cảm cúm là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh cảm cúm qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Bệnh cảm cúm là gì?
Cảm cúm (hay còn gọi là cúm mùa) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus cúm (Influenza virus). Virus có thể tấn công vào hệ hô hấp như đường mũi, họng, các ông phế quản và phổi. Khi chúng xâm nhập, cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại các chủng virus. Từ đó ngăn ngừa được nhiễm trùng hoặc làm giảm nhẹ các triệu chứng. Thế nhưng không phải kháng thể nào cũng đặc hiệu với virus cúm bởi sự khác nhau trong đặc điểm, cấu trúc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ nhỏ mắc cúm. Trong đó có khoảng nửa triệu người tử vong do các bệnh về sức khỏe liên quan đến cúm. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1-1,8 triệu người mắc cúm.
Có 3 loại virus cúm thường gặp như:
- Cúm A: Virus cúm A được tìm thấy ở nhiều loại động vật, chúng là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng lây nhiễm cao. Các nhóm cúm A được phân theo các loại như: A (H1N1) và A (H3N2).
- Cúm B: Giống với cúm A, virus cúm B bùng phát theo mùa, tuy nhiên chúng thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người và cũng không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.
- Cúm C: Virus cúm C được tìm thấy ở người nhưng các triệu chứng sẽ nhẹ hơn 2 loại cúm trên và ít bị biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây cảm cúm
Bệnh nhân có thể mắc cảm cúm bởi tiếp xúc với người đang bị nhiễm bệnh hoặc những đồ dùng cá nhân. Ngoài ra, virus có thể lây nhiễm qua động vật như chim, gia cầm, lợn nếu chúng ta ăn phải.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như:
- Môi trường sống: Người sống và làm việc với môi trường tập thể có khả năng bị lây cúm cao hơn các đối tượng khác.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Người có sức đề kháng yếu sẽ tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập.
- Tuổi tác: Trẻ nhỏ và người già thường dễ bị cúm hơn các đối tượng khác.
- Phụ nữ mang thai: Trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ, phụ nữ thường dễ bị mắc cúm.
- Bệnh mãn tính: Người đang mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, tim mạch.
Triệu chứng bệnh cảm cúm
Bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện triệu chứng cúm sau 1-2 ngày nhiễm virus và thường kéo dài trong 7 ngày. Bệnh cúm có thể xuất hiện theo mùa, phổ biến nhất là vào mùa đông và xuân.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Ớn lạnh.
- Hắt hơi.
- Sổ mũi, ngạt mũi.
- Đau họng.
- Ho.
- Đau cơ, mỏi người.
- Sốt cao.
Những ai dễ mắc phải cảm cúm?
Cảm cúm là bệnh khá phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Trung bình người trưởng thành bị cúm 2-3 lần/ năm. Đối với trẻ nhỏ thì có thể lên đến 6-7 lần/ năm. Ngoài ra, các đối tượng sau cũng dễ bị mắc cúm như:
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
- Người cao tuổi trên 65 tuổi.
- Phụ nữ mang thai.
- Người có sức đề kháng yếu.
- Người bị béo phì.
- Người đang mắc các bệnh mãn tính (hen suyễn, thận, tim, đái tháo đường).
Bệnh cảm cúm có lây lan không?
Bệnh cảm cúm có khả năng lây lan qua đường hô hấp, từ người sang người. Thông qua các hoạt động hắt hơi, ho, cười nói, giao tiếp,… người bệnh sẽ phát tán virus ra ngoài qua không khí.
Khi bị mắc virus cúm, người bệnh thường không xuất hiện ngay các triệu chứng mà phải qua thời gian ủ bệnh. Chúng có thể kéo dài khoảng từ 1-4 ngày, điều này có nghĩa là khi virus đã xâm nhập vào cơ thể, sau khoảng 1-4 ngày người bệnh mới có những triệu chứng. Bởi vậy, cảm cúm có thể lây từ người này qua người khác trước khi bạn biết mình mắc bệnh.
Bệnh cảm cúm có thể lây nhiễm từ 5-10 ngày, sau khoảng thời gian đó thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm đi. Với những người có hệ miễn dịch yếu, thời gian lây lan virus sẽ kéo dài khoảng 10 ngày hoặc hơn. Dù triệu chứng của bệnh rất khó chịu nhưng bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 7-14 ngày nếu được điều trị đúng cách và thường ít để lại biến chứng.
Biến chứng của bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm có thể dễ bị nhầm lẫn với cảm thông thường nên nhiều người bệnh khá chủ quan. Chính bởi vì điều đó mà người bệnh thường không điều trị hoặc điều trị muộn khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị nhiễm cúm thì sẽ gây ra những vấn đề khá nghiêm trọng như: sảy thai, lưu thai hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may bị mắc bệnh trong thời gian mang thai, bạn cần phải đến thăm khám bác sĩ và theo dõi chặt chẽ. Thực hiện theo chỉ định của bác sĩ tuyệt đối.
Cảm cúm có thể gây ra những biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tai,… nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye (gây sưng phù gan và não). Mặc dù đây là biến chứng rất hiếm gặp những cực kỳ nghiêm trọng bởi tỷ lệ tử vong rất cao. Hội chứng này hay gặp ở trẻ 2-16 tuổi, khi các triệu chứng của cúm thuyên giảm, trẻ đột nhiên nôn mửa, co giật, mê sảng, hôn mê sâu rồi tử vong.
Còn đối với người lớn và những người đang mắc bệnh mãn tính, biến chứng viêm phổi là nguy hiểm nhất bởi có thể gây ra tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám nếu thấy xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
- Người bệnh sốt không thuyên giảm sau 3-4 ngày.
- Các triệu chứng có dấu hiệu nặng hơn.
- Khó thở, đau tức ngực.
Cách điều trị bệnh cảm cúm
Bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhất với thể trạng của từng người.
Một số loại thuốc không kê đơn như: Acetaminophen, Ibuprofen để làm giảm triệu chứng đau đầu, đau cơ, sốt. Không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi có thể gây ra hội chứng Reye.
Bên cạnh đó có thể dùng một số loại thuốc xịt mũi, xịt họng để làm sạch dịch nhầy, giúp thông mũi, giảm ngứa, đau rát, mang lại cảm giác dễ chịu hơn.
Phòng ngừa bệnh cảm cúm
Người bệnh cần chủ động phòng ngừa bệnh cảm cúm bằng những biện pháp dưới đây:
- Tránh tiếp xúc với những người đang mắc cảm cúm.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh sạch sẽ mũi họng bằng nước muối sinh lý.
- Hạn chế cho tay lên dụi mắt, chùi mũi.
- Bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng như trái cây tươi, rau củ,…
- Không hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tránh những nơi đông người bởi điều này sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
- Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm.