Chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy là triệu chứng dễ gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thói quen ăn uống, thực phẩm… Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Để hiểu kĩ hơn về nguyên nhân gây chướng bụng buồn nôn tiêu chảy và cách cải thiện, mời các bạn tham khảo thông tin bài viết dưới đây.
Mục lục
Nguyên nhân gây chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy
Có rất nhiều nguyên nhân gây triệu chứng chướng bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Các nguyên nhân chủ yếu xoay quanh vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa và chế độ ăn uống. Cụ thể được phân tích như sau:
1. Do tác dụng phụ của thuốc
Khi người bệnh dùng thuốc điều trị bệnh, đăc biệt là một số loại thuốc kháng sinh khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, đường ruột gặp rắc rối do rối loạn khuẩn và gây ra một số tác dụng phụ như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng và cả tiêu chảy.
2. Do ăn uống
Thường xuyên ăn những thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng như: tỏi tây, hành tây, cải xoăn, súp lơ, bông cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt… Hoặc người bệnh ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn, thức ăn nhiều dầu mỡ… Các loại thực phẩm này làm cản trở quá trình hoạt động hệ tiêu hóa gây rối loạn hệ khuẩn gây chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Khi đó, người bệnh không nên quá lo lắng, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, triệu chứng này sau một vài ngày sẽ hết.
3. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến gây chướng bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Nguyên nhân của rối loạn tiêu hóa chủ yếu là dị ứng thức ăn, sử dụng thực phẩm nhiễm khuẩn, stress, sử dụng kháng sinh dài ngày… Bên cạnh chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, người rối loạn tiêu hóa còn có triệu chứng:
- Đau bụng: Đau âm ỉ hoặc đau dữ dội, cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, dọc khung đại tràng và ở phía sau lưng.
- Nôn mửa: Hệ tiêu hóa bị rối loạn khiến việc hấp thu thức ăn của người bệnh bị giảm sút. Khi đó, thức ăn có thể bị trào ngược lên thực quản gây nên tình trạng nôn mửa.
- Rối loạn đại tiện: Người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy hoặc xen kẽ tiêu chảy và táo bón, phân rắn, nát bất thường không thành khuôn.
Hệ tiêu hóa thường xuyên bị rối loạn làm cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể mất nước, suy nhược. Ngoài ra, chướng bụng, buồn nôn và tiêu chảy không được cải thiện, người bệnh dễ đối mặt với nguy cơ bị hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, xuất huyết đại tràng, thậm chí nguy hiểm hơn là đối mặt với nguy cơ ung thư đại trực tràng.
4. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích IBS hay còn gọi là đại tràng co thắt. Đây là tình trạng rối loạn tiêu hóa mạn tính liên quan đến đại tràng (ruột già). Hội chứng này ảnh hưởng đến chức năng bình thường của đại tràng, gây ra nhiều khó chịu như: đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, thay đổi thói quen đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy).
Cho tới nay, nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng. Các chuyên gia, bác sĩ cho rằng các yếu tố tâm lý, chế độ ăn uống, sử dụng thuốc có thể làm giảm hoặc làm tăng trầm trọng các triệu chứng của đường tiêu hoá.
Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích là bệnh mãn tính, việc điều trị khỏi hoàn toàn rất khó, các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tinh thần người bệnh. Vì vậy, người bệnh chỉ có thể kiểm soát bệnh bằng việc thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh là hiệu quả nhất.
☛ Xem đầy đủ: Hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì để cải thiện?
5. Viêm loét dạ dày tá tràng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là hiện tượng xuất hiện tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày – lớp màng lót của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn, các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột bị lộ ra.
Biểu hiện thường gặp của viêm loét dạ dày tá tràng là:
- Đau bụng, nóng rát hoặc nhói đau nhẹ.
- Chướng bụng đầy hơi, khó chịu.
- Buồn nôn, nôn, ợ chua, ợ nóng.
- Rối loạn đại tiện, đi ngoài phân sống, tiêu chảy.
- Mệt mỏi, chán ăn, giảm cân nhanh.
Ở giai đoạn cấp tính, viêm loét dạ dày có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì việc điều trị khó khăn hơn, dễ tái phát, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh như: hẹp môn vị, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày .
6. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị của dạ dày bao gồm axit, dịch mật và đôi khi là cả thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản thậm chí thức ăn có thể trào ngược lên tới tận khoang miệng. Điều này khiến người bệnh thường xuyên bị đầy bụng, ợ hơi, nóng rát họng gây buồn nôn.
Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nát thường đi kèm với chứng chướng bụng, buồn nôn bởi dạ dày bị tổn thương, chức năng hoạt động suy giảm khiến thức ăn không thể làm mềm và phân hủy hoàn toàn.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản diễn ra dai dẳng khiến người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng: viêm họng kéo dài, chảy máu thực quản, chít hẹp thực quản, thực quản Barrett.
Khi nào chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy cần đi khám bác sĩ?
Thông thường, hiện tượng chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy chỉ xuất hiện vài ngày chỉ cần người bệnh thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học là triệu chứng sẽ cải thiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày ngày và có triệu một số chứng trầm trọng hơn, người bệnh nên đi khám bác sĩ. Dưới đây là một số dấu hiệu người bệnh nên chú ý:
- Sốt cao.
- Nôn nhiều.
- Đau bụng dữ dội.
- Đi ngoài ra máu hoặc phân đen.
Đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm cần được can thiệp kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, người bệnh nên nhanh chóng đến viện để được thăm khám, kiểm tra và được điều trị, tránh tự ý mua thuốc điều trị hoặc dùng thuốc không đúng liều lượng sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc hoặc gặp tác dụng phụ không mong muốn.
Cách giảm chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy tại nhà
Chướng bụng, buồn nôn tiêu chảy có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý. Vì vậy, người bệnh nên thăm khám để có phương pháp điều trị cụ thể. Ngoài ra, nếu hiện tượng chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy chỉ mới xuất hiện do thói quen ăn uống không phù hợp hoặc rối loạn tiêu hóa, người bệnh có thể áp dụng một số cách dưới đây để cải thiện:
Thay đổi thói quen ăn uống
Chế độ ăn uống hằng ngày ảnh hưởng rất lớn đến triệu chứng của hệ tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh có thể điều chỉnh chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống để cải thiện tình trạng chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy theo gợi ý dưới đây:
- Bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày, nên uống ít nhất 2 lít nước/ ngày để tránh mất nước khi bị tiêu chảy và giúp đào thải chất độc hại ra khỏi cơ thể.
- Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. giúp cung cấp vitamin và tăng đề kháng cho cơ thể.
- Ăn uống khoa học, đúng bữa, đủ bữa.
- Nên ăn chín, uống sôi, ăn chậm, nhai kĩ.
- Bổ sung thêm sữa chua giúp kích thích hoạt động nhu động ruột, tạo điều kiện cho lợi khuẩn trong đường ruột phát triển.
- Chế biến các món dưới dạng hấp luộc, hạn chế chiên xào, nhiều dầu mỡ, gia vị cay, nóng.
- Hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá, cà phê chất kích thích.
- Không sử dụng thực phẩm để lâu, có dấu hiệu ẩm, mốc, nhiễm khuẩn, tránh ăn các món tái, sống chưa chín kĩ.
Áp dụng mẹo dân gian
Khi bị chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian để cải thiện theo gợi ý dưới đây:
1. Chườm ấm
Chườm ấm là phương pháp đơn giản sẽ kích thích lưu thông máu, giảm cảm giác chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn hiệu quả. Người bệnh có thể sử dụng phương pháp chườm ấm theo hướng dẫn dưới đây:
- Người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng và thoải mái
- Dùng túi chườm ấm đã cắm điện chườm nhẹ nhàng lên vùng bụng, hai bên sườn giúp tình trạng đầy hơi, chướng bụng thuyên giảm hiệu quả.
- Nếu không có túi chườm có thể sử dụng vỏ chai và đổ nước ấm khoảng 50-60 độ, vặn chặt nắp rồi lăn nhẹ từ từ trên vùng bụng bị căng chướng.
- Thay nước khi đã nguội rồi tiếp tục chườm.
- nêm chườm ấm đều đặn 2 – 3 lần/ ngày.
2. Massage bụng
Massage bụng là phương pháp quen thuộc được áp dụng trong vật lý trị liệu giúp giảm đau bụng, chướng bụng buồn nôn. Masage bụng có tác dụng làm giảm nhanh các cơn co thắt, giảm đau, Lưu thông máu và cải thiện chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa.
Các bước thực hiện masage bụng như sau:
- Nằm thẳng trên giường thoải mái.
- Nhỏ vài giọt tinh dầu hoặc dầu nóng cho vào lòng bàn tay, xoa đều 2 lòng bàn tay cho nóng dần lên.
- Xòe 2 lòng bàn tay áp vào bụng, xoa bóp theo hướng trái – phải, lên – xuống,
- Xoa liên tục trong 10.-.15 phút cho vùng bụng ấm dần lên.
3. Uống trà thảo dược
Sử dụng trà thảo dược cũng là phương pháp được nhiều người lựa chọn khi bị chướng bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Cụ thể như sau:
Trà gừng mật ong:
Theo nghiên cứu y học hiện đại, trong gừng có các thành phần hợp chất: Zingerone, Gingerol và Shogaol giúp kháng khuẩn và điều hòa nhu động ruột. Vì thế dùng trà gừng hoặc ngậm gừng tươi có thể giảm nhanh cơn đau bụng và cảm giác chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy đáng kể.
- Dùng một củ gừng tươi đem rửa sạch rồi đập nát sau đó ngâm trong ly nước nóng khoảng 20 phút.
- Thêm vào ly nước gừng 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất.
- Khuấy hỗn hợp rồi uống từng ngụm nhỏ.
- Mỗi ngày lặp lại từ 2 – 3 lần sau mỗi bữa ăn.
Trà hoa cúc:
Trong hoa cúc có chứa tinh dầu hoa cúc bisabolol (levomenol) giúp chống viêm, kháng khuẩn, chống kích ứng và dị ứng, giải nhiệt, kháng viêm, giảm chướng bụng, buồn nôn hiệu quả, nhờ đó giúp nhanh chóng kiểm soát tình trạng tiêu chảy.
- Lấy 10g cúc khô đem hãm với 200ml nước đun sôi trong vài phút.
- Chắt lấy nước và hòa cùng 2 thìa cà phê mật ong.
- Uống khi còn nóng, ngày uống 2 – 3 cốc.
Dùng tỏi:
Trong tỏi chứa hàm lượng allicin, carbohydrate có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và giảm các triệu chứng ở chua, ợ hơi gây đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn. Ngoài ra, tỏi còn chứa aliin fitonxit, các loại vitamin, glycogen,.. đều là các dưỡng chất chống oxy hóa, giảm lượng cholesterol, hỗ trợ tiêu hoá tốt hơn.
- Tỏi bóc sạch, đập dập đem cho vào lọ, đổ ngập mập ong theo tỉ lệ 1:1.
- Đậy kín lọ và đặt nơi thoáng mát khoảng 3 tuần.
- Mỗi ngày xúc 1 thìa mật ong tỏi pha cùng nước ấm, uống cả nước và cái sau bữa ăn 30 phút.